30/01/2016 18:11 GMT+7

Thăm xứ quýt hồng Lai Vung mùa tết

TRÂN DUY
TRÂN DUY

TTO - Cứ cuối năm âm lịch, chúng tôi lại tranh thủ cuối tuần xách xe về Lai Vung, Đồng Tháp để thăm mấy vườn quýt - nơi những người dân coi chúng tôi như người thân quen và "phụ" đi thu hoạch quýt.

Quýt trong nắng xuân - Ảnh: Trân Duy

Đầu tháng gọi điện thoại về thăm hỏi, các chị dè dặt thông báo: “Năm nay quýt chín muộn mấy đứa ơi, chừng 15 âm xuống thì vừa”. Tuần rồi chưa kịp xuống, cũng các chị điện thoại lên: "Sao chưa xuống chơi em. Xuống trễ quá bẻ bán hết, muốn chụp hình cũng hỏng còn đó”...

Rồi các chị khoe: “Năm nay còn có đặc sản quýt hồng trồng trên chậu tại xã Tân Thành và Vĩnh Thới. Chèn ơi, chậu nầo chậu nấy trái lúc lỉu. Đẹp lắm, hỏng xuống người ta chở đi hết”.

Còn nhớ hai năm trước, trong chuyến du hành bằng xe máy từ Sài Gòn xuống Cao Lãnh, qua phà Vàm Cống, thấy người dân chạy xe gắn máy chở quýt (loại quýt chín tới có lớp vỏ ngoài đỏ hồng) đi về ào ào.

Hỏi thăm mới biết đó là khách mua mót (mua tại vườn sau khi thương lái mua hết các cây) mang về các chợ quanh vùng bán kiếm lời, chúng tôi quyết định tìm đến “vương quốc” quýt hồng Lai Vung, nơi được cho trồng quýt ngọt nhiều nhất miền Tây, dù chẳng quen biết ai ở đó.

Lai Vung từ xưa đã nổi tiếng với nem chua Nam bộ, nhưng bây giờ ngoài danh địa nem Lai Vung còn có quýt. Chúng tôi đi theo chỉ dẫn của người dân buôn bán ven đường, "cứ chạy thêm hơn năm cây số nữa, đến các xã Tân Thành, Long Hậu, Tân Phước... trong đó Tân Thành là nơi trồng quýt Tiều son nhiều nhất”.

Quýt Tiều son là tên dân gian, do người dân địa phương dùng để gọi một loại quýt trái ngọt, vỏ căng bóng, khi chín màu cam đỏ, có thể bày biện chưng cúng đẹp, để lâu hư trong điều kiện tự nhiên. Sau này thương lái gọi thành quýt hồng, rồi nhanh chóng trở thành một thương hiệu trái cây nổi tiếng, loại trái cây sắc màu đẹp, vị thơm ngon, thường xuất hiện trong mùa tết.

Gần tết, bên đường lộ tràn ngập hàng quán bày bán quýt đủ các loại, nhưng chúng tôi kiên quyết phải tìm đến vườn. Cứ đi ngược hướng những chiếc xe gắn máy chở quýt tươi thơm lừng, cuối cùng cả nhóm cũng tìm được một chỗ để gửi xe. Đó là một quán bán tạp hóa kiêm nước giải khát nhỏ, có thêm hai sọt đầy ắp quýt chín.

Một vườn quýt trĩu trái đã đến mùa thu hoạch - Ảnh: Trân Duy

Quýt và giàn chống - Ảnh: Trân Duy

Hai chị em cô bán quýt tươi cười khi mấy đứa lao xao thăm hỏi, nói đó đúng là quýt nhà. Thương lái sau khi “bao tiêu” các vườn, quýt loại ngon nhất đã vào thùng, lên xe... cánh phụ nữ lại tỏa đi kiểm tra, hái mót hết các trái chín còn sót.

Loại quýt này thường nằm ở góc vườn xa, cây de ra mương, đọt cao khó hái, hoặc trái ngó bề ngoài hơi xấu một chút. Quýt “mót” được vận chuyển bằng xuồng ghe ra ngoài, rồi giao lại cho con cháu mang ra bán để kiếm tiền sắm tết.

Hai cái sọt đang chờ mấy người mua bán lẻ đến gom, nhưng thấy mấy đứa nhiệt tình, họ quyết định lựa ra một ít vừa bán vừa cho với lý do: “Thử ăn cho biết. Coi cái vỏ hơi xấu chứ trong ruột ngọt thanh à”.

Rồi cũng chính họ, lại gửi lại hai sọt quýt để dắt mấy tay khách thành phố vào thăm vườn bằng một điệu bộ ân cần:

“Đi cỡ 200m, qua cái lạch là tới. Vườn quýt đó đang chờ hái, trái đẹp lắm. Đi để tụi em chỉ cho biết đặng phân biệt thứ nào là quýt tiều son, thứ nào là quýt đường. Để coi công nghệ trồng quýt bằng đất phù sa của miệt vườn miền sông Hậu, quýt chín tự nhiên, không hóa chất nên không lo gì về sức khỏe”.

Tham quan vườn quýt - Ảnh: Trân Duy

Chúng tôi đi theo họ qua những con đường đất nhỏ gập ghềnh, không phải một mà là khá nhiều mương nước. Có những căn nhà gạch kiểu quê, có cây trái sum xuê nào mít, xoài, mận. Và có cả những vườn kiểng hoa sắc màu rực rỡ.

Đi cũng khá vòng vo để tới một vườn quýt còn chưa hái, tràn ngập cây cành trĩu trái. Quýt trồng theo hàng, dọc theo những con rạch nhỏ trong vườn, những cành nặng đều được dựng giàn chống.

Hai hướng dẫn viên nghiệp dư giải thích vườn ở đây thường trồng xen kẽ quýt hồng với quýt đường. Quýt đường ai biết thì chọn để ăn vì vị ngọt hơn, múi nhiều nước hơn, nhưng màu sắc thì ửng xanh, không tươi đẹp như quýt hồng.

Quýt đường có rải rác quanh năm, nhưng quýt hồng thì chỉ dành chưng cúng tết. Vì vậy, mùa quýt hồng chỉ rộ là những ngày cuối tháng chạp.

Là thứ trái để chưng tết đón xuân, và do nhiều nhà vườn đã hứa với thương lái nên cũng có chuyện không phải vườn nào người dân cũng cho người bên ngoài vào chụp hình. Bởi có thương lái khó tính, sợ người lạ đến chụp ảnh, sờ mó, hái quýt không đúng cách, rồi dẫn tới buôn bán không suôn sẻ.

Dĩ nhiên, nhờ vào sự nhiệt tình của hai hướng dẫn viên địa phương, chúng tôi đã được tiếp đón nồng hậu của các chủ vườn. Rồi chắc thấy đứa nào cũng "ngoan", "không phá phách" nên hai năm liền các chủ vườn đã mở rộng cửa đón chúng tôi vào vườn, giải thích từng công đoạn về cách trồng, gây giống.

Cứ thế tôi biết thêm về từ một giống quýt ta đã bị thoái hóa, chỉ có vỏ là chín đẹp, múi chai khô... đã được những người dân nơi đây âm thầm lai ghép tạo ra loại quýt có vỏ ngoài căng mọng, ruột cũng mọng căng thịt nước, ngọt nhiều hơn chua.

Cứ thế, vào dịp cuối năm âm lịch, mấy đứa lại tranh thủ cuối tuần xách xe về mấy vườn quýt - nơi những người dân coi chúng tôi như người thân quen để xem thu hoạch quýt, phụ đóng gói để thương lái chuyển đi.

Cứ thế, để tự hào thấy quýt xứ mình theo những chuyến xe, chuyến tàu, thậm chí leo lên máy bay... ra tận những miền Trung, miền Bắc, đến xứ Mỹ, Úc xa xôi... Để rồi trong những ngày tết, trái quýt hồng sẽ hiên diện trên bàn thờ cúng Phật, cúng ông bà, trên mâm trái cây chưng tết, đánh bại "bom" Mỹ, táo Tàu, bòn bon Thái...

Và vì trái quýt hồng đó, ngoài việc khoe áo vàng rực rỡ như nắng xuân phương Nam, còn nổi tiếng chưng được lâu mà vẫn giữ nguyên hương vị miệt vườn Nam bộ.

Quýt chín - Ảnh: Trân Duy
Quýt vừa thu hoạch chờ vào thùng xốp - Ảnh: Trân Duy

Hiện các công ty du lịch đã có liên kết với người dân địa phương để mở các tour tham quan vườn quýt.

Có hai điểm đến cho khách đoàn tham quan là điểm Phương Nghi của nhà vườn Đặng Văn Khanh ở ấp Tân Quý, xã Tân Phước và Út Tường của nhà vườn Nguyễn Văn Tường nằm cặp tỉnh lộ 851, ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp.

Giá vé 50.000 đồng/người lớn và 25.000 đồng/trẻ em, thời gian mở cửa từ 8g - 17g mỗi ngày. 

Để có thể hợp tác cùng các công ty du lịch, các nhà vườn phải trồng quýt theo tiêu chuẩn Viet Gap để du khách vào tham quan an toàn. 

Với du khách muốn xem cảnh thu hoạch quýt, đưa quýt ra đường lộ, tập trung cân cho thương lái thì nên đến các nhà vườn quen từ ngày 23 tháng chạp. Nhưng dù có ham chụp ảnh thế nào cũng nên hỏi qua gia chủ, vì đây là mùa mua bán bận rộn.

Riêng với du khách yêu cái đẹp, ngoài mùa quýt chín, còn một mùa nữa để tham quan là vào dịp cuối xuân, đầu hạ (tháng 3, 4) để thăm vườn quýt trổ hoa. Hoa quýt màu trắng, có hương thơm dịu, tương tự như hoa bưởi, hoa cam, chanh..

TRÂN DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên