21/04/2018 08:31 GMT+7

Trầm cảm ở giới trẻ: 'Nới lỏng dây cương để con được thở'

TIỂU HÀN
TIỂU HÀN

TTO - Áp lực vừa phải sẽ trở thành động lực, nhưng nếu áp lực quá lớn sẽ trở thành phản lực và phản tác dụng khôn lường.

Trầm cảm ở giới trẻ: Nới lỏng dây cương để con được thở - Ảnh 1.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Ảnh do nhân vật cung cấp

"Con cần sống hơn cần điểm 10" - đó là câu nói thốt lên của một người mẹ của hai đứa trẻ khi nghe tin một nam sinh tại TP.HCM tự tử vì áp lực học tập.

"Học sinh bị thập diện mai phục"

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về vấn đề học sinh tự tử vì chịu áp lực học tập, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Đại học Sư phạm TP.HCM) bày tỏ: "Là học sinh đã khó, nếu gặp phải môi trường học tập quan trọng thành thích, có thêm cha mẹ quan trọng điểm số thì thật sự các em quá bất hạnh".

Theo vị tiến sĩ này, nhiều học sinh hiện tại đi học là để trả nợ, là ước mơ của cha mẹ, là để phục vụ nhu cầu thành tích của nhà trường… chứ không phải để được vui vẻ, được phát triển một cách tự nhiên.

Một câu chuyện có thật xảy ra tại Hàn Quốc làm nhiều người nhớ mãi. Cô con gái cắm đầu vào học để đạt được mục tiêu của mẹ đề ra. Bà hứa nếu đạt mức giỏi, bà sẽ cho cô bé làm bất cứ điều gì mình muốn. Cuối năm học, phờ phạc cầm quyển sổ kết quả về nhà với kết quả như mẹ muốn, cô bé đã hỏi: "Bây giờ, con được quyền làm bất cứ thứ gì mình muốn phải không mẹ?". Dứt lời, cô bé nhảy ra cửa sổ và tự tử.

"Điều đó cho thấy, một số áp lực vừa phải sẽ trở thành động lực. Nhưng nếu áp lực quá lớn, nó sẽ trở thành phản lực và phản tác dụng khôn lường", nam tiến sĩ nói.

Tiến sĩ Khắc Hiếu phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều học sinh không chịu được áp lực dẫn tới những hành động dại dột. Đó là quan niệm về sự thành đạt, áp lực từ những kì thi, và quan trọng nhất là từ những kỳ vọng của cha mẹ dành cho con em mình.

Nhiều người cứ nghĩ phải làm ông này bà nọ mới được tôn trọng. Ngẫm nghĩ lại, tôi thấy tội cho học sinh Việt Nam khi chịu một áp lực vô hình trong xã hội khi xem sự "thành đạt" nghĩa là phải cao hơn người khác

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Thầy Khắc Hiếu kể lại dịp sang tham quan giáo dục New Zealand. Ở đó, những người bán hàng, những anh phục vụ, người lái xe buýt... dường như rất hạnh phúc với công việc của mình.

"Tôi được nghe những nhà quản lý xã hội ở đấy thuyết minh rằng, trong xã hội của họ, học sinh chọn nghề nào hay vị trí nào trong xã hội cũng được, miễn là tự nuôi sống được mình mà không cần phải làm gánh nặng cho ai, miễn là đóng góp ở một khâu nào đó trong xã hội mà bản thân thấy vui vẻ và thoải mái là điều quan trọng nhất. Khái niệm "là người có địa vị" không hề quan trọng, mà quan trọng là "làm gì để mình hạnh phúc nhất?", nam tiến sĩ kể lại.

Nam tiến sĩ kể lại vừa tư vấn cho một em học sinh lớp 12, sau khi thi thử, em chỉ hơn 18 điểm. Bạn bè xung quanh châm chọc, cười chê: "Tao không thèm học bài mà thi thử còn cao điểm hơn mày. Nhìn có vẻ giỏi mà thực ra cũng thường thôi"... Những câu nói ác ý như thế vô tình là một áp lực đè nặng lên tâm lý các em rằng mình phải giỏi hơn người khác.

Và nguyên nhân quan trọng nhất chính là sự kì vọng của cha mẹ lên con em mình.

Nhiều cha mẹ rất hay so sánh, nên con phải học lớp đầu khối, điểm con phải nằm trong top 3, học kỳ này con phải 9 phẩy, con phải đậu vào đại học... mà không hề nhìn thấy tư chất của con là gì, hạt giống thế mạnh của con nằm đâu, ước mơ của con là ở vùng đất nào để giúp con gieo trồng thế mạnh của mình và sinh ra hạnh phúc.

Tất nhiều học sinh ngày nay đang bị thập diện mai phục: từ áp lực của xã hội, từ những chương trình giáo dục trong nhà trường và cả phụ huynh.

Giải pháp là gì?

Theo lời khuyên của Tiến sĩ tâm lý Khắc Hiếu, dưới góc độ nhà trường, anh rất mong nhà trường có những chương trình tư vấn tâm lý, tham vấn học đường, dạy các em những kỹ năng sống để biết giải toả áp lực, tháo gỡ stress và phòng ngừa trầm cảm. Đặc biệt, cần dạy các em biết nói lên chính kiến với cha mẹ, biết chia sẻ cảm xúc, đừng để quá căng như một chiếc bong bóng rồi bất ngờ phát nổ.

Cha mẹ nên thay đổi suy nghĩ ép con học giỏi là vì muốn tốt cho con.

"Dạy con phải biết cách để con không buông thả và rơi vào hư hỏng, nhưng cũng phải biết nới lỏng dây cương để con được thở và được sống. Đừng để tuổi thiếu niên của con là chuỗi ngày ám ảnh bởi hai chữ học hành. Học ở trường là quan trọng, nhưng con được trải nghiệm ở trường đời đôi khi lại còn quan trọng hơn", tiến sĩ Hiếu bày tỏ.

Có đến 12 loại trí thông minh, nếu con không giỏi trong trường lớp không có nghĩa là con ngu dốt và không làm nên tích sự. Vẫn còn hàng chục hàng nghìn mảnh đất khác để con ươm mầm khả năng mà mình có để sống tự lập và có ích.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Trầm cảm ở giới trẻ: hạn chế cái chết tuổi vị thành niên như thế nào? Trầm cảm ở giới trẻ: hạn chế cái chết tuổi vị thành niên như thế nào?

TTO - Với nhiều người, tiền bạc, danh vọng không cứu họ khỏi 'con quái vật' trầm cảm. Có những tổn thương từ rất lâu, một ca trị liệu có thể kéo dài 2-3 năm.

TIỂU HÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Trầm cảm tự tử