01/08/2016 08:41 GMT+7

Tranh cãi về điểm sàn cao - thấp

TRẦN HUỲNH thực hiện, TRANHUYNH@TUOITRE.COM.VN
TRẦN HUỲNH thực hiện, TRANHUYNH@TUOITRE.COM.VN

TTO - Đến nay, hầu hết các trường ĐH đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Đáng chú ý, nhiều trường tốp trên lại có điểm sàn xét tuyển thấp và việc này tạo ra ý kiến trái chiều.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, PGS.TS Đỗ Văn Xê, TS Đỗ Văn Dũng và TS Trần Đình Lý - Ảnh: T.HUỲNH - N.HÙNG

TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM)

Chắc chắn không ảnh hưởng

Thực tế cho thấy mỗi ngành/nhóm ngành ở các trường đều có phân khúc xét tuyển, nên lâu nay điểm chuẩn trúng tuyển hằng năm khá ổn định. Quyền tự chọn trường, ngành để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) là của thí sinh (TS), không ai ép TS nộp vào trường nào.

Kinh nghiệm của năm trước cho thấy các TS điểm thấp không nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường thành viên ĐHQG TP.HCM (95% TS nộp hồ sơ có mức điểm từ 18 trở lên).

Năm nay ĐHQG TP.HCM không lấy từ 18 điểm trở lên vì thống kê điểm năm nay rất khác so với năm 2015. Điểm chuẩn hoàn toàn phụ thuộc vào lượng TS nộp hồ sơ ĐKXT, chứ không phụ thuộc vào mức điểm nhận hồ sơ ĐKXT trường công bố.

Các trường không thể xác định được sẽ có bao nhiêu TS ĐKXT. Trong bối cảnh số lượng TS giảm (giảm 120.000 so với năm ngoái), điểm thi của TS giảm mạnh ở phân khúc cao.

Thống kê điểm của năm 2016 cho thấy số lượng TS đạt điểm cao giảm rất nhiều so với năm ngoái (giảm gần một nửa). Dự báo điểm chuẩn của các ngành có mức điểm rất cao có thể giảm 0,5 - 2 điểm.

Năm nay chắc chắn điểm chuẩn của các trường có điểm rất cao ở năm trước sẽ bị tác động theo hướng giảm và đẩy điểm chuẩn các trường tốp sau xuống thấp hơn.

Riêng những trường, ngành có điểm chuẩn từ 18 trở xuống sẽ không ảnh hưởng, do thống kê cho thấy phân khúc TS mức 20 điểm trở xuống năm nay vẫn cao.

Bên cạnh đó, các trường tốp dưới còn nguồn tuyển từ học bạ THPT. Vì vậy, việc ĐHQG TP.HCM nhận hồ sơ ĐKXT của TS đạt từ 15 điểm trở lên chắc chắn không ảnh hưởng gì đến các trường khác.

PGS.TS ĐỖ VĂN XÊ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ):

Xác định điểm sàn trên 15 là vi phạm quy chế

Lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ quan niệm rằng TS nào có điểm bằng điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định trở lên là đã đạt được “tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào”, do đó có quyền được ĐKXT.

Vì vậy chúng tôi chấp nhận tất cả TS đạt được tiêu chí này nộp hồ sơ ĐKXT. Đó là thể hiện sự công nhận quyền hợp pháp của TS.

Có người nói rằng thực hiện như vậy sẽ làm một số TS điểm thấp bị mắc bẫy, làm tốn kém cho TS một cách vô ích vì TS không có khả năng trúng tuyển mà vẫn nộp hồ sơ ĐKXT.

Lập luận vậy không sai, nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra đối với Trường ĐH Cần Thơ vì bên cạnh việc không giới hạn quyền nộp hồ sơ của TS, chúng tôi cung cấp đầy đủ điểm chuẩn năm trước và chỉ tiêu của từng ngành.

TS có thể dựa vào các số liệu này để chọn ngành phù hợp với mức điểm của mình nhằm tối ưu khả năng trúng tuyển.

Hơn nữa, quy chế tuyển sinh không có chỗ nào quy định các trường tốp trên phải có điểm sàn xét tuyển cao hơn điểm sàn của bộ công bố. Vì vậy, tôi cho rằng trường nào xác định điểm sàn xét tuyển ĐH trên 15 điểm là vi phạm quy chế.

Mặc dù để cho TS được tự do nộp hồ sơ, nhưng tôi cũng lưu ý TS rằng: có điểm bằng điểm sàn cũng đừng vội mừng vì đó chỉ mới là vé vào cửa thôi. Muốn đậu thì điểm của mình phải lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn, tùy thuộc vào “tương quan lực lượng” giữa mình và những người nộp hồ sơ vào cùng ngành với mình.

Cuộc chạy đua này rất gay go, nhất là năm nay mọi thứ đều phải giao cho số phận ngay sau khi nộp hồ sơ ĐKXT.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Công bố điểm sàn thấp là hại thí sinh

Trường tôi hoàn toàn tự tin sẽ tuyển đủ chỉ tiêu khi điểm sàn nhận hồ sơ ĐKXT của trường cao như công bố. Việc quyết định đưa ra mức điểm sàn này chúng tôi căn cứ khoa học về dữ liệu tuyển sinh nhiều năm nay của trường.

Một số người cho rằng các trường chỉ cần công bố điểm chuẩn hằng năm để TS dựa vào đó lượng sức mình đưa ra quyết định nộp hồ sơ ĐKXT, trường nào đưa ra mức sàn cao là xâm phạm quyền lợi TS nhưng thực tế không phải như vậy.

Khi đi tư vấn, tôi nhận ra rất nhiều học sinh mù mờ thông tin. Có những em ở vùng sâu, xa trung tâm hàng chục kilômet, hỏi sao các em biết điểm sàn, điểm chuẩn. Các em chỉ thấy thông báo là nộp hồ sơ. Hơn nữa, năm nay các em nộp hồ sơ vào và không được rút ra.

Tôi cho rằng việc các trường tốp trên công bố sàn xét tuyển thấp sẽ tạo tình trạng TS ảo cho các trường khác. TS có thể bị rớt ở trường tốp trên trong khi lẽ ra các trường tốp giữa, tốp dưới tiếp nhận số TS này ngay từ đợt 1 lại không được.

Theo tôi, nếu năm tới vẫn tiếp tục tuyển sinh như năm nay thì Bộ GD-ĐT cần quy định điểm sàn là mức thấp nhất để đảm bảo chất lượng đầu vào. Nhưng mỗi trường có ngưỡng chất lượng khác nhau, chỉ những trường tốp cuối mới lấy TS ở mức này.

TS TRẦN ĐÌNH LÝ (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):

Điểm sàn thấp, tỉ lệ thí sinh rớt sẽ cao

Việc quyết định mức điểm sàn xét tuyển do các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các trường tốp trên công bố mức sàn 15 điểm là không sai và có thể họ có lý do của mình.

Việc quyết định mức điểm sàn xét tuyển của Trường ĐH Nông lâm cũng do cả hội đồng tuyển sinh họp, cân nhắc rất kỹ. Nhà trường quyết định mức sàn xét tuyển như đã công bố trước hết hướng đến quyền lợi của TS.

Nếu điểm sàn thấp quá, TS có thể ĐKXT nhiều nhưng tỉ lệ bị loại sẽ rất cao, rõ ràng ảnh hưởng tới TS.

Thứ hai, mục tiêu của trường hướng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo. Chất lượng TS đầu vào ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo.

Thứ ba, năm 2015 trường đã mạnh dạn công bố mức sàn 17 điểm và kết quả là điểm chuẩn từ 17-23 điểm (tùy ngành, trong đó chỉ có hai ngành có điểm chuẩn là 17).

Cũng trong mùa tuyển sinh năm ngoái, một số trưởng khoa lo lắng khi hội đồng tuyển sinh nhà trường đưa ra mức sàn như trên, nhưng kết quả trường tuyển được trên 99% chỉ tiêu với mức điểm chuẩn trung bình là 20,5.

Việc các trường tốp trên đưa ra mức điểm sàn thấp sẽ có hai tình huống xảy ra: những TS tỉnh táo xem điểm chuẩn của trường năm qua và những năm gần đây sẽ nhận thấy mức điểm cao hơn rất nhiều (lên đến 8-10 điểm so với mức sàn 15 điểm), khi đó chắc chắn TS điểm thấp không dám đăng ký.

Đồng thời sẽ có những TS không nắm rõ thông tin, cứ nghĩ ĐKXT sẽ có cơ hội trúng tuyển. Theo tôi, thật sự TS sẽ rất khó trúng tuyển vào trường tốp trên mà dưới 19 - 20 điểm. Như vậy, cả hai tình huống đều không nên để điểm sàn quá thấp với trường tốp trên.

“Trước khi ĐKXT, thí sinh đã tham khảo thông tin điểm chuẩn các năm để đưa ra quyết định. Bản thân thí sinh đã hiểu sự khác biệt giữa điểm nhận hồ sơ xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển

TS Nguyễn Đức Nghĩa

 

“Chúng tôi luôn xem những người đã tốt nghiệp THPT là những người trưởng thành, có đủ khả năng và đủ sáng suốt thực hiện quyết định của mình

PGS.TS Đỗ Văn Xê

 

“Bên cạnh đó còn xuất phát từ tình thương đối với thí sinh. Nếu công bố mức sàn quá thấp sẽ an toàn cho các trường về nguồn tuyển, nhưng lại làm hại thí sinh

PGS.TS Đỗ Văn Dũng

 

“Tôi thấy hơi khó hiểu với quyết định này khi gần như biết chắc chắn một điều rằng với mức sàn 15 điểm, sự chênh lệch giữa điểm sàn xét tuyển và điểm chuẩn là rất cao, có khi lên gần 10 điểm

TS Trần Đình Lý

 
TRẦN HUỲNH thực hiện, TRANHUYNH@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên