Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bắt tay với đại diện các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài trước khi bước vào hội nghị đối thoại - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ngày 23-3, thông tin với các nhà đầu tư nước ngoài tại "Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2019", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết các nút thắt làm chậm dự án tuyến metro số 1 của TP.HCM vừa được tháo gỡ.
"TP vừa làm việc với nhà đầu tư thống nhất về việc tiếp vốn, cả hai phấn đấu cuối năm 2020 hoàn thành cơ bản xây dựng kỹ thuật, để đầu năm 2021 có thể đi vào vận hành", bí thư thông tin.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP.HCM ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, nhất là tính minh bạch.
Đây cũng là một trong 7 giải pháp TP.HCM triển khai trong năm 2019 để duy trì, tạo được đột phá trong thủ tục hành chính, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội đề ra.
Theo đó, TP đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh tiến độ thực hiện đề án TP đô thị thông minh gắn với khu đô thị phía đông TP.HCM.
Năm 2019, chủ đề của TP là đẩy mạnh cải cách hành chính, do đó, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, cải thiện chất lượng dịch vụ công theo hướng tăng cường tính minh bạch và hiệu quả vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp.
Đến nay, người dân khi đến 322 phường xã của TP.HCM đều có thể bấm nút, đánh giá chất lượng phục vụ công chức về dịch vụ hành chính công.
"Tăng cường ghi nhận ý kiến của người dân góp ý về sự phát triển của TP là một trong những cách làm mới thành phố đang tập trung đẩy mạnh thời gian tới", bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Bà Amanda Rasmussen - chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) - nêu câu hỏi về tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và lưu thông hàng hóa - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ngoài ra, TP cũng đặt mục tiêu năm 2019 sẽ hoàn thành nghiên cứu và công bố phát triển quy hoạch logistic của TP.HCM; hoàn thành đề án TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực; ban hành chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030; xây dựng khu công nghiệp mới với quy mô 300 hecta cho các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục nhiều hội thảo, tìm kiếm các giải pháp từ đóng góp ý, hiến kế của người dân, trí thức Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp để phát triển TP.HCM.
Năm 2019, TP.HCM tiếp tục tăng tốc, tập trung 7 nhóm giải pháp này, tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ công theo hướng tăng cường tính minh bạch và hiệu quả vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, chính quyền TP khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ.
Trước đó, nhấn mạnh bằng ngôn ngữ của các nhà đầu tư là tiếng Anh, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2018 TP.HCM đã đạt những thành quả kinh tế đáng mừng.
Năm 2018, nền kinh tế TP tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Nổi bật là tăng trưởng GRDP đạt 8,3%, tỉ trọng quy mô kinh tế TP so với quy mô kinh tế cả nước là 24,16%, cao nhất từ trước đến nay.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP, năm 2017 là 34,5%, vượt chỉ tiêu bình quân toàn nhiệm kỳ 2016 - 2020 là 30% GRDP. Tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế là 38%, vượt chỉ tiêu 36% của năm 2018 và chỉ tiêu bình quân toàn nhiệm kỳ là 35%.
TP.HCM trân trọng mỗi đồng vốn đầu tư của khối doanh nghiệp FDI vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là "lá phiếu" ủng hộ đối với chính quyền TP trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển TP.HCM.
"Tuy nhiên, TP.HCM còn phải làm nhiều việc để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đặc biệt là kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước", bí thư nhấn mạnh.
Tại buổi đối thoại, đại diện các tổ chức nước ngoài đều dành nhiều câu hỏi về đầu tư cơ sở hạ tầng của TP.HCM cũng như bày tỏ sự lo lắng trong việc chậm trễ một số dự án.
Ông Tomaso Andreatta - phó chủ tịch EuroCham, kiến nghị TP cần đẩy mạnh thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng như mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; đảm bảo hoàn thành dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên vào năm 2020 như dự kiến; xử lý ngập lụt; nâng cao chất lượng các trạm giao thông công cộng; xây dựng một cơ sở hạ tầng toàn diện hài hòa với trật tự đô thị và quy hoạch giao thông.
Bà Amanda Rasmussen - chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) - cho rằng bên cạnh các nỗ lực của chính quyền thời gian qua, hiện doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn lo lắng sự thay đổi hiệu lực của luật pháp và quy định tại Việt Nam quá nhanh và khó đoán trước đang tạo ra các mối lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hội nghị năm nay có chủ đề "TP.HCM: Hội tụ nguồn lực, kiến tạo tương lai". Từ năm 2015, hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp FDI đã trở thành một kênh đối thoại hiệu quả, thể hiện sự đồng hành của thành phố, các sở ngành với cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Về phát triển kinh tế, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp kinh tế tăng trưởng trên 8%, TP.HCM đang đóng góp 24% tổng sản phẩm quốc nội, 29% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
TP.HCM đã thu hút được hơn 7 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 15% tổng vốn đầu tư so với năm 2017, nâng tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn còn hiệu lực trên địa bàn thành phố lên thành 44,94 tỉ USD với 8.112 dự án, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI của thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận