09/12/2013 09:28 GMT+7

TP.HCM: Hạ tầng quá tải, ô nhiễm, ngập nước chưa khắc phục

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Sáng 9-12, chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 12 HĐND TP với chương trình làm việc trong ba ngày rưỡi.

pkoe72TD.jpgPhóng to
Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đọc diễn văn khai mạc kỳ họp tại Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân TP.HCM khai mạc sáng 9-12 tại hội trường thành phố - Ảnh: Quang Định
GU9EHMyk.jpgPhóng to
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng đọc báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội 2013 tại Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân TP.HCM khai mạc sáng 9-12 tại hội trường thành phố - Ảnh: Quang Định

Theo bà Tâm, tại kỳ họp này HĐND TP xem xét các báo cáo của UBND TP về kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2013 và kết quả ba năm (2011-2013); nhiệm vụ của năm 2014, của giai đoạn đến năm 2015. HĐND TP cũng sẽ xem xét nhiều tờ trình của UBND TP.

* Năm 2013: tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước đạt hơn 764.000 tỉ đồng, tăng 9,3% - cao hơn cùng kỳ năm 2012 tăng 9,2%. Theo thống kê, mức tăng của từng quí theo hướng quí sau cao hơn quí trước (mức tăng tương ứng của từng quí là 7,6%, 8,1%, 10,3% và 10,7%). UBND TP nhận định tăng trưởng kinh tế của TP đã có dấu hiệu phục hồi.

*GDP bình quân ba năm (2011 - 2013): tăng 9,6% (mức tăng tương ứng của từng năm là 10,3%, 9,2% và 9,3%) - thấp hơn mức tăng bình quân giai đoạn 2008 - 2010 là 10,3%.

Mức tăng nói trên thấp hơn kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2011 - 2015 là tăng bình quân 12%/năm.

Bà Tâm khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP tiếp tục duy trì hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng… Tuy nhiên, bà Tâm cũng chỉ rõ những mặt hạn chế, yếu kém cần khắc phục, trong đó lưu ý một số chỉ tiêu quan trọng đạt thấp, chất lượng tăng trưởng chưa vững chắc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế TP còn chậm.

Một số vấn đề văn hóa, giáo dục, xã hội bức xúc chậm được khắc phục, nhiều bức xúc của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời. Tội phạm trộm cắp trong các khu dân cư gia tăng làm nhân dân rất lo lắng, bất an…

Theo đánh giá của UBND TP, trong ba năm qua, kinh tế TP duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chỉ số giá tăng thấp… Nhiều kết quả trên các mặt văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh cũng được ghi nhận tích cực.

Song, UBND TP nhìn nhận chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao; tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng, năng suất lao động còn thấp. Kết cấu hạ tầng quá tải, yếu kém cùng với tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến mục tiêu cải thiện chất lượng sống của nhân dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Đông - trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP nói: qua thẩm tra cho thấy kinh tế TP năm 2013 tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của TP, trong đó tỷ lệ sản xuất gia công còn nhiều, chưa sản xuất để xuất khẩu được những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Báo cáo của UBND TP cũng cho thấy tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 đạt hơn 225.000 tỉ đồng, tăng 4% (so với mức tăng của cùng kỳ năm 2012 là 7% - tức đã giảm 3%). Về việc này, ông Đông nói tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm không chỉ riêng ở TP mà là câu chuyện của cả nước.

Theo ông Đông, trong chi đầu tư phát triển, quá trình lập, thực hiện các dự án đầu tư phải đánh giá hiệu quả thực chất nếu không sẽ lãng phí từ chính các dự án đầu tư. Ở TP có nhiều dự án bức xúc nhưng nếu không xếp thứ tự ưu tiên để tập trung ngân sách mà dàn đều thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án, thậm chí phát sinh lãng phí từ chính sự dàn đều này. Tránh tình trạng dự án nào cũng được bố trí vốn nhưng đều thiếu vốn so với nhu cầu.

Riêng mảng ngân sách cho đầu tư phát triển, theo ông Đông, vẫn còn tình trạng có bố trí dự toán nhưng sử dụng không hết, cũng có dự án tiến độ không đạt kế hoạch đề ra. Cả hai dạng này đều có thể dẫn đến hệ quả sử dụng ngân sách chưa hiệu quả trong điều kiện vốn ngân sách ngày càng hạn hẹp so với nhu cầu.

“Tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch được coi là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân nhưng hầu hết các ý kiến đều nhận định, hiện nay vẫn còn một lượng lớn nước sạch bị lãng phí vì tỉ lệ thất thoát nước còn cao, đến 34,32%”. (Ông Phạm Văn Đông, trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP)
QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên