13/12/2011 06:00 GMT+7

TP.HCM: 265.000 chỗ làm trong năm 2012

NGUYỄN NAM thực hiện
NGUYỄN NAM thực hiện

TT - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết năm 2012, TP.HCM có khoảng 265.000 chỗ làm, trong đó có 120.000 chỗ làm mới. Thị trường lao động năm 2012 được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, biến động.

JqimnFVp.jpgPhóng to

Bạn Phan Thị Mỹ Yến (trái) nhận việc ở Công ty Nidec Copal. Mỹ Yến là một trong số hàng ngàn lao động tìm được việc làm trong năm 2011 từ chương trình Tiếp sức người lao động của Thành đoàn TP.HCM - Ảnh: M.VINH

Ông Trần Anh Tuấn,phó giám đốc thường trực trung tâm, cho biết:

- Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, năm 2012 dự kiến tỉ lệ lao động thất nghiệp giảm xuống còn 4,9%, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí TP giảm còn 4,5%. Có thể nhận định năm 2012 thị trường lao động TP vẫn còn nhiều biến động.

jrARaxZg.jpgPhóng to
Ông Trần Anh Tuấn - Ảnh: MAI VINH
Về xu hướng quý 1-2012, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là nguồn lao động phổ thông cho các ngành sản xuất, chế biến như dệt may - da giày, chế biến thực phẩm, nhựa - bao bì, xây dựng, cơ khí, điện tử... để bù đắp lượng lao động nghỉ tết dài. Quý 2 và 3-2012, thị trường lao động sẽ tiếp tục có sự biến động về cung - cầu nhưng ổn định so với quý 1-2012.

Trong quý 3 và 4-2012, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều vào lao động có tay nghề, trình độ ở một số ngành nghề như cơ khí, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự, hóa - hóa chất, marketing - nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, y tế - chăm sóc sức khỏe, xây dựng - kiến trúc...

* Cơ cấu chuyển đổi nhu cầu về nhân lực trong tổng nhu cầu nhân lực năm 2012 như thế nào, thưa ông?

- Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông có giảm 10% so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỉ trọng cao trong tuyển dụng của các doanh nghiệp. Nhu cầu tuyển dụng lao động cho các KCX-KCN TP năm 2012 có cơ cấu trình độ chuyên môn đại học - cao đẳng là 7%, trung cấp 12%, công nhân kỹ thuật 19%, lao động đã qua đào tạo nghề 30%, lao động chưa đào tạo nghề 32%.

10 nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực nhiều nhất trong năm 2012 là marketing - kinh doanh - bán hàng, dệt - may - da giày, du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ - phục vụ, công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông, tài chính - kế toán - kiểm toán, cơ khí - luyện kim - công nghệ ôtô, xây dựng - kiến trúc - giao thông vận tải, quản lý - hành chính - giáo dục - đào tạo, điện - điện công nghiệp - điện lạnh, hóa - chế biến lương thực thực phẩm - quản trị chất lượng.

* Ông có đề xuất gì để hoạt động của thị trường lao động trong năm 2012 đi vào ổn định, hiệu quả?

Các KCX-KCN TP.HCM cần 30.000 lao động

Trong tổng số nhu cầu nhân lực năm 2012, nhu cầu tuyển dụng của các KCX-KCN là 30.000 chỗ làm việc với các nhóm ngành nghề điện - điện tử (18%), dệt - may (18%), dịch vụ (16%), cơ khí (13%), chế biến thực phẩm - hải sản (8%), công nghệ thông tin (5%), mộc - bao bì (4%), hóa - dược (3%) và ngành nghề khác (15%).

- Thực trạng thị trường lao động những năm gần đây tại TP luôn diễn biến vừa thừa vừa thiếu lao động, từ lao động phổ thông đến lao động chất lượng cao. Vì vậy, để quản lý và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả luôn cần sự tham gia đồng bộ của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội.

Với góc độ nhiệm vụ hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực TP, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đề xuất Sở Lao động - thương binh và xã hội TP và các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm các vấn đề tạo chuyển biến mạnh với các cơ quan, tổ chức, xã hội về phát triển nguồn nhân lực có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao. Định hướng, phát triển có hiệu quả hoạt động hướng nghiệp giúp học sinh, sinh viên, người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp (định hướng học nghề hoặc chuyển nghề) trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân, nắm được định hướng phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu nhân lực của TP và cả nước.

Điều quan trọng là cần xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào tạo của từng trường gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và cấp trình độ đào tạo. Cần xác định được khung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Hạn chế việc đào tạo tự phát gây tình trạng thừa thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp.

Bên cạnh đó cần tạo sự đồng bộ, liên kết, hợp tác giữa hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành, gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Tăng cường trách nhiệm các doanh nghiệp về thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước và phối hợp với tổ chức dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu tuyển dụng lao động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Mặt khác, cần đầu tư phát triển các hoạt động tư vấn quan hệ doanh nghiệp, thông tin nghề nghiệp - việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm tại các trường, cơ sở đào tạo. Cùng với đó là nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Chiến lược việc làm ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 xác định trong mười năm tới sẽ có thêm ít nhất 9,5 triệu người tham gia lực lượng lao động. Từ nay đến năm 2020, VN phải giải quyết việc làm mới cho ít nhất 15,3 triệu người. Chính vì thế, mục tiêu của chiến lược là mỗi năm phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động mới. Tỉ lệ tăng trưởng việc làm bình quân 2%/năm. Đó là một thách thức.

Với những gì đang diễn ra, tình hình thị trường lao động năm 2012 sẽ thiếu lao động chất lượng cao, thậm chí các vùng công nghiệp phát triển sẽ thiếu cả lao động phổ thông. Đây là thực trạng phổ biến trong thời gian gần đây. Theo tôi, phải lập các vùng kinh tế để thu hút lao động về đấy, chứ không chỉ mấy khu công nghiệp lớn của Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Do thực trạng chất lượng nguồn lao động như vậy nên thời điểm này cần đột phá vào nâng cao chất lượng nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Ngoài ra cũng cần quan tâm giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn. Chính phủ đã phê duyệt chương trình đào tạo, đề án phát triển tay nghề lao động nông thôn. Nếu làm tốt sẽ giúp chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, giải quyết bài toán thiếu lao động và nâng cao chất lượng nguồn lực nghề.

NGUYỄN NAM thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên