Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám, chữa bệnh từ xa cho bệnh nhân mắc hai loại bệnh ung thư ở Bình Định - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Bệnh viện Ung bướu là 1 trong 24 bệnh viện tuyến trên được Bộ Y tế chỉ định tham gia đề án "Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025". Trước đó, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thuộc Bộ Y tế cũng đã khai trương hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Khám và chuyển giao kỹ thuật
Tại buổi lễ khai trương hệ thống tư vấn - khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, các bác sĩ bệnh viện này đã cùng các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bình Định điều trị cho một người mắc bệnh ung thư vú khá hiếm gặp.
Tại đầu cầu ở Bệnh viện Ung bướu, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bình Định cho biết bà N.T.T.B., 67 tuổi, ngụ ở TP Quy Nhơn, Bình Định đã được điều trị bệnh ung thư vú tại bệnh viện từ 9 năm trước. Thế nhưng, cách đây 2 năm, bà B. lại mắc thêm bệnh ung thư cổ tử cung. Bà cũng đã được phẫu thuật, xạ trị, sức khỏe ổn định.
Gần đây, các bác sĩ lại phát hiện bà có nhiều khối u ở phổi, nghi ngờ bà bị di căn. Tuy nhiên, đây là di căn của bệnh ung thư vú hay ung thư cổ tử cung? Cần điều trị cho một bệnh nhân mắc một lúc hai bệnh ung thư như thế nào?
Sau khi nghe các bác sĩ tuyến dưới trình bày tỉ mỉ về ca bệnh, trao đổi qua lại giữa các bác sĩ hai bệnh viện, các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu cho rằng bệnh nhân cần được sinh thiết tổn thương ở phổi để giải phẫu bệnh xác định những khối u trong phổi do bệnh ung thư vú hay ung thư cổ tử cung gây ra. Chỉ có một tỉ lệ rất hiếm gặp là bệnh nhân sẽ bị thêm một bệnh ung thư phổi. Còn qua các chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân hiện nay, các bác sĩ ít nghĩ đến tình huống này.
Có mặt tại đầu cầu Bệnh viện Đa khoa Bình Định, bà B. vui vẻ nói: "Tôi đã sống đến tuổi này, giờ các bác sĩ muốn lấy cái gì từ trong người tôi cũng được nhưng tôi chỉ điều trị ở đây thôi, tôi không muốn đi điều trị tại bệnh viện Sài Gòn. Lên đó, tôi không biết đường đi. Các bác sĩ giúp tôi với!".
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bình Định đã đề nghị Bệnh viện Ung bướu cử một số chuyên gia xuống bệnh viện hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân, đồng thời chuyển giao kỹ thuật sinh thiết xuyên hoành cho bệnh viện.
Hơn 20.000 người mắc ung thư mới mỗi năm
Theo TS Nguyễn Xuân Dũng, mỗi năm Bệnh viện Ung bướu tiếp nhận điều trị cho hơn 20.000 bệnh nhân mắc bệnh ung thư mới. Trong đó, 75% là bệnh nhân ở tỉnh.
Việc triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trong trường hợp tuyến dưới điều trị được.
Người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin, an tâm điều trị cho người bệnh.
Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế, cho biết Bệnh viện Ung bướu là một trong bốn bệnh viện được Bộ Y tế chỉ định là bệnh viện vệ tinh cho khu vực phía Nam.
Mới đây Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng đã khai trương hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với sự tham gia của 186 bệnh viện tuyến dưới tại 22 tỉnh thành theo dõi trực tiếp qua cầu truyền hình.
Ông Nguyễn Hoàng Bắc - giám đốc bệnh viện, cho rằng việc triển khai, đẩy mạnh hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên nền tảng công nghệ hiện đại không chỉ nâng cao chất lượng điều trị, tiết kiệm chi phí cho xã hội, ngành y tế mà còn giúp đội ngũ y bác sĩ có thể dễ dàng trao đổi, đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, giảm quá tải bệnh viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận