Mới đây, Nhật Bản dự kiến tăng hỗ trợ cho các gia đình rời khỏi Tokyo nhằm giải quyết tình trạng giảm mạnh dân số ở các vùng khác. Các nước Úc, New Zealand, Ý, Tây Ban Nha... cũng có biện pháp tương tự. Nhưng ngay cả trong một thế giới hậu đại dịch, khi xu hướng "dịch chuyển" và làm việc từ xa ngày càng phổ biến, vẫn nhiều thách thức với kế hoạch rời đô thị này.
Hồi sinh các vùng nông thôn
Kế hoạch mới nhất của Chính phủ Nhật Bản, dự kiến triển khai từ tháng 4-2023, nhằm hồi sinh các vùng nông thôn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do già hóa, suy giảm dân số và sự di cư của người trẻ tới các đô thị lớn như Tokyo, Osaka. Hậu quả là nhiều nơi đang chứng kiến tình trạng nhà bỏ hoang tăng lên còn nguồn thu ngân sách từ thuế ngày càng giảm.
Theo Hãng tin Kyodo, Chính phủ Nhật Bản sẽ trả 1 triệu yên (khoảng 7.500 USD) cho mỗi trẻ em trong các gia đình sống tại 23 quận trung tâm của Tokyo nếu họ chấp nhận chuyển đi nơi khác. Ngoài ra, họ sẽ nhận được một khoản hỗ trợ một lần tối đa 3 triệu yên (khoảng 22.500 USD) nếu đáp ứng được một trong ba tiêu chí: có việc làm tại một công ty vừa hoặc nhỏ ở nơi chuyển đến, tiếp tục công việc cũ thông qua làm việc từ xa, hoặc bắt đầu kinh doanh tại nơi ở mới.
Như vậy, một gia đình có hai con dưới 18 tuổi có thể nhận được đến 37.500 USD khi chuyển nhà, khoản tăng rất lớn so với chương trình áp dụng từ năm 2019. Những người "âm mưu" chỉ tạm chuyển nhà để hưởng trợ cấp sẽ khó làm như vậy vì họ buộc phải ở lại nhà mới tối thiểu 5 năm, nếu không sẽ phải trả lại tiền.
Dù dự kiến chỉ khoảng 10.000 gia đình rời Tokyo theo chính sách này trong 5 năm tới, chỉ là một phần rất nhỏ so với hơn 35 triệu dân Tokyo, đây cũng là con số ý nghĩa cho nhiều khu vực khác ở Nhật. Nhiều thành phố nhỏ đang ra sức thu hút người dân, như làng Umaji ở quận Kochi với hơn 800 dân hứa sẽ hỗ trợ giữ trẻ trong ngày miễn phí, còn thị trấn Tano gần đó quảng cáo về nhà máy sản xuất muối biển tự nhiên nổi tiếng của mình.
Chưa đủ thuyết phục?
Nhiều nơi ở Thụy Sĩ, Úc, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland, cũng như một số bang của Mỹ, đều có các biện pháp khuyến khích để thu hút người dân rời khỏi các thành phố lớn.
Chẳng hạn, vùng Albinen của Thụy Sĩ vào năm 2017 đã hứa trả 25.400 USD cho bất cứ ai đến đây xây nhà sinh sống ít nhất 10 năm, hay TP Santo Stefano di Sessanio của Ý cũng tặng 8.500 USD mỗi năm và nhiều ưu đãi khác cho ai đến đây ở trong 5 năm.
Một số nơi khác muốn lôi kéo người trẻ đến làm việc từ xa, như các bang Oklahoma, Minnesota, Vermont và Kansas của Mỹ đều trợ cấp cho người đến làm việc, cung cấp chỗ làm việc chung miễn phí. Trong khi đó, Ireland có riêng một kế hoạch để đưa 20% công chức về các vùng nông thôn và thậm chí đưa khả năng làm việc từ xa vào tiêu chí tuyển dụng, theo Hãng tin Quartz.
Việc di dân ra khỏi các vùng trung tâm cũng giải quyết những vấn đề của các thành phố lớn, như với Nhật Bản là chi phí sinh hoạt cao, thiếu cơ sở chăm trẻ khiến việc nuôi con khó khăn, kéo theo tâm lý ngại sinh con của nhiều người. Ví dụ rõ ràng nhất là Tokyo hiện có tỉ lệ sinh thấp nhất trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản.
Nhưng dù có những khoản hỗ trợ hấp dẫn, nhiều người vẫn cảm thấy ngần ngại. "Chồng tôi rời tỉnh Aomori khi anh ấy còn trẻ vì ở đó khó kiếm việc hơn. Có lý do để người Nhật đổ về Tokyo và tôi không nghĩ chính phủ có thể thay đổi điều đó" - tờ Financial Times dẫn lời chị Erika Horiguchi, người đã chuyển đến Tokyo cùng chồng và con gái năm 2018. Trên mạng, những phản ứng cũng không mấy lạc quan.
"Nghe có vẻ rất nhiều tiền nhưng nó thực sự không đủ thuyết phục người dân sinh thêm con", một người nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận