12/11/2021 12:11 GMT+7

TP.HCM: Ra mắt đội 'đặc nhiệm kiểm dịch' giúp các quận, huyện

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Đội phản ứng nhanh này sẽ giám sát tình hình phòng chống dịch ở 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Khi các địa phương có ổ dịch, đội sẽ hỗ trợ qua điện thoại, còn nếu cần sẽ đổ ngay quân xuống để "dập" ổ dịch.

TP.HCM: Ra mắt đội đặc nhiệm kiểm dịch giúp các quận, huyện - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở Y tế, HCDC... chụp hình cùng đội đặc nhiệm kiểm dịch - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Sáng 12-11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã tổ chức lễ ra mắt đội "đặc nhiệm" kiểm dịch.  

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc HCDC, do hoàn cảnh mới nên cần có một đội phản ứng nhanh với dịch bệnh nhanh, chuyên nghiệp hơn mới có thể can thiệp kịp thời. 

Mới đầu đội được đặt tên là "đội phản ứng nhanh" nhưng theo góp ý của nhiều chuyên gia nên sau đó đã được đổi tên thành "đội đặc nhiệm kiểm dịch" nhằm giám sát tình hình phòng chống dịch ở 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. 

Khi các địa phương có ổ dịch, đội sẽ hỗ trợ qua điện thoại, còn nếu các quận, huyện dập dịch không hiệu quả, hoặc dịch diễn biến phức tạp hơn thì đội này sẽ đổ ngay quân xuống để "dẹp" ổ dịch.

Bước đầu, đội đặc nhiệm này gồm có 8 đội nhỏ, mỗi đội nhỏ có 3 người. Trong 8 đội nhỏ này có 6 đội chuyên trách dân cư cộng đồng, còn 2 đội đặc biệt dành cho các khu công nghiệp, và HCDC sẽ tiếp tục đào tạo, tập huấn nhân lực cho đội đặc nhiệm này.

"Đội đặc nhiệm này như cánh tay nối dài của HCDC tới địa phương, hướng dẫn, can thiệp kịp thời công tác phòng chống dịch tại địa phương", ông Tâm nhận định. 

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết hằng ngày đội đặc nhiệm kiểm dịch này sẽ báo cáo tình hình cho ban giám đốc HCDC. Sở Y tế sẽ nghe báo cáo của ban giám đốc HCDC về tình hình dịch và những giải pháp can thiệp.

Ông Tăng Chí Thượng cam kết trước mắt ngành y tế TP.HCM sẽ củng cố các trạm y tế trong thời gian sắp tới, lâu dài sẽ kiến nghị Quốc hội về các chính sách cho trạm y tế. TP cũng dự kiến sẽ có một số chính sách động viên, giữ chân, thu hút nhân viên y tế đến công tác tại trạm y tế.

Ngoài ra, ngành y tế TP sẽ kiến nghị thí điểm cho bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành 18 tháng ở y tế tuyến cơ sở thay vì thực hành ở bệnh viện để lấy chứng chỉ hành nghề, trong đó 12 tháng ở trạm y tế và 6 tháng ở các bệnh viện.

Như vậy, mỗi năm tại TP.HCM sẽ có khoảng 400-500 bác sĩ luân phiên đến các trạm y tế để thực hành, điều này sẽ rất có lợi cho các bác sĩ cũng như các trạm y tế.

Các bác sĩ sẽ hiểu hơn về thực tế cộng đồng, hiểu người dân hơn để công tác cho tốt, còn trạm y tế cũng có lực lượng y tế đến công tác để triển khai được nhiều hoạt động.

Theo ông Tăng Chí Thượng, TP.HCM sẽ đẩy mạnh công nghệ để nâng cao năng lực kiểm dịch của TP bằng cách thu hút các doanh nghiệp, các chuyên gia công nghệ với ngành y tế, trong đó sẽ chủ động giải mã gene để phát hiện những biến thể của COVID-19, phân tích nước thải để biết vùng nào có nguy cơ cao mắc, vùng nào có nguy cơ thấp...

TP.HCM thành lập TP.HCM thành lập 'Đội đặc nhiệm hồi sức hô hấp' hỗ trợ điều trị COVID-19

TTO - Thành viên của 'Đội đặc nhiệm hồi sức hô hấp' bao gồm bác sĩ từ các bệnh viện đầu ngành trên địa bàn TP.HCM có nhiều kinh nghiệm trong vận hành các thiết bị hỗ trợ hô hấp.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên