03/02/2025 07:55 GMT+7

Trái đất thực ra có 6 lục địa hay 7?

Các nhà địa chất từ lâu đã xem Bắc Mỹ và châu Âu là hai lục địa riêng biệt, nhưng những nghiên cứu mới cho thấy có thể tồn tại những điều phức tạp hơn bên dưới bề mặt đại dương.

Trái đất có 6 lục địa hay 7? - Ảnh 1.

Phát hiện cho thấy các mảng Bắc Mỹ và Á - Âu vẫn chưa hoàn toàn tách ra, trái với các ước tính trước đây rằng sự phân tách này đã xảy ra cách đây hàng chục triệu năm - Ảnh: Earth

Một nghiên cứu đã tiết lộ dấu hiệu của vùng đất bị chôn vùi kéo dài từ Greenland qua Iceland đến Quần đảo Faroe. Trọng tâm của cuộc thảo luận cho rằng các mảng kiến tạo vẫn có thể đang tách ra theo những cách bất ngờ, ảnh hưởng đến cách chúng ta phân loại lục địa trong tương lai.

Tranh cãi về số lượng lục địa của Trái đất

Một trong những nhà nghiên cứu đứng sau phát hiện này là tiến sĩ Jordan Phethean, giảng viên khoa học Trái đất tại Đại học Derby, Anh. Ông đã hợp tác với một nhóm nghiên cứu toàn cầu, bao gồm các cộng tác viên từ Thụy Sĩ, Ý và Mỹ để nghiên cứu những gì nằm bên dưới các lớp núi lửa của Iceland.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự tương đồng giữa một khu vực ở châu Phi, được gọi là vùng Afra, và sự hình thành của Iceland. Bằng cách nghiên cứu cách thức đứt gãy diễn ra ở cả hai nơi, họ đã xác định được một đặc điểm địa chất mới gọi là "cao nguyên macma đại dương bị đứt gãy", hay ROMP.

Phát hiện cho thấy các mảng Bắc Mỹ và Á - Âu vẫn chưa hoàn toàn tách ra, trái với các ước tính trước đây rằng sự phân tách này đã xảy ra cách đây hàng chục triệu năm. Theo bằng chứng mới, quá trình phân tách vẫn đang tiếp diễn.

Nhiều nhà địa chất từng tin rằng các mảng Bắc Mỹ và Á - Âu đã tách rời hoàn toàn vào khoảng 52 triệu năm trước. Giờ đây, nếu được xác nhận, Bắc Mỹ và châu Âu có thể hợp nhất thành một khối đất liền lớn.

"Thực tế chúng vẫn đang kéo giãn và trong quá trình tách rời", tiến sĩ Phethean giải thích. Quan điểm mới này thách thức kiến thức truyền thống về cách các lục địa tiến hóa.

Sự xuất hiện của một tiểu lục địa mới

Các chuyên gia nghi ngờ rằng Iceland có thể chứa các mảnh vỡ của lớp vỏ lục địa bị chìm bên dưới các lớp đá núi lửa dày đặc, cho thấy câu chuyện địa chất của khu vực phức tạp hơn rất nhiều.

Ý tưởng này có điểm tương đồng thú vị với khu vực Afra ở Đông Phi, nơi quá trình đứt gãy cũng đang làm lộ ra các lớp sâu hơn của Trái đất. "Tôi thích nghĩ về khái niệm này như một phiên bản của việc tìm ra thành phố Atlantis bị mất tích", tiến sĩ Phethean nói.

Các chuyên gia tin rằng những mảnh đất ẩn này có thể giúp kết nối các sự kiện kiến tạo trong quá khứ với các quan sát địa vật lý hiện đại.

Một phát hiện đáng chú ý khác là một tiểu lục địa sơ khai được tìm thấy giữa Canada và Greenland, dài khoảng 400km và nằm bên dưới eo biển Davis - tuyến đường thủy quan trọng kết nối biển Labrador với vịnh Baffin.

Khối lục địa này có khả năng được hình thành khoảng 60 triệu năm trước, làm sáng tỏ cách các mảng kiến tạo dịch chuyển và hình thành các mảnh đất nhỏ hơn trong hàng triệu năm. Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu trọng lực từ vệ tinh và các phương pháp địa chấn để xác định ranh giới của nó.

"Quá trình đứt gãy và hình thành tiểu lục địa vẫn đang diễn ra", tiến sĩ Phethean nhận xét. Quan điểm này mang đến những manh mối quan trọng về cách các đặc điểm của hành tinh chúng ta thay đổi theo thời gian địa chất.

Việc xem xét lại cách chúng ta hiểu về các lục địa có thể tác động đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khoáng sản và nhiên liệu hóa thạch hình thành ở các khu vực có sự dịch chuyển mảng kiến tạo.

Một số ngành công nghiệp đã sử dụng kiến thức về các vết nứt cổ xưa để hướng dẫn các dự án khoan và khảo sát. Nhận thức tốt hơn về các đặc điểm địa chất này cũng giúp hiểu rõ hơn về các mối nguy hiểm từ động đất và núi lửa. Các khu vực đang có hoạt động đứt gãy có thể đối mặt với hiện tượng biến dạng mặt đất hoặc các rủi ro địa chất khác, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ.

Mở ra những thách thức và cơ hội

Các mảng kiến tạo không bao giờ thực sự dừng lại. Ngay cả khi quá trình này kéo dài hàng chục triệu năm, Trái đất vẫn luôn dịch chuyển bên dưới chân chúng ta theo những cách có thể khiến ta bất ngờ.

Việc khám phá các vùng đất ẩn dưới đại dương thách thức định nghĩa trong sách giáo khoa về lục địa. Cuộc tranh luận về việc phân loại lại lục địa có thể trở nên gay gắt hơn, nếu dữ liệu tiếp theo xác nhận những kết nối không bị gián đoạn giữa các khối kiến tạo lớn.

Việc hiểu sâu về lớp vỏ Trái đất cũng có thể mở ra cơ hội khai thác các nguồn năng lượng sạch hơn như địa nhiệt. Iceland từ lâu đã đi đầu trong việc khai thác nhiệt dưới lòng đất để sản xuất điện, và dữ liệu địa chất mới có thể khuyến khích các phương pháp tương tự ở những nơi khác.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ tư duy cởi mở về cách Trái đất vận hành. Hiểu rõ những sự thay đổi giúp chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, từ khai thác tài nguyên, phòng tránh thiên tai đến phát triển bền vững.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Gondwana Research.

Trái đất chỉ có sáu lục địa chứ không phải bảy - Ảnh 2.Kazakhstan - viên ngọc bí ẩn giữa lục địa Á - Âu

Nằm ở trung tâm lục địa Á - Âu, Kazakhstan như chiếc hộp bí mật đợi du khách từ khắp nơi đổ về đây khám phá.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên