12/12/2014 09:09 GMT+7

​Trả hàng triệu USD cứu giúp người di cư

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Một lần chứng kiến thảm kịch trên biển khi đi nghỉ mát cùng gia đình trên du thuyền đã khiến tỉ phú người Malta chuyển hướng hoạt động trong cuộc đời mình.

Ông Catrambone cùng vợ con trên tàu cứu nạn của MOAS - Ảnh: MOAS
Ông Catrambone cùng vợ con trên tàu cứu nạn của MOAS - Ảnh: MOAS

Tổ chức phi lợi nhuận Trạm viện trợ người di cư ngoài khơi (MOAS) của tỉ phú Christopher 
Catrambone vừa lên tiếng kêu gọi quyên góp tiền để duy trì hoạt động cứu hộ những người di cư trên biển Địa Trung Hải.

Theo báo Malta Today ngày 9-12, hàng trăm nhà hảo tâm trên thế giới đã hỗ trợ gần 35.000 euro (khoảng 43.580 USD), góp một phần nhỏ vào việc duy trì hoạt động của MOAS trên con tàu cứu nạn Phoenix cùng hai máy bay và xuồng hơi cứu hộ.

Tuy tổ chức phi lợi nhuận này cần đến 400.000 euro mỗi tháng để duy trì hoạt động, giám đốc MOAS Martin Xuereb đánh giá cao sự trợ giúp của cộng đồng thế giới.

“Phản ứng cho đến nay thật tuyệt vời. Thật tốt khi nhìn thấy có nhiều nhà hảo tâm trên thế giới sẵn lòng chia sẻ để giúp đỡ những người trong cơn thắt ngặt và vào lúc họ dễ bị tổn thương nhất” - ông Xuereb nhìn nhận.

“Bóng ma” trên biển Địa Trung Hải

Tôi bị sốc bởi số lượng người di cư bị nhồi nhét trên mỗi chiếc tàu. Một số bị đẩy xuống tầng hầm của tàu khiến họ dễ nghẹt thở và chết. Bạn sẽ không thể hiểu chuyến đi kinh khủng như thế nào cho đến khi thật sự chứng kiến từ khoảng cách gần
 Tỉ phú CATRAMBONE

Chiến dịch cứu hộ mới nhất của MOAS trong tuần qua giúp cứu hơn 300 người di cư khỏi làm mồi cho cá trên biển Địa Trung Hải. Trước đó, vào mùa hè qua, khi nhiệm vụ cứu hộ đầu tiên kéo dài 60 ngày kết thúc, MOAS đã cứu hơn 3.000 người di cư khỏi nguy cơ chết đuối vì chìm tàu trong khu vực Địa Trung Hải.

“Chúng tôi đã cứu giúp hơn 3.000 phụ nữ, trẻ em và nam giới khi họ đối mặt với cái chết” - ông Catrambone thông tin. Nhắc lại lý do đi đến quyết định thành lập MOAS, theo báo Independent, vị chủ tịch Tập đoàn Tangiers, trụ sở tại Malta, là ông Catrambone cùng vợ nhớ lại “bóng ma” của mùa hè năm 2013 khi họ đi du lịch bằng du thuyền tại vùng biển Địa Trung Hải.

“Vợ chồng tôi đang trên boong và chúng tôi nhìn thấy một chiếc áo khoác mùa đông nổi lềnh bềnh trên mặt nước, trông như một bóng ma” - bà Regina nhớ lại. Sau đó cặp vợ chồng đã hỏi viên thuyền trưởng của con tàu về lý do vì sao chiếc áo khoác lại ở đó.

“Sắc mặt của ông ấy tối sầm lại và ông nói rằng rất có thể người mặc chiếc áo đó không còn trên đời nữa. Câu nói đó khiến chúng tôi chú ý” - bà Regina kể khi nhận ra đó có thể là một trong hàng ngàn người tị nạn kém may mắn cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu.

Vợ chồng Catrambone quyết định ngay khi nhìn thấy Giáo hoàng Francis trên truyền hình lúc ông đang kêu gọi các doanh nhân giúp đỡ những người cần được giúp. “Chúng tôi nhìn nhau, rồi gần như nói cùng lúc: Hãy làm điều gì đó”.

Gia đình Catrambone nhận ra rằng họ có đủ tiền bạc và phương tiện để giúp đỡ những người nghèo khổ ấy. Họ nhanh chóng đi đến ý tưởng mua một con tàu và làm điều gì đó hữu ích trên biển Địa Trung Hải.

Đến tháng 10 năm ngoái, khi nghe tin hơn 360 người di cư thiệt mạng trong tai nạn chìm tàu ngoài khơi đảo Lampedusa của Ý, cũng như tận mắt chứng kiến cảnh tượng nhồi nhét 518 người di cư trên một con tàu cá cũ kỹ ngoài khơi Địa Trung Hải, gia đình Catrambone quyết định biến kế hoạch thành hành động.

Cả gia đình cùng tham gia cứu nạn

Hai vợ chồng Catrambone cùng cô con gái Maria Luisa dành hẳn 5,5 triệu USD từ tài sản cá nhân để sắm con tàu đặt tên là Phoenix, hai chiếc thuyền bơm hơi và hai máy bay với nhiệm vụ tìm kiếm và giúp đỡ những người di cư gặp nguy hiểm ngoài khơi vùng biển Malta kể từ tháng 8 vừa qua.

Hai chiếc máy bay Schiebel S-100 dùng cho nhiệm vụ đầu tiên kéo dài 60 ngày được trang bị hiện đại với máy ảnh nhiệt có tầm nhìn trong đêm tốt và chất lượng HD đủ để nhìn thấy con chữ trên mảnh giấy của một người di cư từ trên trời.

Khi tàu đi ngang một con thuyền chở người di cư trên vùng biển quốc tế, phi hành đoàn sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng gần nhất. “Chúng tôi sẽ thông báo vị trí các tàu gặp nạn cho cơ quan chức năng và chờ họ trả lời xem chúng tôi phải làm gì” - bà Regina cho biết.

Trong khi chờ đợi hướng dẫn từ cơ quan chức năng, các nhân viên của tàu Phoenix sẽ dùng xuồng hơi tiếp cận tàu bị nạn để cung cấp thực phẩm, nước, áo phao và chăm sóc y tế. Trong trường hợp tàu đang bị chìm hoặc chở quá số người được phép, Phoenix sẽ chuyển những người di cư về tàu cho đến khi các nhà chức trách đến giải cứu.

Vợ chồng bà Regina thay phiên nhau đi trên biển cùng với tàu Phoenix trong suốt thời gian của nhiệm vụ. Gia đình tỉ phú Malta này đang hi vọng sẽ nhận thêm tiền tài trợ từ những tổ chức hảo tâm để có thể duy trì hoạt động cứu hộ cứu nạn người di cư trên biển quanh năm.

Vùng biển dữ dội

Theo AFP, ngày 10-12, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về quyền con người Zeid Ra’ad Al Hussein đã lên án các nước giàu thờ ơ trước làn sóng di cư toàn cầu, đặc biệt là sau thông tin mới nhất cho thấy hơn 3.400 người di cư bỏ mạng trên vùng biển Địa Trung Hải trong năm nay.

Số người di cư vượt biển đạt kỷ lục trong năm nay với 348.000 người từ đầu năm đến nay, riêng tại Địa Trung Hải đã hơn 207.000 người. Trong tổng số 4.272 người di cư thiệt mạng tại các vùng biển trên thế giới, có ít nhất 2.200 người bỏ mạng trên vùng biển thuộc khu vực Địa Trung Hải từ giữa tháng 7 và tháng 9 năm nay.

Tuy nhiên, phản ứng của Chính phủ Malta là khá thận trọng. Nhà bình luận Pamela Hansen cho biết hoạt động của MOAS nhận được những phản ứng đa chiều tại Malta.

“Rõ ràng các nhà chức trách đang rất thận trọng. Tôi không biết chính phủ nghĩ gì về MOAS nhưng những gì tôi có thể nói với bạn rằng nhiều dư luận cho rằng đó là di dân bất hợp pháp” - ông Hansen nhìn nhận.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên