17/03/2021 08:12 GMT+7

TP.HCM sẽ có thêm 'thành phố thuộc thành phố'?

NGỌC HÀ - TIẾN LONG
NGỌC HÀ - TIẾN LONG

TTO - Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030.

TP.HCM sẽ có thêm thành phố thuộc thành phố? - Ảnh 1.

Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Huyện này đang tích cực chuẩn bị để lên quận vào năm 2025 Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 chuyển huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận (hoặc thành lập thành phố thuộc TP.HCM). Đến giai đoạn 2025 - 2030, chuyển huyện Củ Chi, Cần Giờ thành quận (hoặc thành phố thuộc TP).

Tập trung phát triển hạ tầng

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết hiện Sở Nội vụ đang tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành để hoàn thiện tờ trình gửi UBND TP về công tác chuẩn bị xây dựng "Đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM)" giai đoạn 2021 - 2030.

Theo dự thảo kế hoạch kèm tờ trình của Sở Nội vụ, việc thành lập đơn vị hành chính quận (hoặc thành phố thuộc TP) phải bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội đại biểu TP lần thứ XI thông qua.

Trong đó, tập trung đẩy nhanh điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch chung TP làm cơ sở để triển khai đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các huyện; các chương trình, đề án trong 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm của TP. Rà soát, đánh giá hiện trạng các tiêu chuẩn của huyện, xã - thị trấn theo quy định về phân loại đô thị để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị đạt tiêu chuẩn của quận (hoặc thành phố thuộc TP) và phường trực thuộc.

TP.HCM sẽ có thêm thành phố thuộc thành phố? - Ảnh 2.

Kết quả rà soát sơ bộ, đánh giá hiện trạng các huyện theo tiêu chí của quận tại TP.HCM - Đồ họa: T.ĐẠT

Cũng theo tờ trình, trong số các giải pháp thực hiện sẽ có việc ưu tiên ngân sách để tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới... Cùng với đó, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc đô thị.

Mặt khác, khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại. Thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích để huy động mạnh mẽ nguồn lực trong nhân dân, các doanh nghiệp ngoài nhà nước từ các địa phương trong cả nước và vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và các ngành nghề phi nông nghiệp...

Từ đó, tạo bước đột phá trong phát triển, trình tự ưu tiên theo các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội đô thị. Cân đối nguồn thu phát sinh trên địa bàn các huyện để phát triển hệ thống hạ tầng, tiện ích đô thị và tạo quỹ đất sạch. Áp dụng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất tại các đô thị mới, các điểm dịch vụ, các loại đất có thể sinh lời cần thiết để tạo vốn phát triển hạ tầng.

Ngoài ra còn có giải pháp về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài đáp ứng yêu cầu của phát triển; nâng cao trình độ dân trí, khoa học công nghệ, văn minh đô thị; năng lực tổ chức vận hành bộ máy, quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.

TP.HCM sẽ có thêm thành phố thuộc thành phố? - Ảnh 3.

Khu vực đô thị huyện Nhà Bè đang hình thành và phát triển - Ảnh: TỰ TRUNG

Sớm hoàn chỉnh đề án

Bà Thắm cho biết: "Tờ trình mới chỉ là dự thảo kế hoạch dự kiến sẽ xây dựng đề án để các sở, ngành cho ý kiến. Khi UBND ký quyết định ban hành kế hoạch thì sở, ngành sẽ làm các bước tiếp theo". Nội dung này cũng phủ nhận hoàn toàn việc nhiều người "lợi dụng" thông tin tờ trình để cho rằng các huyện ngoại thành TP.HCM sẽ lên quận sớm nhằm đẩy giá nhà đất lên. Ngay trong dự thảo tờ trình của Sở Nội vụ cũng nêu phương thức thực hiện thông qua rất nhiều bước để hoàn thiện đề án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, đầu tiên, các cơ quan liên quan báo cáo đánh giá, rà soát hiện trạng từng tiêu chí về dân số, diện tích, số đơn vị hành chính, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của huyện theo tiêu chuẩn của quận. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng đó sẽ xin ý kiến Ban thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương lựa chọn phương án chuyển huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM). Tiếp đó, bổ sung định hướng vào điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị TP.HCM.

Bước tiếp theo, các cơ quan liên quan mới xây dựng kế hoạch, tiến độ đầu tư xây dựng khắc phục các tiêu chí chưa đạt chuẩn; hoàn thiện công tác quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tại các huyện, chương trình phát triển đô thị đảm bảo quy hoạch đô thị phủ kín các huyện dự kiến thành lập quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) trong giai đoạn 2021 - 2030. Sau đó, hoàn thiện đề án phân loại đô thị của các huyện, các xã - thị trấn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cuối cùng mới hoàn thiện đồ án thành lập quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

TP.HCM sẽ có thêm thành phố thuộc thành phố? - Ảnh 4.

Đường Lương Văn Nho khang trang thuộc thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ - Ảnh: T.T.D.

Các bước thực hiện chuyển huyện thành quận tại TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030

* Trong quý 3-2021, tham mưu UBND TP trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó bổ sung các định hướng phát triển đối với 5 huyện đảm bảo đủ điều kiện thành lập đơn vị hành chính quận.

Tham mưu UBND TP trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP.HCM; hoàn thiện Đề án phân loại đô thị TP Thủ Đức, 5 huyện, các xã - thị trấn tham mưu UBND TP trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Trong quý 1-2022, tham mưu UBND TP chương trình, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với 5 huyện đảm bảo đủ điều kiện thành lập đơn vị hành chính quận (hoặc TP thuộc TP).

* Trong quý 2-2023, hoàn thiện Đề án phân loại đô thị đối với xã - thị trấn trình UBND huyện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hoàn thiện công tác lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các huyện, đảm bảo quy hoạch đô thị phủ kín các huyện dự kiến thành lập quận; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện để nâng cao và khắc phục các tiêu chí chưa đạt; hoàn thiện Đề án phân loại đô thị đối với xã - thị trấn và huyện trình UBND TP phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Trong quý 2-2024, hoàn thiện Đề án thành lập đơn vị hành chính quận, phường (hoặc TP thuộc TP và các phường trực thuộc) trình UBND TP để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Trong quý 3-2024, hoàn thiện Đề án thành lập đơn vị hành chính quận, phường (hoặc TP thuộc TP và các phường trực thuộc) tại 5 huyện: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và tham mưu UBND TP trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Ông Nguyễn Minh Hòa (chuyên gia về đô thị học):

Đi từ huyện lên quận phải thận trọng

hocsinh binhchanh 06 2(read-only)

Học sinh nô đùa bên ngôi trường tiểu học Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vừa được đầu tư xây dựng - Ảnh: TỰ TRUNG

Việc đưa một huyện lên thành quận không phải chỉ là danh xưng mà sẽ làm xáo trộn rất nhiều chuyện. Trước hết, tiêu chuẩn kỹ thuật của huyện và quận khác nhau: từ việc xây dựng nhà cửa, chợ búa cho đến các loại thuế, phí cũng khác nhau.

Phải trả lời được câu hỏi tại sao địa phương đó lên quận? Nếu chỉ là lên quận để có thêm đất cho đô thị hóa, cho phát triển công nghiệp thì có vẻ không ổn lắm. Nếu nói nông thôn TP.HCM không phát huy hiệu quả kinh tế, hiệu suất sử dụng đất thì phải đặt câu hỏi ngược lại: Nhà nước đã đầu tư gì để nông nghiệp và nông thôn phát huy hiệu quả kinh tế? Nên đầu tư huyện Hóc Môn hay Củ Chi thành vùng nông nghiệp công nghệ cao hoặc du lịch sinh thái để khai thác du lịch, nghỉ dưỡng.

Tất cả các nước trên thế giới đều giữ lại phần nông nghiệp trong đô thị. Nếu đô thị là một cơ thể sống (thông tin liên lạc là bộ não, giao thông là huyết mạch, các công trình xây dựng là xương sống, công trình di sản là hồn... của đô thị) thì nông nghiệp, nông thôn chính là phần da và mỡ để bảo vệ đô thị. Một số nước phải tái cấu trúc lại nông thôn trong đô thị để làm mềm hóa đô thị.

Theo tôi, chính quyền hãy thận trọng, vì bỏ nông thôn trong đô thị thì rất dễ nhưng phục hồi lại rất khó. Có thể chuyển huyện lên thành quận, nhưng các trang trại và đất sản xuất phải được giữ lại. Có thể giữ lại các khu vực nông thôn và thay đổi về mặt chất lượng, phát triển nó theo một hướng khác để làm "khoảng thở" cho đô thị, khai thác nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và nơi nghỉ ngơi ngắn ngày cho người dân TP.HCM.

NGỌC HÀ ghi

Các huyện chuẩn bị thành... quận

qd_quoclo22_11 1(read-only)

Quốc lộ 22 đoạn qua huyện Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mặc dù đang trong quá trình xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận nhưng thực chất các huyện tại TP.HCM cũng đã có các bước chuẩn bị cho kế hoạch này.

Mặc dù đang trong quá trình xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận nhưng thực chất các huyện tại TP.HCM cũng đã có các bước chuẩn bị cho kế hoạch này.

Theo ông Võ Phan Lê Nguyễn - phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ này đã đặt mục tiêu đưa huyện thành quận vào năm 2025 và Đảng bộ, chính quyền huyện đang quyết tâm thực hiện mục tiêu này. Đến nay, qua rà soát sơ bộ thì Nhà Bè đã đạt được 24/30 tiêu chí để trở thành quận. Còn 6 tiêu chí chưa đạt chia thành 5 nhóm như: cơ cấu và trình độ phát triển xã hội, nhóm tiêu chí về hệ thống công trình xã hội và công trình thể dục thể thao, nhóm tiêu chí về hạ tầng xã hội...

Để đạt những mục tiêu này, huyện Nhà Bè đã cụ thể hóa thành các chương trình hành động; trong đó, chương trình phát triển đô thị được xem là chương trình lõi, trọng điểm của Nhà Bè trong nhiệm kỳ này. Trong những tiêu chí còn thiếu, Nhà Bè đặt trọng tâm vào việc đầu tư hạ tầng đô thị mà đặc biệt là hạ tầng giao thông. Giao thông là nền tảng để phát triển và thu hút khai thác đất đai, dự án... Các trục giao thông quan trọng trên địa bàn huyện Nhà Bè cần được đầu tư là trục đường Đông - Tây, Bắc - Nam để kết nối giữa Nhà Bè với Long An, quận 7... Nhà Bè cũng đang báo cáo với UBND TP để kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước.

Trong năm 2020, Nhà Bè đã phối hợp hoàn chỉnh việc nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát, nay huyện đang đầu tư cầu bắc qua kênh Cây Khô kết nối giữa Nhà Bè (xã Phước Lộc) và quận 8. Ngoài ra, huyện Nhà Bè cũng đang tập trung để đầu tư cầu Long Kiểng, trong khi cầu Phước Lộc đã được thông xe chính thức. Tuyến đường 15B nối từ quận 7 qua Nhà Bè đi Cần Giờ qua cầu Bình Khánh mới cũng đang được xây dựng chính sách để đầu tư.

Tương tự, ông Trần Văn Khuyên - bí thư Huyện ủy Hóc Môn - cho biết trong văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Hóc Môn có tiêu chí phấn đấu để huyện trở thành quận trong tương lai. Những năm vừa qua, huyện Hóc Môn cũng đã định hướng xây dựng và phát triển hướng đến các tiêu chí thành quận. "Theo đánh giá chủ quan của tôi, huyện Hóc Môn nay đã đủ điều kiện để trở thành quận. Còn theo đánh giá của Sở Nội vụ qua tờ trình được chuẩn bị xây dựng đề án thì huyện Hóc Môn cũng đã cơ bản đủ điều kiện thành quận. Vấn đề còn lại là cấp trên đồng thuận như thế nào. Huyện Hóc Môn đã có 100% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nên việc lên quận sẽ có nhiều thuận lợi" - ông Khuyên chia sẻ.

Cũng theo ông Khuyên, huyện Hóc Môn đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với quy hoạch chung của TP và mang tính định hướng quy hoạch của đô thị (tức quy hoạch của một quận) để bảo đảm nhu cầu phát triển cho tương lai. Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện Hóc Môn cũng đặt ra mục tiêu phải bảo đảm tốt công tác quản lý trật tự đô thị, bảo đảm quy hoạch được thực hiện đúng, không để xảy ra việc xây dựng trái phép, phân lô bán nền trái quy hoạch. Nếu chính quyền nghiêm túc thực hiện các quy định để giữ gìn trật tự xây dựng thì ý thức của người dân cũng tăng lên rất nhiều. Điều còn lại bây giờ là chính quyền làm sao để quy hoạch được thực hiện tốt nhất để người dân được hưởng thụ cái mà họ đang có.

Một lãnh đạo huyện Hóc Môn chia sẻ thêm: Định hướng Hóc Môn lên quận hoàn toàn phù hợp với xu thế chung. Khi đó, việc sử dụng đất sẽ hiệu quả hơn, địa phương thu hút được các nhà đầu tư lớn, bản thân người dân cũng có điều kiện chuyển đổi đất đai, nhà cửa, được sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ... tốt hơn hiện tại rất nhiều. Vấn đề lớn nhất của Hóc Môn hiện nay vẫn là đầu tư để đạt các tiêu chí về giao thông, hạ tầng, cây xanh. Quy hoạch thì có nhưng trong thực tế chưa thực hiện được bao nhiêu.

Mục tiêu chuyển thành quận là một trong những trọng điểm mà Đại hội Đảng bộ huyện Hóc Môn nhiệm kỳ này đặt ra. Để đạt các tiêu chí thành quận vào năm 2025 thì phải có sự "tiếp sức" của chính quyền cấp trên trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội của huyện. Hiện nay, chưa có một quyết định chính thức nào về việc huyện Hóc Môn thành quận nên việc điều hành và các chỉ tiêu về sử dụng đất vẫn đang theo tiêu chí của một huyện.

"Người dân đừng nghĩ rằng một khi lên quận thì 100% diện tích đất sẽ được chuyển thành đất ở đô thị. Có được chuyển thành quận thì việc chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng cũng phải được thực hiện theo quy hoạch. Chính quyền sẽ kiểm soát chặt chẽ để quy hoạch được thực hiện theo đúng định hướng, không để xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép..." - vị lãnh đạo huyện Hóc Môn nói.

Sau năm 2030, TP.HCM có 4 huyện lên quận? Sau năm 2030, TP.HCM có 4 huyện lên quận?

TTO - Ngày làm việc thứ 2 của hội nghị Thành ủy TP.HCM sáng 30-11, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề tương lai phát triển của 5 huyện thuộc TP.HCM đến năm 2030.

NGỌC HÀ - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên