04/01/2020 07:02 GMT+7

TP.HCM khảo sát sự hài lòng của dân: Làm sao để dân đánh giá đúng thực chất

MAI HƯƠNG - THẢO LÊ
MAI HƯƠNG - THẢO LÊ

TTO - Ngày 3-1, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP.HCM.

TP.HCM khảo sát sự hài lòng của dân: Làm sao để dân đánh giá đúng thực chất - Ảnh 1.

Người dân đánh giá sự hài lòng đối với công chức tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính tại UBND quận 4, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Một trong những vấn đề mà Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang đặt ra tại hội nghị là phải làm sao để kết quả khảo sát phản ánh đúng, toàn diện và thực chất.

Dân còn phải đi lại nhiều lần

Ông Vũ Thanh Lưu - phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP - cho biết năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã chọn 16 sở ngành, 24 quận huyện và UBND 105 phường, xã, thị trấn để khảo sát. 

Các điều tra viên đã trực tiếp thực hiện tổng cộng 28.274 cuộc gọi và gặp trực tiếp 2.260 người dân. Mẫu khảo sát được chọn ngẫu nhiên từ danh sách người dân và doanh nghiệp đã hoàn tất giao dịch tại các cơ quan, đơn vị từ ngày 1-12-2018 đến 30-4-2019. Tiến trình chọn mẫu được thực hiện bởi đơn vị khảo sát độc lập.

Kết quả khảo sát cho thấy đa số người dân, doanh nghiệp phải đi lại tối thiểu 2 lần để hoàn thành thủ tục hành chính ở các sở ngành, quận huyện. Nhóm cơ quan có số lần đi lại trung bình nhiều nhất là Sở Lao động - thương binh và xã hội (3 lần), Sở Tài nguyên và môi trường (2,9 lần), Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch kiến trúc (2,7 lần)...

Còn ở cấp xã, phường, thị trấn, có hơn 70% đơn vị và người dân có số lần đi lại trung bình 1 - 1,95 lần để làm thủ tục. Hơn 27% đơn vị có số lần đi lại trung bình 2 - 3,67 lần. 

Cá biệt ở phường 12, quận 3 có số lần đi lại trung bình là 6,55 lần; phường 3, quận 11 con số này là 7 lần. Đây cũng là 2 đơn vị có số lần người dân phải đi lại nhiều nhất để làm thủ tục hành chính trong tổng số 105 phường xã, thị trấn được khảo sát.

Tại cấp sở ngành, trong số 3.965 cuộc khảo sát, ghi nhận có 25 trường hợp người dân cho biết có nộp tiền cho công chức mà không có phiếu thu, chiếm tỉ lệ 0,6%. 

Cao nhất là Sở Xây dựng với 5 trường hợp, Sở Y tế và Sở Giao thông vận tải có 3 trường hợp. Sở Tài nguyên - môi trường, Ban An toàn thực phẩm TP, Sở Văn hóa - thể thao và Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn TP mỗi sở có 2 trường hợp.

Ở cấp quận huyện, trong số 6.268 cuộc khảo sát có 51 trường hợp cho biết có nộp tiền cho công chức không có phiếu thu, chiếm 0,8%. Cao nhất là huyện Hóc Môn với 9 trường hợp, quận Bình Tân với 7 trường hợp, quận 5 có 4 trường hợp.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP nhận định mặc dù tỉ lệ người dân phản ảnh gặp phải tình trạng này không lớn, nhưng đây có thể xem là nguồn thông tin để lãnh đạo sở ngành, quận huyện rà soát các khâu trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính. 

Từ đó ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng vặt, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp nhằm có thêm căn cứ hoàn thiện chuẩn mực của đội ngũ cán bộ công chức.

Năm 2020: tập trung khảo sát văn hóa công sở

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang nhận xét kết quả thu được cho thấy người dân tương đối hài lòng với sự phục vụ của đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng mới chỉ "có thể vui một chút vì những điều làm được", nhưng cần quan tâm nhiều đến những gì chưa thật tốt để có những giải pháp thiết thực hiệu quả hơn.

Theo ông Quang, thực tế vẫn còn có những việc chưa có trong báo cáo. Đâu đó vẫn còn tình trạng các đơn vị có sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Rồi khi chúng ta đi hỏi doanh nghiệp, họ cũng cân nhắc coi có nên trả lời không, vì trả lời rồi "biết ra sao ngày sau?". 

Doanh nghiệp thường có tâm lý thôi thì cứ đánh giá tốt, vì có góp ý thì biết có tác dụng gì hay không. Ngoài ra, người dân còn chưa hài lòng khi thủ tục còn rắc rối quá, thái độ cán bộ không phải khi nào cũng tốt...

Nói thêm về tỉ lệ hài lòng, ông Quang băn khoăn vì theo các báo cáo, tỉ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp rất cao. Ông Quang chia sẻ không có số liệu cụ thể để khẳng định con số hài lòng trong báo cáo là chưa chính xác, nhưng đề nghị các đơn vị cần chú ý cách khảo sát làm sao phản ánh đúng thực chất nhất. 

Chẳng hạn như ở nhiều nơi, khi cán bộ đến lấy ý kiến thì có danh sách những người dân được chọn sẵn để trả lời phỏng vấn. Như vậy, liệu kết quả khảo sát có phản ánh đúng, toàn diện và thực chất hay chưa?

Về kế hoạch khảo sát năm 2020, ông Quang đồng tình với quan điểm của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP là tập trung thêm nội dung đánh giá "văn hóa công sở". 

Vì suy cho cùng là làm sao cho có văn hóa, văn hóa là bao gồm cả sự hài lòng của người dân. Ngoài ra, nên đánh giá lại những việc mà chúng ta đã đánh giá năm nay xem năm sau có chuyển biến gì hay không.

Nhiều đơn vị có điểm số hài lòng gần như tuyệt đối

Về chỉ số hài lòng, cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ người dân, doanh nghiệp thể hiện mức độ hài lòng đối với sự hướng dẫn thủ tục hành chính của cán bộ công chức tại các sở, ngành đạt từ 80% trở lên.

Trong đó, các sở có tỉ lệ hài lòng trên 90% như: Sở Khoa học và công nghệ, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Thông tin và truyền thông...

Tại cấp phường xã, về chỉ số hài lòng chung, có 39 đơn vị đạt số điểm cao (9-10 điểm). Trong đó phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú có chỉ số hài lòng chung cao với số điểm tuyệt đối là 10 điểm.

Phường 3 (quận 4), phường 10 (quận 3), phường Bến Nghé (quận 1) có chỉ số hài lòng chung là 9,95 điểm. Phường 9 (quận 10) được 9,91 điểm và phường 4 (quận 5) được 9,9 điểm...

TP.HCM: Nâng cao sự hài lòng của người dân với chính quyền TP.HCM: Nâng cao sự hài lòng của người dân với chính quyền

Sáng 9-1, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) và kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

MAI HƯƠNG - THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên