Nhiều dưỡng chất quý tốt cho sức khỏe
Mận đang vào mùa và đã bắt đầu chín ngọt. Giá mận cũng đã giảm từ giá 180.000 đồng/kg vài tuần trước xuống còn khoảng 1/3, thậm chí rẻ hơn với mận loại ngon.
ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết mận tuy là loại quả hết sức thông dụng trong đời sống người Việt, không thể thiếu trong Tết Đoan ngọ nhưng lại là một vị thuốc rất độc đáo trong y học cổ truyền.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy ngoài chất xơ và các chất có giá trị dinh dưỡng cao như protein, vitamin C, canxi và sắt, mận chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học: anthocyanins, axit chlorogenic, các dẫn xuất của quercetin và catechin, giúp ngăn ngừa các bệnh tiểu đường và tim mạch có liên quan đến béo phì.
Các hợp chất trên có thể lần lượt đối phó với tế bào mỡ, đại thực bào và tế bào nội mô mạch máu, do đó có thể phát huy công dụng đặc biệt chống béo phì, chống viêm và chống bệnh tiểu đường.
Hơn nữa, những chất này còn có thể giảm mức độ của LDL hay còn gọi là cholesterol xấu, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Bác si Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM, phân tích trong trái mận có chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là có chứa chất chống oxy hóa và chất xơ. Bên cạnh đó, khi mận chín còn mang lại các chất như kali, vitamin A, B, C, K, magie nên có tác dụng với nhiều bệnh:
- Giảm sự hấp thụ cholesterol: Hàm lượng vitamin C trong mận giúp ngăn ngừa cholesterol bị oxy hóa trong động mạch, đào thải những cholesterol xấu ra ngoài cơ thể. Nhờ vậy, ăn mận có thể ngăn ngừa bệnh xơ vữa động mạch, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và hen suyễn...
- Chống ung thư: Trong trái mận có chứa nhiều anthocyanins là chất chống oxy hóa có khả năng trung hòa các gốc oxy gây ung thư và phá hủy tế bào. Vitamin C và chất xơ trong mận giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh ung thư ruột kết cực hiệu quả.
- Tốt cho tim mạch: Mận rất giàu kali, có thể điều chỉnh huyết áp và làm giảm đáng kể nguy cơ bị đột quỵ
- Tăng cường sự hấp thụ chất sắt: Vitamin C khá cao trong mận là cơ sở để loại quả này giúp hấp thu chất sắt rất hiệu quả, đồng thời tăng khả năng chống chọi lại bệnh tật và nhiễm trùng của cơ thể.
- Tốt cho tiêu hóa: Trong mận chứa nhiều chất xơ và isatin, sorbitol là những chất cực tốt cho hệ tiêu hóa, điều chỉnh chức năng của cơ quan nội tạng này. Ăn mận nhiều giúp điều hòa nhu động ruột, giảm nguy cơ táo bón. Nhiều người chữa trị bệnh táo bón bằng cách ăn mận khô hoặc mận tươi cho thấy hiệu quả rất cao.
- Tốt cho mắt: Ngoài vitamin C, mận còn chứa beta carotene là những dưỡng chất đặc biệt có lợi cho mắt. Ăn mận có thể giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng, một căn bệnh về mắt có thể dẫn tới mù lòa.
Kinh nghiệm chữa bệnh của cổ nhân
ThS Toàn nhấn mạnh y học cổ truyền có nhiều bài thuốc dùng mận chữa bệnh độc đáo. Theo Đông y, trái mận vị chua ngọt, tính bình, có công dụng thanh can, điều nhiệt, sinh tân lợi thủy, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như hư lao, âm hư nội nhiệt, môi khô họng khát, thủy thũng, tiêu khát, tiểu tiện bất lợi...
Mận có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, giải khát, giúp dễ tiêu hóa thức ăn, lợi thủy, tiêu thũng, dùng điều trị nóng trong, ăn khó tiêu, viêm gan phúc thủy (bụng có báng nước), khó tiểu tiện. Thường được dùng dưới dạng ăn sống hoặc giã nát rồi ép lấy nước uống.
Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, vỏ, nhựa, lá, nhân, hạt... đều có tác dụng chữa bệnh. Đặc biệt là các bệnh lý sau:
- Tiểu đường: Trái mận tươi, rửa sạch, bỏ hạt, ép lấy nước, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa canh. Hoặc vỏ rễ mận 10g sắc uống hằng ngày.
- Chứng hay khô miệng: Mận tươi lượng vừa đủ, rửa sạch, bỏ hạt, ngâm với đường trắng trong hai tuần, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5 quả.
- Cổ trướng do xơ gan: Hằng ngày nên ăn một lượng mận thích hợp. Hoặc vỏ rễ mận 30g, rễ khế 30g, phật thủ 6g, thanh bì 9g, xuyên luyện tử 6g, sắc uống.
- Táo bón: Quả mận khô 400g, mật ong 100ml đem ngâm với 1,8 lít rượu trắng, sau 2 tháng thì dùng được, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml. Hoặc nhân hạt mận 10g, đào nhân 10g, hạnh nhân 10g, sắc uống.
- Thiếu máu: Nên ăn mận khô hoặc tươi.
- Thanh nhiệt giải nóng: Nước mận, nước dưa hồng, nước nho mỗi loại 10g, trộn đều uống.
- Kém ăn: Mận tươi vài quả, nho khô 6g, nhai ăn trước mỗi bữa cơm.
- Làm đẹp da mặt: Quả mận tươi 250g rửa sạch, bỏ hạt, giã nát ép lấy nước rồi hòa với 250ml rượu gạo, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 20ml.
Theo kinh nghiệm của cổ nhân, mận hậu ăn vừa phải sẽ tốt cho cơ thể, bổ sung vô số dưỡng chất cần thiết, thanh mát. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều mận có thể sinh đàm trợ thấp, gây thương tổn tỳ vị, gây ra tình trạng nóng trong người, bồn chồn, nổi mụn, do đó nên chỉ ăn chừng 3 - 4 quả là tốt nhất.
Sau khi ăn mận không nên uống nhiều nước vì dễ bị tiêu chảy. Không dùng mận với thịt chim sẻ, thịt hoãng, trứng vịt và mật ong vì có thể làm tổn thương ngũ tạng.
Những người nên hạn chế ăn mận
Người đang đói: Nên tránh ăn mận khi đói. Ăn mận khi đói có thể gây ra những triệu chứng cồn cào, khó chịu. Hơn nữa thói quen ăn mận khi đói có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Bởi chất oxalate trong mận có thể cản trở quá trình hấp thu canxi trong cơ thể và kết quả là dẫn đến sỏi…
Phụ nữ có thai: Bà bầu có thân nhiệt nóng hơn bình thường không nên ăn nhiều mận vì có thể sinh phát ban, gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Người bị bệnh thận, sỏi tiết niệu: Trong mận có chứa nhiều chất oxalate. Khi ăn nhiều mận, chất này có thể gây cản trở hấp thụ canxi trong cơ thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận. Đây chính là nguyên nhân gây sỏi thận và sỏi bàng quang.
Người có cơ địa nhiệt, nóng: Mận có tính nóng, nên ăn nhiều mận có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt…
Người bị bệnh dạ dày: Mận có tính axit cao nên có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày và men răng, nhất là men răng trẻ em còn yếu, dễ bị ảnh hưởng. Nếu bạn bị bệnh dạ dày mà ăn nhiều mận sẽ gây đau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận