Toàn cảnh buổi tọa đàm sáng 18-10 - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Tham dự có nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Chánh Trực, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê; Giám đốc Học viện Chính trị KV2 Nguyễn Quốc Dũng; Phó vụ trưởng, Phó trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo trung ương TP.HCM Dương Minh Tuấn..., cùng các chuyên gia đến từ các trường đại học, học viện và lãnh đạo sở ngành TP.HCM.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải cho biết mục đích của cuộc tọa đàm là làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân TP.HCM nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, qua đó nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng, kiên định, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành của Nhà nước, tạo nên sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, ý chí và hành động trong toàn xã hội.
“Xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, đây là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp. Làm sao cho nhiều người với vị trí, vai trò của mình đóng góp tốt nhất cho quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó chính là ý nghĩa của cuộc tọa đàm hôm nay”, ông Hải nói.
Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Phương Thảo, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM, đánh giá vấn đề phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng trong tác phẩm của Tổng bí thư:
“Thực tiễn đã minh chứng, một quốc gia muốn phát triển bền vững phải dựa vào các yếu tố như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cơ sở hạ tầng... và còn phải dựa vào yếu tố mềm là con người. Trọng tâm của xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu kết luận tại tọa đàm - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Tham luận về vấn đề giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, ông Nguyễn Trung Châu Tuyên, trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1, đại diện Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1, cho rằng giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nên bắt đầu từ giáo dục, đào tạo.
Theo ông Tuyên, giáo dục, đào tạo nhân tố quan trọng góp phần trong xây dựng Đảng về đạo đức. Trước hết, cần có chương trình giáo dục hay môn đạo đức xuyên suốt; thứ hai, cần loại bỏ bệnh thành tích; thứ ba, phải xây dựng đội ngũ giáo viên thực sự có đức và tài.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá các bài tham luận đều thống nhất tác phẩm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là tất yếu.
"Các phát biểu tham luận đã tập trung phân tích, minh chứng bằng những số liệu, công trình, mô hình... trên các lĩnh vực từ xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cho đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại", ông Khuê nói.
Đồng thời, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị sau tọa đàm này, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân TP.HCM nắm và hiểu rõ hơn về chủ nghĩa xã hội; nhận thức được vị trí, vai trò của mỗi cá nhân trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận