20/07/2014 07:12 GMT+7

Trả giá sau 26 năm

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Hai bị cáo cùng người thân thích ra tòa mà vẫn ngơ ngác. Hành vi phạm tội thực hiện cách đây đã 26 năm, tài sản cướp được chỉ có chiếc máy ảnh, bật lửa, vài chiếc áo khoác, tổng giá trị hơn 100.000 đồng, cả bị cáo lẫn bị hại đều đã quên nhiều tình tiết...

Kẻ giết mẹ không chút ăn năn“Đâu phải ai khổ quá cũng làm bậy?”“Tôi chỉ tính thế thôi”

Đó là phiên xét xử hai bị cáo Phạm Văn Nhật (53 tuổi) và Dương Văn Toản (50 tuổi, cùng ngụ tại huyện Sóc Sơn) về tội trộm cắp tài sản diễn ra tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

Hai bị cáo tuổi chưa cao nhưng bệnh tật nhiều nên sức yếu, phải đứng dựa vào hai đầu vành móng ngựa. Cáo trạng thể hiện ngày 22-2-1988, Phạm Văn Nhật, Dương Văn Toản cùng ba người bạn đi lễ hội đền Gióng, Sóc Sơn. Trên đường đi, cả nhóm nảy sinh ý định cướp tài sản của khách thập phương đến lễ hội. Gặp nhóm anh D.V.D. và bạn bè, nhóm của Nhật đã giả vờ đến xin thuốc rồi cướp áo bò, áo nhung, áo măngtô, máy ảnh, bật lửa...

Tháng 7-1990, ba bị cáo trong nhóm đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử, tuyên mức án từ 20-40 tháng tù về tội cướp tài sản. Theo cáo trạng, Dương Văn Toản và Phạm Văn Nhật bỏ trốn. Đến ngày 26 và 27-12-2013, cả hai bị bắt theo lệnh truy nã.

Vị chủ tọa và hội thẩm thay nhau hỏi: Sao các bị cáo lại bỏ trốn suốt 26 năm nay? Thời đó 25-26 tuổi, còn rất trẻ, thi hành án cũng nhẹ nhàng. Nếu các bị cáo biết hối lỗi thì đã khác, thật đáng tiếc cho các bị cáo? Đáp lại tòa, hai bị cáo đều tỏ ra... ngơ ngác. Bị cáo Nhật cho biết sau khi sự việc xảy ra, bị cáo đi làm thuê các tỉnh quanh Hà Nội. Mấy năm sau trở về không thấy ai triệu tập bị cáo, cũng không ai hỏi han gì chuyện đã qua. Cho đến cuối năm 2013 thì “đùng cái bị cáo bị bắt”. Riêng bị cáo Toản thì khai sau khi sự việc xảy ra, cơ quan công an giữ bị cáo chín ngày rồi cho bị cáo về. Sau đó bị cáo mới đi khỏi địa phương kiếm việc làm thuê. Các ý kiến này của bị cáo bị tòa bác bỏ. Vị chủ tọa nói không có căn cứ để cho rằng bị cáo bị công an giam chín ngày rồi cho về.

Chuyện xảy ra đã 26 năm nên khi được tòa hỏi, nhiều tình tiết các bị hại cũng không nhớ rõ. “Lúc ấy bộ quần áo bò Thái của tôi rất đắt tiền. Cái máy ảnh trị giá to lắm mà tòa sơ thẩm năm 1990 chỉ định giá có 100.000 đồng. 100.000 đồng thì bằng giá bộ quần áo lúc bấy giờ thôi. Máy ảnh đó là tôi thuê của tiệm ảnh. Cả huyện mới có một cái. Các bị cáo cướp mất làm hiệu ảnh kiện tôi ra tòa, tôi phải hầu tòa hai ngày rồi còn mất tiền đền. Tôi bức xúc lắm, hôm nay đến đây tính đòi tiền bồi thường cái máy ảnh cho bõ tức nhưng thấy các bị cáo nghèo quá nên tôi không đòi nữa. Cũng vì các bị cáo ít học, xin tòa xem xét cho họ” - ông D., đại diện bị hại, nói tại tòa.

Gia đình hai bị cáo nghèo khổ thật! Vợ và con của các bị cáo đến tòa ai cũng mang dáng vẻ khắc khổ, đen đúa. Dù ông D. đã có lời xin giảm án nhưng lúc nghị án, vợ và con bị cáo vẫn thay nhau đến níu áo ông D. để xin lỗi. Con trai bị cáo Phạm Văn Nhật bị bệnh, nói không rõ lời, cứ chắp tay trước ngực, vái lấy vái để ông D., rồi lay tay mẹ ra hiệu cho mẹ xin ông D. xin giảm án cho bố.

Tòa tuyên phạt Phạm Văn Nhật 40 tháng tù, Dương Văn Toản 36 tháng tù về tội cướp tài sản. Các bị cáo được công an dìu đi trước, gia đình lục tục kéo theo sau. Bà T., vợ bị cáo Nhật, than thở: “Lấy chồng, sinh sống yên ổn mấy chục năm nay, có ai ngờ bỗng dưng chồng bị bắt đi tù, đúng là họa từ trên trời rơi xuống”. Nghe thế, chị gái bị cáo Nhật nói: “Họa đâu từ trên trời, họa là do ngày trẻ cậu ấy ăn chơi nông nổi gây ra”. Rồi bà nói với theo bị cáo - lúc này đã ngồi yên trên xe tù: “Em ơi cố gắng phấn đấu cải tạo để nhanh chóng được về em nhé!”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên