15/04/2014 00:44 GMT+7

TP.HCM đã đóng góp nhiều bài học về đổi mới kinh tế

Bà THÂN THỊ THƯ (trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM)
Bà THÂN THỊ THƯ (trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM)

TT - Đây là đánh giá của nhiều đại biểu dự hội thảo “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn sau 30 năm đổi mới” do Hội đồng Lý luận trung ương và Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 14-4 tại TP.HCM.

TP.HCM chiếm 31% doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất VNKinh tế TP.HCM có tín hiệu lạc quan hơn

zDSQWXF7.jpgPhóng to
Từ trái sang: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Đinh Thế Huynh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải và Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương Phùng Hữu Phú tại hội thảo “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới” - Ảnh: T.T.D.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - khẳng định: “Thực tiễn đổi mới ở TP.HCM rất phong phú, đa dạng và TP có rất nhiều kinh nghiệm trong 30 năm đổi mới”. Câu chuyện về bài học đổi mới ở TP có đời sống kinh tế năng động nhất cả nước đã một lần nữa được nêu ra, không chỉ đúc kết mà còn có tính cảnh báo cho tương lai.

Nhiều thành tựu nhưng lắm thách thức

"Nhà nước cần phải sử dụng có hiệu quả các công cụ của thị trường, không làm thay thị trường. Nhà nước không bao cấp rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Vấn đề ở chỗ là Nhà nước can thiệp vào thị trường như thế nào, bằng các công cụ gì phù hợp với chức năng của Nhà nước, đồng thời không làm cho các quan hệ thị trường bị méo mó "

Ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - nhắc lại thực tiễn phát triển kinh tế của TP.HCM đã chứng minh sự đa dạng các thành phần kinh tế chính là động lực chính yếu để phát triển kinh tế của TP.HCM. Sự năng động đó đã góp phần giúp TP có thành tích ấn tượng là tốc độ phát triển kinh tế ở mức hai con số kéo dài liên tục trong gần 20 năm, GDP hiện đã tiếp cận mức 5.000 USD/người/năm. Thực tiễn này, theo ông Hải, cũng cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế nhà nước. Đồng thời, chỉ rõ kinh tế nhà nước chỉ thực hiện chức năng hỗ trợ thị trường chứ không làm thay thị trường.

Nhắc lại những mốc đáng nhớ trong hành trình đổi mới mà nhiều thời điểm được coi là “xé rào” trong phát triển kinh tế tại TP, bà Thân Thị Thư - trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - cho rằng: “TP đã có những bước đột phá, tháo gỡ những vướng mắc, đấu tranh và từng bước giành thắng lợi trước những trở lực của cơ chế cũ”. Bà Thư nhắc lại một hành động của TP được coi là đã thiết lập cơ sở pháp lý đóng góp vào sự hình thành các loại hình doanh nghiệp. Đó là năm 1989, UBND TP đã ban hành quyết định nhằm chế định các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý.

Những bước đột phá này của TP đã không dừng lại trong suốt hành trình đổi mới. Sau công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần là đến các khu chế xuất, khu công nghiệp; sở giao dịch chứng khoán... của TP ra đời đầu tiên trong cả nước. Các chương trình đột phá như đổi đất lấy hạ tầng, xã hội hóa hạ tầng kỹ thuật, cải tiến nền hành chính mang tính chất phục vụ... cũng từ TP lan tỏa ra các địa phương khác. Những bước tiên phong này của TP, theo bà Thân Thị Thư, không chỉ đóng góp các bài học về phát triển kinh tế cho TP và cả nước mà còn đưa ra tư duy quản lý đô thị phù hợp với cơ chế thị trường. Cụ thể là thay đổi từ cách thức xử lý cứng nhắc theo “biện pháp hành chính”, chuyển sang “biện pháp phù hợp xu thế và quy luật của phát triển”.

Nhưng bài học đổi mới từ TP.HCM không chỉ có màu hồng, theo bà Thư, có những hệ lụy không nhỏ mà TP.HCM đang phải đối diện. Đó là cơ cấu kinh tế thiếu cạnh tranh, sự bất cập giữa trình độ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế và yêu cầu cải thiện dân sinh, khoảng cách giàu nghèo trong người dân TP ngày càng giãn ra.

Bà Thư cho rằng kinh tế TP.HCM cũng như kinh tế cả nước đang đuối sức trong cuộc “chạy đua” toàn cầu. Cạnh đó là tình trạng đầu tư công thiếu hiệu quả, kéo dài triền miên, bội chi ngân sách ngày càng cao. Và một bài học ngay sau sự “hồ hởi” cách đây chưa lâu về dòng vốn FDI, đó là tình trạng chuyển giá (lời thật, lỗ giả) trong các doanh nghiệp FDI ngày càng tinh vi và nghiêm trọng. Trên địa bàn TP.HCM có đến 50% doanh nghiệp FDI khai lỗ, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế nhiều hơn vốn pháp định, nhưng vẫn tồn tại và hoạt động tốt. Tình trạng này tạo ra một sự cạnh tranh bất chính đối với các doanh nghiệp trong nước ngay trên thị trường nội địa.

Thể chế cơ chế dân làm chủ

Bày tỏ sự băn khoăn, ông Lê Thanh Hải cho rằng cần quan tâm nhiều hơn, nghiên cứu tổng kết sâu hơn để tiếp tục hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không tiếp tục nêu ra những vướng mắc trong vấn đề này, nhưng bí thư Thành ủy TP.HCM đã đặt câu hỏi: “Phải chăng đây là một trong những vấn đề chúng ta cần làm sáng tỏ hơn?”.

Về nguồn lực phát triển, nhiều đại biểu tại hội thảo đã đặt vấn đề: phải chăng thời gian qua chúng ta huy động được nhiều nguồn lực nhưng lại sử dụng kém hiệu quả? Một trong những ví dụ cụ thể là dù đã phân ra ba vùng kinh tế trọng điểm ở ba miền, nhưng trên thực tế vẫn xây dựng cơ cấu kinh tế tỉnh. Đã xuất hiện sự xung đột lợi ích giữa các địa phương. Nguồn lực sản xuất của quốc gia bị phân tán, đầu tư công và cả đầu tư tư nhân bị dàn trải; các vùng kinh tế trọng điểm chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có được sức mạnh của liên kết vùng.

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Đinh Thế Huynh cho biết một vấn đề được đại biểu quan tâm góp ý kiến nhiều là về cơ chế làm chủ của nhân dân hiện chưa thật rõ. Theo ông Huynh, câu hỏi mà Hội đồng Lý luận trung ương tiếp nhận là cần làm rõ việc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ là mối quan hệ hay cơ chế? Đồng thời, phải làm rõ như thế nào là làm chủ, tiến tới thể chế hóa cơ chế đó.

Tất cả vấn đề nêu ra tại hội thảo, ông Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu tiếp tục suy nghĩ và gửi những đóng góp về Hội đồng Lý luận trung ương. “Việc tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới là cần thiết, góp phần thiết thực vào chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng” - ông Đinh Thế Huynh cho biết.

Bà THÂN THỊ THƯ (trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên