07/12/2018 09:51 GMT+7

TP.HCM sốt ruột với dự án chống ngập

M.HƯƠNG - M.HOA - T.LONG
M.HƯƠNG - M.HOA - T.LONG

TTO - Ngày 6-12, kỳ họp HĐND TP.HCM dành cả ngày cho phiên chất vấn. Các vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhất là quy hoạch, xây dựng, môi trường, giao thông vận tải.

TP.HCM sốt ruột với dự án chống ngập - Ảnh 1.

Dự án giải quyết ngập tại TP.HCM với vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng hiện chậm giải ngân. Trong ảnh: khu vực thi công cầu Mương Chuối, H.Nhà Bè - một hạng mục thuộc dự án - Ảnh: TỰ TRUNG

Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra, khởi tố giúp TP nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới

Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP - đánh giá qua nội dung chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy có nơi có việc còn lỏng lẻo trong quản lý nhà nước cần phải siết lại, nhất là tình trạng quy hoạch "treo", dự án chậm triển khai, lấn chiếm kênh rạch...

Thuê tư vấn đánh giá chất lượng thép Trung Quốc

Đại biểu Huỳnh Đăng Linh cho rằng cử tri rất lo lắng vì dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng bị ngưng thi công suốt 8 tháng qua. Ông đề nghị UBND TP có giải pháp quyết liệt và trả lời rõ khi nào dự án tái khởi động?

Trả lời đại biểu, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP - cho biết dự án này được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), liên quan giữa ba bên là Ngân hàng BIDV, UBND TP và Công ty Trung Nam. Dự án đang bị vướng thủ tục giải ngân nên phải ngưng thi công.

Ông Tuyến cho biết thêm theo hợp đồng, nhà đầu tư Trung Nam chuẩn bị vốn 1.000 tỉ, BIDV cho vay lại hơn 8.000 tỉ đồng. UBND TP thuê tư vấn giám sát, hạng mục nào thi công đúng quy định thì xác nhận, hiện khối lượng công việc được giải ngân tương đương 4.200 tỉ đồng.

"Tuy nhiên, có một số hạng mục chưa phù hợp theo quy định, Trung Nam sử dụng thép không đúng như thiết kế đã được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt mà không báo cáo UBND TP. Trong khi theo hợp đồng, khi thay đổi phải được TP chấp thuận" - ông Tuyến nói.

Theo ông Tuyến, TP.HCM rất chia sẻ với Trung Nam vì đơn vị đầu tư này cũng tính giá trị theo giá thép Trung Quốc, chứ không phải là gian dối, nhưng không ai đảm bảo về chất lượng thép Trung Quốc nên TP chưa thể xác nhận giải ngân...

Đối với vấn đề thép Trung Quốc, TP sẽ thuê tư vấn độc lập dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đánh giá chất lượng. Nếu đảm bảo an toàn thì TP ghi nhận và tính toán giá trị, nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM


TP.HCM sốt ruột với dự án chống ngập - Ảnh 4.

Khi nào TP.HCM mới hết cảnh này mỗi khi có mưa lớn?

Làm gì để lấy lại niềm tin của dân?

Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nêu những khó khăn mà TP phải đối mặt trong năm vừa qua. Trong đó, có việc TP đón và làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, giám sát từ các cơ quan trung ương.

Trong số các vụ việc bị thanh tra, kiểm tra, có nhiều vụ việc rất phức tạp, kéo dài từ các nhiệm kỳ trước, vô cùng khó khăn trong quá trình giải quyết như: vụ việc khiếu kiện, khiếu nại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), Khu công nghệ cao (Q.9), dự án Safari (H.Củ Chi), khu đất 8-12 Lê Duẩn, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng...

Ngoài ra, theo ông Phong, việc tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT theo công văn của Bộ Tài chính ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Một số dự án trọng điểm, quy mô lớn của TP thi công chậm do vướng thủ tục pháp lý, cơ chế thanh toán, xác nhận về giải ngân vốn, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của TP, như dự án metro tuyến số 1, số 2... Tính đến 31-10, cả 7 dự án sử dụng nguồn vốn vay lại của Chính phủ chỉ giải ngân được 102 tỉ đồng, đạt 2% kế hoạch.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh năm 2019 được TP xác định là thời cơ quan trọng, cơ hội thi đua nước rút hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 để lấy lại niềm tin của nhân dân TP.

Ông nhấn mạnh giải pháp về cải cách hành chính; khẩn trương triển khai các đề án: phát triển hệ thống logistics của TP, xây dựng một khu công nghiệp mới; xây dựng TP thành trung tâm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm ngang tầm khu vực Đông Nam Á; xây dựng TP thành trung tâm dịch vụ bất động sản khu vực và cả nước...

Bộ SGK riêng sẽ có tính đặc trưng của TP.HCM

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về việc biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) riêng cho TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết sở đang phối hợp với Nhà xuất bản Giáo Dục thực hiện bộ SGK riêng.

Theo ông Sơn, bộ SGK của TP phải đảm bảo vừa bám sát chương trình Bộ GD-ĐT ban hành; tích hợp các môn theo khoa học tự nhiên hay xã hội; hướng theo phát triển năng lực của học sinh và có tính đặc trưng của TP.HCM.

Tuy nhiên, muốn viết được SGK phải chờ chương trình bộ môn cụ thể do Bộ GD-ĐT công bố. Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có chương trình các bộ môn nên TP chưa thể làm SGK.

"Bộ sách của TP sẽ xong trong năm 2019, 2020 hay 2021 là còn chờ ở Bộ GD-ĐT. Còn việc lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy là do hội đồng chuyên môn của nhà trường quyết định, sở sẽ không can thiệp" - ông Sơn nói.

Dự án chống ngập nghìn tỉ dùng thép Trung Quốc, ai bảo đảm an toàn? Dự án chống ngập nghìn tỉ dùng thép Trung Quốc, ai bảo đảm an toàn?

TTO - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đặt vấn đề như vậy về việc dùng thép Trung Quốc ở dự án chống ngập do triều (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) tại phiên chất vấn của HĐND TP chiều 6-12.

M.HƯƠNG - M.HOA - T.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên