11/01/2018 09:59 GMT+7

TP.HCM sắp xếp, cho sử dụng một phần vỉa hè

QUANG KHẢI - LÊ PHAN
QUANG KHẢI - LÊ PHAN

TTO - Thay vì dành toàn bộ diện tích vỉa hè cho người đi bộ, TP.HCM tổ chức sắp xếp, sử dụng một phần cho các hoạt động khác gắn với trách nhiệm của người được sử dụng vỉa hè.

TP.HCM sắp xếp, cho sử dụng một phần vỉa hè - Ảnh 1.

Vỉa hè đường Phó Đức Chính, Q.1 (TP.HCM) bị chiếm dụng để mua bán - Ảnh: LÊ PHAN

Thông tin này được ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nêu ra tại hội nghị tổng kết trật tự an toàn giao thông năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, ngày 10-1.

"Đất vàng" sơ hở là bị chiếm

Nhắc lại câu chuyện vỉa hè, ông Tuyến ví von đây là "đất vàng", sơ hở là có người chiếm sử dụng. Không chỉ người dân ở tại chỗ mà ở địa phương khác, thậm chí tỉnh thành khác cũng có thể chiếm dụng bởi việc kinh doanh trên vỉa hè trong một giờ có thể kiếm tiền chợ cho 2-3 ngày... 

"Nếu chúng ta không nhìn nhận đúng vấn đề để có cách quản lý theo hướng tự quản thì rất khó. Vì vậy tạm thời mình phải cho khai thác sử dụng vỉa hè..." - ông Tuyến nêu quan điểm.

Theo Ban an toàn giao thông TP, qua theo dõi đánh giá từ các quận huyện, sở ngành tại 1.445 tuyến đường trên địa bàn TP, có 788 tuyến đường chuyển biến tốt, 609 tuyến đường có chuyển biến và có 48 tuyến đường ít chuyển biến, còn tình trạng mua bán kinh doanh phức tạp.

Trong khi đó, ghi nhận thực tế của chúng tôi tại các tuyến đường thuộc quận 1, 2, Phú Nhuận, Thủ Đức... cho thấy việc lấn chiếm vỉa hè vẫn còn khá phổ biến.

Ngày 9-1, tại khu vực đường Tôn Đức Thắng (Q.1) có gần chục ôtô đậu trên vỉa hè đoạn từ giao lộ đường Ngô Văn Năm đến công trường Mê Linh. 

Góc giao lộ Nguyễn Thái Bình - Phó Đức Chính (Q.1) thì có hàng loạt quầy hàng bán mũ bảo hiểm, đồ trang sức, mắt kính chiếm trọn vỉa hè khiến người đi bộ không có lối đi. Nhiều hàng quán che dù, bạt, bày bàn ghế để kinh doanh dọc tường rào Bảo tàng Mỹ thuật khiến khu vực này vô cùng bát nháo.

Tình trạng cũng tương tự tại các tuyến đường như Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Ngọc Thạch (Q.3), "phố ăn uống" trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) hay đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức).

Cho sử dụng, gắn trách nhiệm

Mặc dù tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn còn khá phổ biến nhưng qua trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện các địa phương đều cho rằng công tác kiểm tra, xử lý trật tự lòng lề đường thời gian qua vẫn được duy trì.

Đại diện P.Phạm Ngũ Lão (Q.1) cho biết trong những tháng cuối năm 2017 phường đã xử phạt 183 trường hợp vi phạm về trật tự vỉa hè, lòng đường với số tiền khoảng 220 triệu đồng. 

Vị đại diện này cho biết trước khi xử phạt, phường cho các hộ dân dự họp cam kết không vi phạm nấu nướng trên vỉa hè, căng dù bạt, xả nước thải ra môi trường. Trường hợp nào vi phạm lần thứ ba trở lên sẽ không cho buôn bán ở khu vực được sắp xếp.

Đại diện đội trật tự đô thị Q.3 cũng cho biết trong quý 4-2017, các lực lượng của quận đã xử lý 660 vụ vi phạm về trật tự vỉa hè, lòng đường, xử phạt hơn 461 triệu đồng. Q.3 cũng ban hành kế hoạch cho các phường tổ chức kiểm tra chéo địa bàn của nhau trong thời gian từ 6h-8h và từ 18h-20h mỗi ngày. 

Còn ông Dương Hồng Thắng - phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh - nhìn nhận công tác lập lại trật tự đô thị trên địa bàn quận có chuyển biến nhưng bản thân ông chưa hài lòng với kết quả đạt được. 

Hiện còn một số tuyến đường có tình trạng lấn chiếm, nhếch nhác như khu vực trước chợ Bà Chiểu, vỉa hè đường Điện Biên Phủ và các chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí...

Cho rằng sơ hở là vỉa hè bị lấn chiếm, các lực lượng không thể xuống đường kiểm tra xử lý mỗi ngày, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng tạm thời vẫn cho phép sử dụng vỉa hè với nhiều mục đích khác nhau. 

Và khi giao cho ai sử dụng vỉa hè thì người đó phải tuân thủ hai điều kiện: đảm bảo vấn đề giao thông và phải quản lý phần vỉa hè được sử dụng cùng phần vỉa hè còn lại. Ông Tuyến yêu cầu các quận huyện phải có kế hoạch cụ thể để triển khai việc này.

Cơ quan nhà nước chỉ cần giám sát người sử dụng vỉa hè sẽ khả thi hơn là phải giám sát cả lực lượng đông đảo bao vây vỉa hè khi mà chúng ta không thể xuống đường kiểm tra mỗi ngày được.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến

Đồng tình với quan điểm này, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - còn cho rằng phải thu phí sử dụng vỉa hè theo nguyên tắc thị trường, nơi nào tập trung đông, nhu cầu lớn thì giá sử dụng vỉa hè phải cao. 

Tuy nhiên, ông Hùng lưu ý việc sử dụng vỉa hè phải được cơ quan nhà nước thiết kế đo vẽ và thực hiện bằng một cam kết hay hợp đồng giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP kiêm trưởng Ban an toàn giao thông TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận huyện xây dựng kế hoạch sắp xếp, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quản lý. 

Trên cơ sở đó, các quận huyện sẽ tổ chức ký kết giao ước thi đua thực hiện kế hoạch trên với Ban an toàn giao thông TP. Từng quận huyện đồng thời phải ký kết với các phường về việc thực hiện kế hoạch trên. 

"TP kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu lơ là không thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời xem đây là một tiêu chí đánh giá cán bộ cuối năm" - ông Phong nhấn mạnh.

Quý 1-2018 trình đề án thu phí vỉa hè

Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP, cho biết hiện đang hoàn thiện đề án thu phí vỉa hè, lòng đường để trình UBND TP trong quý 1 năm nay. Trước đó, Sở GTVT TP đã có đề án thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường làm bãi giữ xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động, dịch vụ khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng với 5 triệu m2 vỉa hè trên toàn TP, nếu việc sắp xếp cho sử dụng một cách nề nếp, có kiểm soát thì đây là nguồn thu lớn phục vụ công tác duy tu đường, phát triển giao thông - tốt hơn là để vỉa hè bị lấn chiếm tràn lan, không có nguồn thu như hiện nay.

QUANG KHẢI - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên