Đêm nhạc Trần Tiến - Nửa thế kỷ phiêu bạt đêm 13-5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia kéo qua ngày mới, nhưng hầu như 4.000 khán giả đều ở lại tới cuối, nuốt từng lời ca, nốt nhạc và từng lời Trần Tiến chia sẻ trên sân khấu.
Trần Tiến: Cảm ơn các bạn đã thích âm nhạc tử tế
Như lời cảm ơn khéo léo của Trần Tiến xuyên suốt chương trình, đêm nhạc có thể nói đã "hay quá" ở nhiều mặt, từ việc chọn ca khúc, giọng hát của nghệ sĩ, những câu chuyện của Trần Tiến, cho tới dàn dựng sân khấu và tất nhiên, âm nhạc của Trần Tiến qua những bản phối đầy năng lượng tuổi trẻ của giám đốc âm nhạc Đức Trí.
Trần Tiến ngoài những lúc lên sân khấu hát, giao lưu (khá nhiều) thì ngồi dưới hàng ghế khán giả, bên bạn bè, người thân của mình để thưởng thức đêm nhạc - thưởng thức hành trình nửa thế kỷ du ca của mình.
Ông hài lòng, không tiếc lời khen sân khấu giản dị mà đẹp được trang trí bằng gần 100 cây đàn guitar, tổng thể đêm nhạc đẹp bởi tài đạo diễn của tổng đạo diễn Cao Trung Hiếu.
Và những bản phối rất dụng công và nhiều sáng tạo, những dàn dựng âm nhạc công phu của Đức Trí, giọng hát hay của các ca sĩ từ hàng sao tới nhóm Du ca của ông, dàn hợp xướng Sài Gòn Choir với 42 thành viên từ TP.HCM ra…
Đặc biệt là khán giả. Khen nghệ sĩ thì đúng rồi, nhưng Trần Tiến từng trải đương nhiên không quên tri ân khán giả của mình, những người đã yêu thương ông và cho ông một cuộc đời nghệ sĩ hạnh phúc vì được yêu thương rất nhiều.
Và hơn thế, họ rất hay, bởi đã chọn yêu âm nhạc của ông - thứ "âm nhạc tử tế" như ông nói.
"Các bạn cũng hay lắm, cũng đáng yêu lắm. Cảm ơn các bạn đã thích âm nhạc tử tế. Hôm nay tôi hạnh phúc lắm. Cảm ơn các bạn!" - Trần Tiến nói.
Đêm nhạc mở đầu bằng liên khúc các sáng tác được yêu thích nhất của Trần Tiến do dàn nhạc biểu diễn. Những nốt nhạc đẹp và cảm động, báo hiệu cho một đêm thăng hoa của âm nhạc Trần Tiến trong năng lượng và tình yêu của những nghệ sĩ trẻ.
Ngoài Bằng Kiều và Hà Trần là "người cũ" với âm nhạc Trần Tiến, các nghệ sĩ tham gia đều mới mẻ, trẻ và nhiều màu sắc: Uyên Linh, Trung Quân Idol, Phạm Anh Khoa, nhóm Du ca.
Đêm nhạc có đủ những ca khúc được yêu thích của Trần Tiến: Giấc mơ Chapi, Tóc gió thôi bay, Chị tôi, Mẹ tôi, Quê nhà, Lời ru buồn, Điệp khúc tình yêu, Mưa bay tháp cổ, Về đi em, Tùy hứng lý qua cầu, Vòng tay cầu hôn, Ngẫu hứng phố, Sắc màu, Giai điệu Tổ quốc, Ngẫu hứng sông Hồng, Lý ngựa ô…
Và những ca khúc cũ ít được hát như Đồng hồ, những sáng tác mới nhiều chiêm nghiệm của nhạc sĩ đang trải qua bạo bệnh nhưng vẫn cuồn cuộn năng lượng sống và ngày càng mộng mơ, cái mộng mơ của người đã đi qua nửa thế kỷ du ca, phiêu bạt đến vùng "phiêu miên": Mỹ nhân ngư, Phố núi, Một mình, Lẳng lơ.
Trần Tiến: Tôi rất hay sợ buồn
Bằng sự tử tế, tài năng và chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, đêm nhạc một lần nữa cho khán giả được thấy Trần Tiến rộng dài trong âm nhạc, như cuộc đời nhiều vị của ông. Âm nhạc ấy có đủ chất rock, jazz, dân gian, trữ tình… Như Trần Tiến đi qua chiến tranh - hòa bình, rất "sợ buồn", thích vui nhưng hay tư lự, ưa phản kháng nhưng lãng mạn hơn người…
Sáng tác nhiều bài hát với những nốt nhạc trầm buồn, da diết, nhưng Trần Tiến khi chia sẻ với khán giả đã thú nhận ông "rất hay sợ buồn". Ông thích niềm vui và quý trọng niềm vui.
Khi mắc bạo bệnh, ông càng quý niềm vui, sự tích cực hơn hết. Ông bảo nhờ niềm vui và khát vọng đã giúp ông sống qua bạo bệnh, vẫn "hiên ngang" sau 30 lần hóa trị.
Ông khuyên những khán giả thân yêu của mình chỉ hai điều: tập thể dục và vui. Thêm một điều nữa: Khi còn có hình (hài) trên trái đất này thì hãy sống tốt với hình (hài) khác, để khi thoát khỏi xác phàm nhiều khổ ải sẽ hạnh phúc gặp bạn bè ở cõi phiêu miên.
Bất ngờ với những bài hát từng bị cấm của Trần Tiến
Với nhiều khán giả trẻ yêu nhạc Trần Tiến, bài hát rock Đồng hồ mà họ được nghe trong đêm nhạc là một bất ngờ, một mới lạ.
Bất ngờ hơn ở câu chuyện Trần Tiến kể thời ông sáng tác ca khúc này và những ca khúc khác như Trần trụi 1987 khiến ông gặp rắc rối với những ông tổ trưởng tổ dân phố tưởng mình là "kim giờ".
Hồi đó, đất nước rơi vào khủng hoảng lớn sau chiến tranh khiến một người lính đã chiến đấu ở chiến trường như ông đau lòng. Ông viết Trần trụi 1987, Đồng hồ và chừng hơn chục bài khác theo không khí đổi mới văn nghệ lúc bấy giờ.
Nhưng những ông "tổ dân phố" thì chưa kịp đổi mới theo, khiến 16 bài hát của ông "bị cấm", cho tới lúc ông lên gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, hát cho các lãnh đạo nghe, trong đó có bài Đồng hồ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận