Ông Trần Viết Bảo - giám đốc Sở Xây dựng Bình Định - Ảnh: DUY THANH
Ông Trần Viết Bảo nói:
- Sáng 20-11 mưa lớn dồn dập trong 3 giờ xảy ra trên diện rộng, từ khu vực các núi Xuân Vân, Vũng Chua đến nội thành Quy Nhơn. Nước mưa từ trên núi đổ xuống như thác đổ, các con đường ở khu vực 3, 4 phường Ghềnh Ráng chảy xiết đến mức người đi không nổi, xe máy bị cuốn trôi. Đó là một trận lũ lịch sử ở đây chứ không phải lụt.
* Vì sao phường Ghềnh Ráng ở dưới chân núi, gần biển, mà quy hoạch thoát nước lại có vấn đề như vậy, thưa ông?
- Ở phường Ghềnh Ráng, dọc tuyến Chế Lan Viên là vùng trũng. Theo quy hoạch của dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ trước đây, bên tư vấn cũng như tỉnh xác định đây là trục tiêu thoát nước của toàn bộ các phần phân lưu từ hai dãy núi Vũng Chua, Xuân Vân và một phần khu dân cư phường Nguyễn Văn Cừ đổ về, thông qua các cống ngang đường Hàn Mặc Tử rồi ra cống hạ lưu.
Hệ thống cống hạ lưu chỗ resort Hoàng Gia đang thi công có tiết diện 20m2 (trước đây nhỏ hơn), cống qua đường Hàn Mặc Tử hơn 12m2, còn các cống phía trên chỉ 8m2. Trưa qua, cống hạ lưu mà còn xấp xỉ tràn thì các cống phía trên quá tải, áp lực nước gây bật nắp cống tròn, nước tràn ra gây ngập nặng.
Trận ngập ngày 20-11 ở phường Ghềnh Ráng được cho là ngập "lịch sử" - Ảnh: LÂM THIÊN
* Người dân cho rằng dự án khu dân cư Hưng Thịnh tại phường Ghềnh Ráng san lấp khu vực trước đây được quy hoạch là hồ điều hòa, nên nước từ trên núi đổ xuống, hệ thống cống không thoát kịp, dẫn đến ngập nặng?
- Chỗ khu dân cư Hưng Thịnh trước đây là vùng trũng, nước ngập gì thì không ai quan tâm. Còn bây giờ xây dựng thì chiếm một phần diện tích nên chỗ chứa nước tăng thêm bị ảnh hưởng, làm lượng nước tràn ra ngoài, khiến mực nước lũ dâng cao hơn.
Nhưng khu dân cư Hưng Thịnh mới xây lên, bề mặt của họ cũng không phải quá lớn để tác động đến việc thu gom nước. Đây không phải là nguyên nhân chính gây ra trận lũ hôm 20-11, cái chính là mưa quá lớn và hệ thống thoát của mình không đáp ứng được. Khu nhà của dự án này hôm qua cũng bị ngập.
Trước đây, khu vực này từng có một phần được quy hoạch làm hồ điều hòa rộng khoảng 4ha. Sau này thì khu dân cư Hưng Thịnh xây dựng, trong quy hoạch vẫn có hồ điều hòa rộng 1,25ha trong tổng diện tích hơn 8,2ha của dự án.
Đến nay hồ điều hòa này chưa được xây dựng. Theo chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi sẽ sớm làm việc và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện sớm hạng mục hồ điều hòa như quy hoạch. Nhưng cũng phải nói rằng hồ điều hòa chỉ chứa được một lượng nước nhất định thôi, còn nếu với lượng mưa quá lớn, kéo dài, hồ đầy thì nước tràn ra thôi.
* Theo phản ánh của nhiều người, dự án cải tạo cống thoát nước ra biển ở khu resort Hoàng Gia quá chậm cũng là nguyên nhân gây ngập?
- Việc chậm trễ trong cải tạo dự án này là do UBND TP Quy Nhơn triển khai không kịp các thủ tục đầu tư cho dự án cấp bách, do vậy phải đầu tư theo hình thức bình thường. Đến nay dự án chưa hoàn thành, nhưng thực tế thì đã góp phần thoát nước tốt ra biển.
Trận ngập ngày 20-11 là do hệ thống thoát bên trên bị quá tải, nên nước không đẩy xuống hệ thống cống hạ lưu hết được, mà "ói" ngược lên đường.
Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho rằng cống thoát nước ra biển ở phường Ghềnh Ráng xây dựng chưa xong nhưng góp phần tiêu thoát tốt trong trận lũ vừa qua - Ảnh: DUY THANH
* Giải pháp sắp tới để giải quyết việc ngập nặng ở khu vực Ghềnh Ráng là thế nào?
- Chúng tôi sẽ khảo sát, đánh giá lại cụ thể. Phương án dự kiến là sẽ mở rộng hệ thống thoát nước trục đường Chế Lan Viên, cống qua đường Hàn Mặc Tử trong điều kiện có những đợt mưa rất lớn như vừa rồi hoặc hơn; chuyển một phần thoát nước của khu đô thị Xanh Vũng Chua về hướng khác để giảm tải cho tuyến thoát nước hiện tại.
Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng hệ thống gom nước dưới chân núi, quy hoạch các hồ điều hòa… Làm sao phải giải quyết cho được tình trạng ngập ở phường Ghềnh Ráng.
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận