01/01/2019 11:14 GMT+7

Trạm ăngten khổng lồ của Trung Quốc dùng làm gì?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Trung Quốc vừa xây dựng hoàn tất một trạm ăngten thực nghiệm khổng lồ trên khu đất có diện tích rộng gần gấp 5 lần thành phố New York, các nhà khoa học có liên quan đến dự án tiết lộ.

Trạm ăngten khổng lồ của Trung Quốc dùng làm gì? - Ảnh 1.

Một trong những ứng dụng quân sự của trạm ăngten Trung Quốc vừa xây xong được cho là dùng liên lạc quân sự, kể cả với tàu ngầm - Ảnh: NATIONAL INTEREST

Theo báo SCMP của Hong Kong, dự án Phương pháp điện từ không dây (WEM) của Trung Quốc mất 13 năm ròng để xây, và các nhà nghiên cứu xác nhận nó đã sẵn sàng hoạt động theo thiết kế - tức phát ra sóng radio tầng số cực thấp hay còn gọi là sóng ELF.

Vũ khí trong chiến tranh

WEM là dự án quan trọng của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nhưng theo báo của Hong Kong, chính quyền nước này muốn giảm tầm mức quan trọng của nó trong các thông tin chính thức công bố ra ngoài.

Vị trí chính xác của trạm ăngten không được tiết lộ, nhưng với diện tích lên đến 3.700 km2, người ta đoán trạm nằm đâu đó ở vùng Hoa Trung bao gồm các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam và Hồ Nam. Khu vực này có hơn 230 triệu người sinh sống, nhiều hơn dân số Brazil.

Trả lời báo SCMP, ông Chen Xiaobin - nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa chất và cơ quan động đất Trung Quốc, cho biết dù ông làm việc cho dự án WEM, ông cũng không biết được vị trí chính xác của nó vì thông tin này cần thẩm quyền an ninh rất cao.

"Cơ sở này sẽ được dùng cho các nhiệm vụ quân sự quan trọng nếu chiến tranh nổ ra. Dù tôi có liên quan đến dự án, tôi không biết nằm ở đâu. Bây giờ hẳn trạm đã hoạt động" - ông Chen tiết lộ.

Cấu trúc mặt đất chính của dự án WEM là một cặp đường dây điện cao thế chạy từ bắc xuống nam, từ đông sang tây tạo thành một hình chữ thập ngang 60km và dài từ 80-100km.

Cuối mỗi đường dây là một sợi dây đồng lớn xuyên thẳng xuống lòng đất. Hai trạm phát điện công suất lớn phóng điện xuống lòng đất theo nhịp chậm và đều đặn, biến cả khu vực thành một nguồn phát bức xạ điện từ.

Sóng radio không chỉ lan trong không khí mà còn xuyên qua vỏ Trái đất trong phạm vi lên đến 3.500km - bằng khoảng cách từ Trung Quốc đến Singapore hoặc đảo Guam. Bất cứ thiết bị cảm biến nào nằm trong khoảng cách đó sẽ nhận được tín hiệu.

Trạm ăngten khổng lồ này được cho là mang mục đích dân sự lẫn quân sự. Sóng radio tần số thấp có thể truyền đến tàu ngầm đang hoạt động ở độ sâu hàng trăm mét dưới mặt biển, khó bị gây nhiễu và giảm rủi ro bị phát hiện so với trường hợp tàu phải trồi lên để bắt tín hiệu.

Trạm ăngten khổng lồ của Trung Quốc dùng làm gì? - Ảnh 2.

Lực lượng dân quân Trung Quốc bảo vệ đêm giao thừa ở TP Thượng Hải tối 31-12-2018 - Ảnh: REUTERS

Nguy cơ gây ung thư?

Về việc giữ bí mật dự án WEM, ngoài mục đích bảo vệ cơ sở chiến lược, vài nhà nghiên cứu nhận định chính quyền Trung Quốc còn muốn tránh gây tâm lý hoang mang trong người dân. 

Sóng ELF tầng số từ 0,1-300 hertz do trạm ăngten này phát ra có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế, trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước đây từng cảnh báo sóng ELF "có thể gây ung thư ở người". 

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học và thực nghiệm trên khắp thế giới cũng phát hiện mối liên quan giữa phơi nhiễm sóng ELF lâu ngày và nguy cơ mắc bệnh bạch cầu (ung thư máu) ở trẻ nhỏ.

Trong bản báo cáo dài 500 trang cập nhật liên tục từ năm 2007, WHO thống kê một số lượng lớn nghiên cứu hàn lâm về mối liên hệ giữa bức xạ ELF và nhiều căn bệnh ở người như ảo giác, mất ngủ, stress, trầm cảm, u ngực và não, sẩy thai và tự tử.

Tuy chưa có kết luận cuối, WHO cho rằng việc thực hiện các quy trình đề phòng và giảm thiểu phơi nhiễm sóng ELF là "hợp lý và được khuyến nghị".

Theo báo SCMP, mối lo về dự án WEM được một số nhà nghiên cứu và cả cơ quan hữu trách của Trung Quốc chia sẻ. Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc đã yêu cầu thực hiện một báo cáo chi tiết về tác động môi trường của dự án nhưng không được đáp ứng.

"Tiền đến từ ngân sách dân sự, nhưng quân đội đã can thiệp và dìm yêu cầu của Bộ Sinh thái và môi trường" - một nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh tiết lộ.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên