GS Alain Carpentier giới thiệu về hoạt động của tim nhân tạo Carmat - Ảnh: Bình Minh
Giáo sư Alain Carpentier đã thử nghiệm trên động vật, kết quả là một video thật ấn tượng: người bệnh được ghép quả tim nhân tạo Carmat đã vui vẻ trò chuyện cùng ông, đi lại bình thường trên các bậc thang...
Ông nói: "Kết quả thử nghiệm đạt được trên người làm tôi rất xúc động, vì chúng tôi đang mang kết quả tốt để người bệnh hưởng lợi sớm nhất. Nhưng, lời khuyên chân thành của tôi là bạn hãy tránh để sử dụng tim nhân tạo! Bạn sẽ thực hiện được nếu giữ sức khỏe và tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ tim mạch".
Bên lề buổi thuyết trình, chúng tôi đã trò chuyện cùng ông - một người luôn nặng lòng với Việt Nam.
* Thưa giáo sư, được biết từ tháng 5-2017, Cơ quan An toàn quốc gia về thuốc Pháp (ANSM) đã cho phép tiếp tục thử lâm sàng ghép tim nhân tạo Carmat giai đoạn II, sẽ bao gồm 20 ca. Đây là giai đoạn quan trọng - là điều kiện tiên quyết để quả tim nhân tạo Carmat được phép lưu hành ở châu Âu, nhằm mục đích cứu sống hàng chục ngàn bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối và sẽ giải quyết tình trạng thiếu tim để ghép như hiện nay. Theo giáo sư, trong năm 2018 có thể thực hiện bao nhiêu ca?
- GS Alain Carpentier: Khi chúng ta làm một việc rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe con người thì đó là một công việc rất quý giá. Đôi khi thời gian không phải là điều quan tâm, mà điều chúng ta quan tâm nhất là có làm cho chất lượng cuộc sống của người ta tốt hơn hay không. Vì vậy, tôi không thể nói trước được là vào thời điểm nào sẽ kết thúc giai đoạn II.
* Hiện nay tại Việt Nam cũng có nhiều bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Họ hi vọng sẽ có cơ hội được ghép tim nhân tạo. Vậy theo giáo sư là khi nào?
- Tôi rất yêu Việt Nam, nhưng rất khó đưa ra một lời hứa, vì khó khăn nhất là giấy phép. Từ phía Pháp là một chuyện, còn phải được Chính phủ VN đồng ý nữa. Có điều tôi khẳng định là tôi rất yêu Việt Nam và xem nơi đây như quốc gia mẹ đẻ thứ hai của mình, cho nên khi quả tim nhân tạo Carmat được lưu hành thì tất nhiên người Việt Nam sẽ được ưu tiên hưởng lợi.
Nhân dịp này, thông qua báo Tuổi Trẻ, tôi mong sẽ được các nhà lãnh đạo quan tâm hỗ trợ để Viện Tim TP.HCM tiếp tục hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Tự cân đối thu chi, giúp đỡ chi phí mổ cho bệnh nhân nghèo với tỉ lệ 25-30% trên tổng số ca mổ hằng năm. Hỗ trợ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện khác trong và ngoài nước. Hãy lắng nghe nhu cầu của Viện Tim TP.HCM cần những gì để có thể tiếp tục giúp đỡ nhiều bệnh nhân nghèo VN.
Carmat hoạt động như quả tim người
Từ năm 1990, GS Alain Carpentier đã nghiên cứu chế tạo tim nhân tạo mang tên Carmat. Quả tim có kích cỡ, trọng lượng tương đương quả tim thực và khi ghép cho phép được đặt trọn trong lồng ngực con người. Tim nhân tạo 100% nhưng hoạt động như một trái tim thực sự, nhờ sự tương thích ở van sinh học, màng sinh học nên hoạt động rất sinh lý, co bóp không đột ngột mà áp lực trong tim tăng từ từ...
Đặc biệt, ngay từ khi thử nghiệm ghép trên động vật, sau 2 tháng phải giết mổ con vật để đánh giá kết quả thực tế trên quả tim nhân tạo, cho thấy không có huyết khối, kể cả trên phần nhạy cảm nhất là van tim.
Tháng 12-2013, quả tim nhân tạo Carmat được ghép ca đầu tiên trên con người được êkip của giáo sư thực hiện cho một bệnh nhân 76 tuổi bị suy tim giai đoạn cuối, sống được 74 ngày. Ca thứ 2 ghép cho bệnh nhân 69 tuổi vào ngày 5- 8-2014, sống được 9 tháng. Ca thứ 3 ghép cho bệnh nhân 75 tuổi vào ngày 8-4-2015, sống được hơn 8 tháng...
Trong một báo cáo về 3 ca ghép trên người của ông tại Mỹ, cho thấy tổng thời gian tim nhân tạo hoạt động được 559 ngày. Tất cả các ca đều không tạo huyết khối, không có đông máu, không nhiễm trùng và đặc biệt là không có biến chứng - đây là những yếu tố rất quan trọng.
Ở tuổi 84, GS Alain Carpentier - chủ tịch Hiệp hội Alain Carpentier, chủ tịch hội đồng giám sát Viện Tim TP.HCM - vẫn nặng lòng chăm lo, song hành cùng Viện Tim TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận