Chợ Bến Thành trên trang sách “Sài Gòn Phố” - Ảnh: Tư liệu của báo ảnh Việt Nam
Bất cứ một thành phố lớn nào đều có một lịch sử phát triển lâu dài. Tôi nhớ trong dịp kỷ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, ông Henry Chabert, phó thị trưởng thành phố Lyon, đã trân trọng viết lời tựa cho cuốn sách Sài Gòn 1698 -1998: Kiến trúc, quy hoạch với những dòng chữ cảm động:
"Thành phố này nói cho cùng là một ký ức nhắc nhở với ta về bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên nó, bao biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng đồng thời cũng nói lên bao niềm ước vọng".
Cũng như bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới, TP.HCM trong quá trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng ra bên ngoài, do vậy nhiều công trình xưa cũ có thể phải phá bỏ, cải tạo, thay thế, di chuyển.
Trong quá trình thực hiện đó, không phải bao giờ việc đối xử với các di sản, di tích cũng trọn vẹn, có thể do nhận thức chưa tới, trải nghiệm chưa đủ, có thể do bối cảnh diễn ra lúc đó chưa cho phép các nhà quản lý hình dung ra được không gian quy hoạch - kiến trúc biến đổi như thế nào để bố cục sắp xếp các vật thể trong không gian đa chiều đó cho thật hợp lý.
Đó chính là những gì diễn ra ở không gian khu vực trung tâm TP.HCM trong thời gian gần 10 năm qua.
Khoảng hơn một năm trở lại đây, lãnh đạo TP.HCM đã có những quyết định được nhiều người dân ủng hộ, trong đó có những quyết định đã được hiện thực hóa, có những điều còn trong quá trình nghiên cứu, nhưng nhiều người tin là sẽ được thực hiện bởi quyết tâm của các vị lãnh đạo đương nhiệm.
Đó là việc đưa trở lại lư hương ở bệ thờ tượng đài danh tướng Trần Hưng Đạo sau khi chỉnh trang, cải tạo và làm mới công viên Bạch Đằng, trả lại tên đường Lê Văn Duyệt.
Tới đây sẽ đưa tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn (di dời năm 2014) trở lại trục đường chính từ chợ Bến Thành tới Nhà hát thành phố, đi ngang qua tượng đài Bác Hồ và tòa nhà UBND thành phố (được gọi là trục thần đạo), khôi phục bùng binh cây liễu.
Nhân đây cũng cần đề cập đến quyết tâm của lãnh đạo thành phố Thủ Đức trong việc phục dựng đình thần An Khánh tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức).
Phục dựng lại những công trình kiến trúc và nghệ thuật có tuổi đời lâu năm là điều nên làm bởi nó không chỉ liên quan đến kiến trúc - cảnh quan, lịch sử - văn hóa - nghệ thuật mà còn liên quan đến niềm tin, tâm linh đại chúng, nhưng không phải cứ muốn là làm mà cần thận trọng và nghiên cứu thật kỹ lưỡng.
Bởi hình dáng, cấu trúc, quy mô, vị trí của bùng binh cây liễu (còn gọi là bồn kèn) và tượng Trần Nguyên Hãn hài hòa với hình thái kiến trúc và cảnh quan vào thời điểm 7 năm trước, nay khu vực này đã có nhiều thay đổi sau khi xuất hiện ga metro ngầm và cảnh quan được làm mới của phố Lê Lợi, kết hợp với Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng, chợ Bến Thành, công viên 23-9 và khu ga ngầm để trở thành không gian đi bộ, mua sắm và thư giãn.
Vì vậy việc đặt tượng đài Trần Nguyên Hãn (và có thể cả tượng Quách Thị Trang) ở đâu, đơn lẻ hay cùng một quần thể phù điêu, tương tự bùng binh cây liễu sẽ được khôi phục hình dáng, quy mô, địa điểm, tỉ lệ như thế nào với các công trình xung quanh cần tính thật kỹ để tránh khiên cưỡng lại phải khắc phục về sau.
Tôi rất thích câu nói nổi tiếng của kiến trúc sư danh tiếng nhất thế giới Le Corbusier rằng: "Một thành phố không có di sản kiến trúc chẳng khác nào khuôn mặt người không có nếp nhăn".
Đúng vậy, một khuôn mặt người không thể không có nếp nhăn, vết nám, thậm chí là cả những vết sẹo, nhưng đó mới là khuôn mặt người, nếu không có chúng thì là khuôn mặt của manơcanh, bóng mịn, vô hồn.
Với linh cảm và trực giác của người làm nghiên cứu lâu năm, tôi tin các vị lãnh đạo thành phố nhiệm kỳ này sẽ thực hiện được lời hứa của mình và được lòng dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận