28/02/2016 07:36 GMT+7

TP.HCM phải đi trước một bước về giao thông

VIỄN SỰ - QUANG KHẢI, viensu@tuoitre.com.vn
VIỄN SỰ - QUANG KHẢI, viensu@tuoitre.com.vn

TT - “TP.HCM là đầu tàu cả nước mà áp dụng cơ chế bình thường thì đầu tàu không đủ sức để kéo. Trung ương phải xây dựng cơ chế đột phá giúp TP.HCM”.

*** Error ***
Ông Nguyễn Thành Phong (phải), chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo các ban ngành đẩy mạnh công tác giữa TP.HCM và Bộ Giao thông vận tải chiều 27-2 - Ảnh: TỰ TRUNG

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã nêu vấn đề này tại hội nghị phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ GTVT chiều 27-2.

Đẩy nhanh mở rộng hạ tầng Tân Sơn Nhất

Báo cáo về việc giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đã đầu tư, nâng cấp mặt đường cất, hạ cánh cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga nội địa, quốc tế để đạt công suất 28 triệu hành khách/năm vào năm 2016.

Để đạt mục tiêu trên, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết đã làm việc với Bộ Quốc phòng sử dụng thêm 30ha đất quốc phòng phục vụ xây dựng bãi đỗ máy bay, đồng thời khảo sát mở rộng thêm một số khu vực trong thời gian tới nhưng phải mất thời gian.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông bên ngoài sân bay, ông Nhật cho biết đã phối hợp với các đơn vị tiến hành cải tạo hạ tầng giao thông trên tuyến đường Trường Sơn như mở thêm điểm quay đầu, bố trí làn ưu tiên cho xe vào sân bay.

Ngày 20-3, các đơn vị liên quan sẽ trình Bộ GTVT kế hoạch cải tạo giao thông tổng thể cho khu vực này, trong đó có xem xét xây thêm cầu vượt kết nối các tuyến đường vào sân bay.

Chưa đồng tình với những kết quả trên, ông Đinh La Thăng cho rằng lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất trong năm 2015 đã là 26,5 triệu, chắc chắn trong năm nay lượng hành khách tiếp tục tăng.

Đến năm 2020, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất đạt trên 40 triệu hành khách.

Ông Thăng cho rằng không thể để tình trạng chạy đua mãi như vậy mà cần có giải pháp trước mắt nhưng cũng phải tính đến lâu dài vì nếu suôn sẻ thì đến năm 2023, cảng hàng không quốc tế Long Thành mới được đưa vào khai thác.

Ông Thăng yêu cầu ngoài việc phải đẩy nhanh tiến độ các dự án mở rộng hạ tầng ở sân bay Tân Sơn Nhất thì phải chú ý việc nâng cao kỹ năng điều khiển cất hạ cánh tại sân bay.

“TP.HCM phải đi trước một bước trong lĩnh vực GTVT, từ đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không

Bí thư Thành ủy ĐINH LA THĂNG
Ông Phạm Viết Thanh Chủ Tịch Hội đồng quản trị, tổng Công ty hàng không Việt Nam phát biểu tình hình quá tải sân bay Tân Sơn Nhất tại Hội Nghị Phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ Giao thông vận tải chiều ngày 27-2-2016.. Tự Trung
Ông Phạm Viết Thanh Chủ Tịch Hội đồng quản trị, tổng Công ty hàng không Việt Nam phát biểu tình hình quá tải sân bay Tân Sơn Nhất tại Hội Nghị Phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ Giao thông vận tải chiều ngày 27-2-2016.. Tự Trung

Chấm dứt ngay việc thu phí vỉa hè

Khi ông Đinh La Thăng đặt vấn đề: “Làm thế nào để dẹp hết nạn xe dù, bến cóc trên địa bàn TP.HCM?”, đại diện Vụ Vận tải - Bộ GTVT nói: “Các quy định xử phạt đã có đầy đủ, vấn đề là các cơ quan chức năng ở địa phương có làm quyết liệt hay không?”.

Tuy nhiên, vị này cho rằng nhu cầu đón trả khách cho người dân TP.HCM là rất lớn. Nhà nước cũng đã phân cấp việc xây dựng, công bố các điểm đón trả khách ngoài bến xe cho các địa phương thực hiện nhưng đến nay TP.HCM chưa công bố được các điểm đón trả khách này.

Đồng tình, ông Thăng cho rằng việc đón trả khách ngoài bốn bến xe lớn là nhu cầu thật sự nên chỉ đạo ngay cho Sở GTVT TP.HCM khảo sát xây dựng và sớm công bố các điểm đón trả khách này. Ông Thăng cũng đề nghị TP.HCM cần cho tư nhân xây bến xe và cho họ thu phí để hoàn vốn.

Quay qua các ban ngành của TP.HCM, ông Đinh La Thăng đề cập việc thu phí vỉa hè, lòng đường. Ông nói: “Tôi yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, đỗ xe... Còn chỗ nào mà thấy cho phép được thì cho luôn, không thu phí nữa”.

Không thấy khó mà bó tay

Đánh giá về hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc phối hợp như thế này rất tốt cho UBND TP.HCM trong lĩnh vực GTVT.

Theo ông Phong, chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông là một trong bảy chương trình đột phá của TP.HCM được nhân dân rất quan tâm.

Sắp tới, UBND TP.HCM sẽ trình chương trình hành động cũng như kế hoạch triển khai chương trình hành động đó. Và những việc phối hợp của UBND TP.HCM và Bộ GTVT cũng nằm trong việc thực hiện chương trình hành động.

Ông Phong khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan công khai rõ những công trình giao thông nào sẽ thực hiện trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Trong đó, những vấn đề nào TP.HCM chủ động thực hiện, vấn đề nào phối hợp với Bộ GTVT sẽ được phân định rõ.  Đồng thời đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT cũng thực hiện chỉ đạo tương tự với các cơ quan trực thuộc.

“Trên nguyên tắc đó, hằng năm lãnh đạo Bộ GTVT và TP.HCM đánh giá và đặt ra các yêu cầu phối hợp trong các năm tiếp theo” - ông Phong nói.

Để TP.HCM trở thành một đầu tàu khỏe về giao thông, ông Phong cho rằng: “Việc gì TP.HCM chủ động được sẽ chỉ đạo ngay, chúng tôi không đợi.

Còn vấn đề nào cần sự chỉ đạo của Bộ GTVT thì thông qua chương trình phối hợp đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ TP.HCM. Tất cả chúng ta phải tìm ra giải pháp chứ không phải thấy khó mà bó tay”.

Xây dựng những cơ chế đột phá

Kết luận hội nghị, ông Đinh La Thăng cho rằng TP.HCM và Bộ GTVT phải sớm hoàn thiện cập nhật hạ tầng tất cả quy hoạch cho phù hợp với chiến lược phát triển giao thông của TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“TP.HCM phải đi trước một bước trong lĩnh vực GTVT, từ đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không” - ông Thăng yêu cầu.

Với cương vị là bộ trưởng Bộ GTVT, ông Thăng cho rằng Bộ GTVT phải giúp TP.HCM xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy hoạch trên địa bàn TP.

Đồng thời xây dựng những cơ chế đột phá mà nghị quyết 16 của Bộ Chính trị cũng như nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X của TP.HCM yêu cầu phải kiên trì thực hiện.

Theo Bộ GTVT, thời gian qua nhiều công trình giao thông trên địa bàn TP.HCM được đưa vào sử dụng như tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Mỹ Lợi trên quốc lộ 50, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 (cửa ngõ TP.HCM), và nhiều dự án khác đang trong quá trình thực hiện...

Tuy vậy, tiến độ các dự án còn chậm, phương tiện giao thông cá nhân vẫn tiếp tục tăng nhanh, dịch vụ vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều tuyến đường còn ngập úng dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ;

Số lượng bến xe ôtô và vận tải hành khách công cộng trên địa bàn còn thiếu dẫn đến tình trạng xe dù, bến cóc... là những vấn đề còn tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới.

Định nghĩa rõ về xe hợp đồng, xe dịch vụ...

Tại hội nghị đánh giá thực hiện nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô do Bộ GTVT tổ chức tại TP.HCM sáng 27-2, nhiều đại biểu đề nghị cần bổ sung định nghĩa thế nào là xe chạy hợp đồng, xe dịch vụ, điều kiện kinh doanh bến bãi... nhằm giải quyết vấn nạn bến cóc, xe dù.

Do chưa xác định rõ các loại hình kinh doanh vận tải như trên nên thời gian qua các đơn vị lập lờ, đối phó gây khó khăn trong công tác kiểm tra xử lý.

VIỄN SỰ - QUANG KHẢI, viensu@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên