26/04/2022 16:14 GMT+7

TP.HCM tìm cơ chế mới trong tư vấn tâm lý học đường

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TTO - TP.HCM mong muốn có mạng lưới tư vấn tâm lý rộng khắp, chuyên sâu, theo dõi tốt kết quả, có định biên và thúc đẩy được sự phát triển nghề nghiệp cho giáo viên tâm lý tại trường phổ thông.


TP.HCM tìm cơ chế mới trong tư vấn tâm lý học đường - Ảnh 1.

TS Huỳnh Văn Chẩn phát biểu tại hội thảo - Ảnh: MỸ DUNG

Tại hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông" do Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM và Ban văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân TP.HCM tổ chức ngày 26-4, nhiều chuyên gia, giáo viên, đơn vị trường học đã nêu thực trạng đáng buồn hiện nay của công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.

Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, từ năm 2017, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS, THPT tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên đã được bổ nhiệm trước đây về vị trí việc làm là nhân viên tư vấn tâm lý phụ trách chính về chuyên môn và kiêm nhiệm thêm tại nhà trường. Các trường tạo điều kiện cho giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Nhưng sở đánh giá đến nay rất ít trường thực hiện được việc này.

Theo đó, có ba nguyên nhân chủ yếu, gồm: một là lực lượng giáo viên tâm lý công tác tại trường phổ thông không được biên chế, lại kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác nên không thể tập trung chuyên môn; thứ hai, các chế độ đãi ngộ, lương, chế độ làm việc của các trường chưa thu hút được lực lượng có chuyên môn nghiệp vụ; ba là giáo viên tổ tư vấn tâm lý là giáo viên kiêm nhiệm chứ không có chuyên môn nghiệp vụ.

TP.HCM tìm cơ chế mới trong tư vấn tâm lý học đường - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Tín, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: MỸ DUNG

Đại diện Trường THPT Tây Thạnh cho biết dù là một giáo viên có chuyên môn về tư vấn tâm lý, hoạt động lâu năm nên được sự ủng hộ của nhiều phía nhưng bản thân cô cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện tại học sinh của trường có gần 3.000 em với 60 lớp học, một giáo viên tiếp cận đến từng học sinh là rất khó khăn.

"Điều đặc biệt là thời gian tiếp cận học sinh và hỗ trợ học sinh chỉ tranh thủ vào giờ chơi, giáo viên tâm lý không có đủ thời gian để thiết lập mối quan hệ và các nguyên tắc trong tham vấn với thân chủ, rất khó tạo được sự tin tưởng ở học sinh", cô giáo này thông tin.

Đại diện nhiều trường học cho rằng, việc không có thời gian để tư vấn tâm lý cho học sinh đánh mất nhiều cơ hội để giải quyết vấn đề tâm lý cho học sinh. Vì thế, họ mong rằng trong thời gian tới có cơ chế tốt hơn, tránh lặp lại kiểu tư vấn tâm lý vào giờ ra chơi thiếu hiệu quả như hiện nay.

Đại diện Trường THPT Tây Thạnh cũng kiến nghị các đơn vị chức năng có thể cho "chúng tôi một chức danh nghề nghiệp rõ ràng" là giáo viên tâm lý học đường thay vì chuyên viên vì "giáo viên phù hợp để hoạt động hơn trong học đường".

Trong bối cảnh chung sau COVID-19 cũng như nhu cầu tư vấn tâm lý của học sinh ngày càng cấp thiết, TS Huỳnh Văn Chẩn - trưởng khoa công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng, cần quy định chuẩn về trình độ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý để hoạt động tư vấn mang tính chất chuyên nghiệp, hiệu quả, tránh chạy theo thành tích nhưng không mang lại hiệu quả thực chất cho học sinh.

"Ngày càng có nhiều học sinh trước áp lực học hành, cuộc sống tìm đến con đường bi kịch là tự tử. Thực tế xã hội có thể tránh khỏi những cái chết dại dột đó nếu các em được hỗ trợ kịp thời, tìm thấy lối ra trong cuộc sống và không tự mình dồn mình vào bước đường cùng", TS Chẩn nói.

Đứng ở góc độ là một phụ huynh có con ở lứa tuổi phổ thông, ông Nguyễn Văn Tín, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, nói: "Tôi kiến nghị chúng ta có kiến nghị chính sách riêng, có định biên, có phân công, gắn kết làm sao để tạo ra điểm tư vấn trong trường học hiệu quả, thiết thực".

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, cho rằng, tư vấn tâm lý giáo dục cần được coi như một môn học cấp thiết trong dạy học.

"Cần có mạng lưới tư vấn tâm lý rộng khắp, chuyên sâu và có người đủ chuyên môn theo dõi. Chúng ta cần có cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học", ông Dũng nêu ý kiến.  

Trước những vấn đề đặt ra, đại diện Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, Sở Y tế và Hội đồng nhân dân TP.HCM sẽ có những bước đi cụ thể trong thời gian tới để đưa ra chính sách hỗ trợ, thu hút giới chuyên môn, để giáo viên an tâm công tác và các giáo viên phải có cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Tư vấn tâm lý học đường bị lãng quên Tư vấn tâm lý học đường bị lãng quên

TTO - Không được thấu hiểu, tư vấn phù hợp, nhiều học sinh đã chọn cách hủy hoại bản thân khi buồn bực vì học kém, quan hệ không tốt với gia đình...

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên