22/07/2025 15:47 GMT+7

TP.HCM tăng cường nhắc bác sĩ kê đơn thuốc bình ổn cho bệnh nhân

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, đến nay TP có 2.711 nhà thuốc (trong đó gồm nhà thuốc tư nhân, nhà thuốc bệnh viện, và các nhà thuốc của doanh nghiệp) tham gia bán giá thuốc bình ổn, thấp hơn giá thị trường tối thiểu 5%.

thuốc bình ổn - Ảnh 1.

Sở Y tế TP.HCM sẽ tăng cường nhắc nhở các bác sĩ điều trị trong việc kê đơn thuốc sản xuất trong nước, thuốc bình ổn cho bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú - Ảnh: THU HIẾN

Sở Y tế TP.HCM vừa có báo cáo thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP trong quý 2-2025 (từ ngày 1-4 đến 30-6).

Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", TP đã thực hiện chương trình bình ổn thị trường, trong đó có chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu.

Kết quả hiện nay, tại TP có 8 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn năm 2025- 2026, gồm 20 nhóm thuốc sản xuất trong nước với 290 mặt hàng.

Cụ thể như: Công ty cổ phần dược phẩm Agimexpharm, 194 mặt hàng; Công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm, 20 mặt hàng; Chi nhánh Resantis Việt Nam - Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco), 10 mặt hàng…

Sở Y tế cho hay tất cả mặt hàng trong chương trình bình ổn đảm bảo chất lượng, bao gồm thuốc điều trị các bệnh thường gặp, các bệnh mạn tính, nhu cầu sử dụng nhiều, được xây dựng dựa trên nhu cầu dùng thuốc thiết yếu của người dân TP.

Cụ thể như: nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm (Paracetamol, Meloxicam…); nhóm thuốc trị ho, long đàm (Acetylcystein, Bromhexin…); nhóm thuốc chống dị ứng (Chlorpheniramin, Fexofenadin…); thuốc chống loét dạ dày, tá tràng (Omeprazole, Simethicon…); nhóm thuốc tim mạch (Atenolol, Methyldopa…).

Số điểm bán thuốc bình ổn hiện nay là 2.711 nhà thuốc (trong đó gồm nhà thuốc tư nhân, nhà thuốc bệnh viện, và các nhà thuốc của doanh nghiệp).

Giá bán thuốc bình ổn thấp hơn giá thị trường tối thiểu 5%, do đơn vị tham gia chương trình xây dựng, đăng ký với Sở Y tế, được Sở Tài chính phê duyệt và giữ ổn định đến hết quý 1-2026.

Các điểm bán thuốc đã thực hiện việc bán thuốc bình ổn không cao hơn giá niêm yết. Giá bán các mặt hàng dược phẩm trong chương trình bình ổn được giữ ổn định trong suốt thời gian thực hiện chương trình.

Lượng thuốc cung ứng ra thị trường đã đáp ứng được nhu cầu dùng thuốc của người dân, người dân có nhiều hơn sự lựa chọn thuốc trong điều trị bệnh.

Sở Y tế sẽ tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu quý 3-2025, sẽ tăng cường việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc và thuyết phục các đơn vị phối hợp thực hiện tốt chương trình.

Đồng thời nhắc nhở các bác sĩ điều trị trong việc kê đơn thuốc sản xuất trong nước, thuốc bình ổn cho bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú.

Phối hợp UBND phường, xã, đặc khu tăng cường hoạt động truyền thông, mở rộng điểm bán thuốc, phục vụ tốt người dân.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của chương trình, điểm bán, quản lý hàng hóa, giá cả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).

TP.HCM tăng cường nhắc bác sĩ kê đơn thuốc bình ổn cho bệnh nhân - Ảnh 3.Bán thuốc online phải công khai chứng chỉ hành nghề, số điện thoại người tư vấn

Trên các ứng dụng hay nền tảng thương mại điện tử, các cơ sở kinh doanh dược phải đăng tải đầy đủ thông tin về giấy chứng nhận kinh doanh cũng như thông tin về thuốc, chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên