Nhà thờ họ Trương làng Mỹ Lợi - Ảnh: TRƯƠNG VĂN HẢI
Sau khi ông Hải tiếp tục tra cứu các đời cùng nhiều câu chuyện, những chỉ dấu nối kết, hành trình cụ tổ họ Trương ở làng Mỹ Lợi dần được phác họa rõ ràng.
Giải đáp băn khoăn
Ông Hải hiện là hiệu trưởng Trường THCS Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, thuộc đời thứ chín của dòng họ Trương làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).
Chuyện truy tìm dòng họ bắt đầu từ những năm 1994-1995, khi ấy ông được gia tộc bầu làm trưởng họ. Khác với vai trò "quyền thế" ở những dòng họ khác, trưởng họ Trương thường được bầu ra chỉ để phục vụ, trực tiếp đảm đương tất cả sự kiện trong họ, từ cưới hỏi, tang ma, giỗ chạp..., còn quyền quyết định thuộc về "các cụ" trong hội đồng gia tộc.
Hồi đó, ông Hải có hai mối băn khoăn lớn đặt ra về dòng họ của mình. Thứ nhất, ở làng Mỹ Lợi hầu hết các dòng họ đều có rất nhiều đời, có họ nối nhau 25 đời, trong khi họ Trương đến ông chỉ mới đời thứ chín.
Con số đó dẫn đến sự tự ti của dòng họ ông ở trong làng khi so với các dòng họ khác. Thứ hai, mỗi lần giỗ chạp họ Trương, những người đại diện họ Trương Viết từ xã Lộc Thủy (cùng huyện Phú Lộc) vượt vùng đầm phá xa mấy chục cây số để tham dự.
Việc tham dự này diễn ra xưa nay, trong khi hỏi cụ thể mối quan hệ giữa hai họ như thế nào thì ai cũng lắc đầu không biết, chỉ biết là "xưa nay nó vậy".
Năm 1998 khi thôi chức trưởng họ, ông Hải bắt đầu đi tìm lời giải đáp hai điều băn khoăn ấy. Trước tiên, ông đi hỏi từng cụ cao niên nhớ gì về xuất xứ tên làng.
Sau khi hỏi han và tra cứu khắp nơi về địa danh tên làng từng tồn tại, ông thưa với hội đồng gia tộc xin được trực tiếp xem gia phả dòng họ.
Đã từ lâu, văn bản này với tính chất thiêng liêng của nó, chỉ được rước từ khám thờ xuống trong những dịp trọng lễ kèm theo các nghi lễ, điều kiện khắt khe nên đề nghị trên được xem là "điều cấm kỵ". Thật may cho ông, các cụ trong hội đồng gia tộc đã gật đầu.
Chuẩn bị chay tịnh thân xác tinh thần sạch sẽ, sau một cuộc lễ long trọng, cái hòm đựng gia phả được thỉnh xuống từ khám thờ trước sự chứng kiến của nhiều chức sắc họ hàng. Lần đầu chạm tay vào gia phả, lòng ông Hải dạt dào cảm xúc lắm.
Thông tin quan trọng nhất được gia phả ghi lại là họ Trương xuất phát từ huyện Quảng Điền chứ không phải huyện Phú Lộc.
Những ngày tiếp theo, ông như lạc vào mê cung khi tìm hiểu về họ Trương ở huyện Quảng Điền, vì huyện này có đến hàng chục làng có họ Trương, thậm chí có làng có hơn hai họ Trương khác nhau. Vậy họ Trương ở Mỹ Lợi thuộc làng nào tại Quảng Điền xưa kia?
Sau nhiều năm kiếm tìm, ông Trương Văn Hải đã được dâng hương lên mộ tổ Trương Văn An ở làng gốc Bái Đáp, tức Phú Lễ ngày nay - Ảnh: NVCC
Câu chuyện nối kết dòng họ
Trong lúc hoang mang, ông Hải đọc được một bài nghiên cứu của tác giả Trần Đại Vinh, một chuyên gia làng xã vùng miền Trung. Theo địa bạ triều Nguyễn, có một làng tên Bái Đáp ở xã Lộc Thủy, sau năm 1975 không còn tên do nhập vào thôn Thủy Yên và Thủy Cam gần đó.
Tác giả Trần Đại Vinh cũng "chỉ lối" làng Bái Đáp ở Lộc Thủy vốn xuất phát từ làng Bái Đáp ở Quảng Điền, nay là làng Phú Lễ thuộc xã Quảng Phú, được đổi tên dưới thời Nguyễn.
Sau khi tìm hiểu ở thôn Thủy Yên và Thủy Cam, ông Hải thấy ở vùng này có con cháu họ Trương Viết là những người hằng năm thường sang Mỹ Lợi giỗ tổ họ của ông. Tuy nhiên gia phả họ Trương Viết chỉ có vài đời và gần như không ghi chép gì về các địa danh nói trên.
Ông Hải tiếp tục cùng người con gái học ngành Hán Nôm tìm về làng Phú Lễ (xã Quảng Phú, Quảng Điền) để tìm kiếm dấu vết dòng họ. Khi đi trên con đường làng dưới dãy tre xanh ngát ven sông Bồ, ông kêu con gái dừng lại trước một ngôi từ đường cổ kính hướng mặt ra sông.
"Theo chữ Hán đề thì đây là từ đường họ Trương" - con gái ông nói. Người lưu giữ văn bản Trương tộc ở từ đường họ Trương là ông Trương Văn Ngật bèn thỉnh gia phả để cùng ông Hải tra cứu. Trong gia phả này có ghi tên tuổi của ông Trương Văn An, thuộc đời thứ chín. Trực giác mách bảo với ông Hải rằng đó chính là cụ tổ của ông.
Thực ra, một trong những khó khăn khi truy tìm nguồn gốc của tổ họ Trương là do làng Bái Đáp đổi tên thành Phú Lễ vào đầu thời Nguyễn. Cái tên mới này xuất phát từ dân làng có nhiều người giàu có, hiển đạt, làm quan lớn trong triều, mà người nổi danh bậc nhất chính là quan thượng thư Trương Văn Uyển.
Sau khi ông Hải tiếp tục tra cứu các đời cùng nhiều câu chuyện, những chỉ dấu nối kết, hành trình cụ tổ họ Trương ở làng Mỹ Lợi dần được phác họa rõ ràng như sau: trong khoảng nửa cuối thế kỷ 18, ông Trương Văn An của làng Bái Đáp (Phú Lễ ngày nay) đi về phía nam và chọn vùng đất phía nam đèo Phước Tượng làm nơi sinh sống.
Theo ông Hải thì "Ngài An đẻ ra ngài Sách, ngài Sách đẻ ra năm người con, trong đó người con cả là Hậu vào Quảng Nam, sau đó con trưởng ngài Hậu là Sạ chuyển về Mỹ Lợi sinh sống, nay còn mộ phần.
Ngài Hậu đẻ ra ngài Sạ, là thủy tổ họ Trương ở đây. Những người con cháu họ Trương ở lại Bái Đáp của Lộc Thủy không hiểu vì đâu một số phiêu dạt, số khác thì đổi sang Trương Viết, phả hệ xưa lẫn tên làng cũ cũng dần phai nhòa, mất dấu.
Tiếp chúng tôi, ông Hải cho biết câu chuyện nối kết dòng họ Trương giữa Mỹ Lợi, Lộc Thủy và Phú Lễ vẫn đang được tiếp tục. Quan trọng hơn, một bản gia phả họ Trương, bắt đầu từ đời thứ nhất là ngài Trương Văn An rồi tiếp nối với hơn 20 đời đang dần thành hình.
Về phần mình, ông Hải cho rằng một trong những lý do dòng họ Trương "mịt mù gốc tổ" chính là việc hội đồng gia tộc họ Trương ở Mỹ Lợi xem bản gia phả là thiêng liêng và bí mật; thay vì phải được tổ chức dịch thuật, sao chép ra nhiều bản để nhiều nhánh, nhiều gia đình lưu giữ.
Nhà thờ họ Trương ở làng Phú Lễ - Ảnh: THÁI LỘC
Công khai phả hệ
Ông Hải đã đề nghị dòng họ của mình làm ngay một bảng phả hệ lớn thể hiện các đời, đủ tên tuổi, người hôn phối, ngày giỗ, treo công khai ngay ở nhà thờ họ để cho con cháu mỗi khi về tế lễ, giỗ chạp ở từ đường đều được biết về các cụ tổ, về vị thứ của mình trong dòng họ để không còn sự thất tán lặp lại ở những đời sau...
Kỳ tới: Hợp nhất gia phả họ Hồ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận