Phóng to |
GS.TSKH Nguyễn Khánh Dư (phải) trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
* PGS.TS Nguyễn Hoài Nam:
Thưa giáo sư, mặc dù ở tuổi 84 nhưng giáo sư vẫn khỏe mạnh như những ngày của 20 năm trước. Vậy bí quyết nào đã giúp giáo sư có một hệ tim mạch khỏe mạnh như vậy?
GS.TSKH Nguyễn Khánh Dư:
- Bí quyết của tôi để có sức khỏe tốt là phải giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh, huyết áp không tăng. Muốn thế ngoài việc luyện tập thể dục, có chế độ dinh dưỡng tốt, làm việc điều độ, chừng mực trong cuộc sống... còn phải có một tâm hồn trong sáng, một trái tim nhân hậu, biết thương mình và thương yêu mọi người. Tránh xa những cảm xúc thái quá, vì những cảm xúc này sẽ làm gia tăng nồng độ các loại hormone có hại cho hệ tim mạch như: cortisone, adrenalin, epinephrine... Sự gia tăng của các loại hormone này sẽ làm co thắt mạch máu, nó kết hợp với việc tăng của các loại chất béo, cholesterol, triglyceride... sẽ làm xơ vữa động mạch, trong đó có động mạch vành gây thiếu máu cơ tim và nặng hơn nữa là nhồi máu cơ tim gây ra tình trạng đột tử.
* Hình như giáo sư là người rất yêu công việc, cho đến giờ dù đã về hưu nhưng giáo sư vẫn tham gia giảng dạy, chấm luận án và khám chữa bệnh cho mọi người.
"Muốn có trái tim nhân hậu, mỗi người phải tập tha thứ cho nhau, tha thứ cho chính mình" |
- Đúng là như vậy. Không chỉ riêng tôi mà với rất nhiều người khác, chính công việc, tất nhiên là làm việc điều độ và vừa phải, là liều thuốc rất quý cho sức khỏe ở những người cao tuổi. Ngày xưa các cụ có câu: quan tha ma bắt, đúng vậy đó nếu không làm việc kể cả tay chân và trí óc, không giao tiếp với người khác thì chỉ vài năm sau về hưu là sức khỏe sẽ giảm rất nhiều. Ở các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản, những người về hưu tham gia công tác xã hội và từ thiện nhiều lắm, một công đôi việc, tiện lợi cho cả xã hội và bản thân mỗi người.
* Giáo sư rất thích uống cà phê vào buổi sáng và trưa nào dù bận việc đến mấy đều dành 15 phút cho giấc ngủ trưa. Chúng tôi còn nhớ cách nay đã hơn 20 năm khi đi dạy học ở Đại học Cần Thơ, sáng nào chúng tôi và PGS.TS Phạm Thọ Tuấn Anh cũng được giáo sư pha cho một ly cà phê. Vậy ly cà phê buổi sáng và chợp mắt một chút lúc buổi trưa có tốt cho sức khỏe không?
- Nếu anh không bị cao huyết áp và một số bệnh đặc biệt theo ý kiến của bác sĩ thì việc uống một ly cà phê vào buổi sáng rất tốt cho hệ tim mạch, nó làm các mạch máu giãn nở tốt, tăng thêm nhịp tim, giúp cơ thể có cảm giác sảng khoái và làm giảm đường huyết. Tuy nhiên chỉ nên uống một ly thôi nhé, nhiều quá lại thành không tốt, lợi bất cập hại. Còn buổi trưa nằm ngủ được 15-30 phút rất tốt cho hệ thần kinh và tim mạch, giảm bớt stress, giúp cơ thể nạp thêm năng lượng cho những hoạt động vào buổi chiều.
* Vậy từ kinh nghiệm của chính mình, giáo sư có lời khuyên gì cho mọi người?
- Muốn có trái tim nhân hậu, mỗi người phải tập tha thứ cho nhau, tha thứ cho chính mình, không nên lúc nào cũng nặng lòng vì những lỗi lầm nho nhỏ của người khác và sai lầm nho nhỏ của mình. Nên xử lý các chuyện xảy ra trong cuộc sống hằng ngày bằng cách: chuyện nhỏ thì cho qua, chuyện lớn thì xử lý theo hướng nhẹ nhàng vừa có tình vừa có lý.
Có một lần tôi đọc truyện ngắn Những linh hồn sau cánh cửa trong tập Nửa đêm xuống phố. Tôi thấy câu chuyện truyền tải một điều là muốn trở thành con người nhân hậu phải biết tha thứ cho nhau, tha thứ cho người cũng là tha thứ cho mình để mình có một cuộc sống tốt, một trái tim nhân hậu và khỏe mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận