22/03/2024 17:22 GMT+7

TP.HCM quy định nuôi chó, mèo phải đăng ký: Người nuôi lẫn không nuôi đều đồng tình!

Nhiều người bày tỏ sự đồng tình với đề xuất xây dựng quy định buộc người dân kê khai nuôi chó, mèo với chính quyền địa phương và quy định rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi để đảm bảo an toàn, tránh gây hại cho người khác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đề xuất quy định người dân phải kê khai chó, mèo với UBND cấp xã - Ảnh: TIẾN QUỐC

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đề xuất quy định người dân phải kê khai chó, mèo với UBND cấp xã - Ảnh: TIẾN QUỐC

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo nhằm thể chế hóa các chính sách về hoạt động chăn nuôi, quản lý chó, mèo, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân. Quy định này khi ban hành sẽ điều chỉnh hoạt động nuôi chó, mèo làm cảnh, kinh doanh, dịch vụ lưu trú, cứu hộ động vật và các mục đích khác trên địa bàn TP.HCM.

Quy định tạm thời quản lý chó, mèo ở TP.HCM có gì mới, làm sao chấp hành cho đúng?

Đáng chú ý, theo quy định, người dân phải đăng ký và kê khai việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã 2 lần/năm. Đồng thời, khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip trên chó, mèo nhằm quản lý phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch… 

Bên cạnh đó, chủ vật nuôi phải cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tiếng ồn, phòng chống và kiểm soát dịch bệnh từ chó, mèo…

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đa số độc giả đồng tình với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM và mong muốn quy định sớm được ban hành để ứng dụng vào thực tế.

Chị Trịnh Hồng Ngọc và thú cưng của mình - Ảnh: NVCC

Chị Trịnh Hồng Ngọc và thú cưng của mình - Ảnh: NVCC

Chị Trịnh Hồng Ngọc (quận 12) cho biết vì yêu thích động vật nên gia đình chị đang nuôi một con chó và ba con mèo. Theo chị Ngọc, trong khi nuôi mèo rất dễ thì chó lại có bản tính năng động, hoạt náo, ồn ào hơn. Hằng ngày, chị phải dắt chó ra ngoài đi dạo và đi vệ sinh.

Để tránh phiền hà đến những người xung quanh, gia đình chị chọn thuê nhà ở một khu vực thông thoáng, xung quanh cũng là những hộ có nuôi chó. Tuy nhiên, chính vì khu vực có nhiều người nuôi chó, đa số là thả rông nên xung đột cũng từ đó mà phát sinh.

Mỗi lần cho chó đi vệ sinh, chị đều cẩn thận xử lý chất thải nhưng những hộ gia đình khác lại không có ý thức này. Nhiều lần chị bị hàng xóm "đổ oan" là cho chó phóng uế bừa bãi. Chị chỉ biết nhốt chó trong nhà nhưng sợ chó trầm cảm, chị quyết định đưa chó về quê.

Trước đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, chị Ngọc rất đồng tình bởi cần thiết có quy định để mọi người dân đều có ý thức trong việc nuôi thú cưng, tạo điều kiện cho mọi người nuôi chó, mèo an toàn.

Tuy nhiên, chị Ngọc băn khoăn trước quy định tiếng ồn của chó không được vượt quá 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (từ 21h đến 6h). Theo chị Ngọc, tiếng chó sủa rất khó đo lường và kiểm soát theo thời gian. Thay vì quy định, chỉ nên yêu cầu người dân hạn chế thấp nhất việc phát sinh tiếng ồn.

Chị Lê Thị Bảy (quận Tân Bình) cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Chị cho biết khu phố mình ở có rất nhiều hộ dân nuôi chó, vấn đề phóng uế bừa bãi luôn là câu chuyện "nhức đầu". 

Mỗi sáng đi tập thể dục, chị rất khó chịu khi con đường đầy phân chó nhưng vì nhiều nhà nuôi chó nên không biết quy trách nhiệm cho ai. Chưa kể, nhiều gia đình nuôi chó rất hung hăng, gây khiếp sợ cho người dân khi đến khu phố.

Những ngày qua, Sở Y tế TP.HCM cũng liên tục cảnh báo về việc phòng chống bệnh dại. Hơn bao giờ hết, vấn đề nuôi chó, mèo cần được quản lý chặt chẽ và chính người nuôi cũng phải có ý thức, cam kết với chính quyền địa phương.

Tạo điều kiện để chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ những vấn đề liên quan đến thú cưng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Mai Trung - chủ tịch UBND phường 10, quận 8 - rất đồng thuận việc phải có quy định quản lý nuôi chó, mèo, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn.

Theo ông Trung, nghị định số 144/2021/NĐ-CP cũng có quy định để UBND phường xử lý những trường hợp nuôi thú cưng thả rông, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, UBND quận 8 đã chỉ đạo các phường thành lập đội chuyên trách xử lý chó, mèo thả rông; trong thời gian tới, UBND phường 10 cũng sẽ ra mắt đội xử lý chó, mèo trên địa bàn phường.

Tuy nhiên, hơn hết vẫn là ý thức trách nhiệm của từng người dân trong việc nuôi và quản lý thú cưng. Quy định này nêu rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi, những yêu cầu khi muốn nuôi thú cưng.

Khi người dân chủ động kê khai việc nuôi chó, mèo, UBND phường sẽ dễ dàng quản lý và chủ động hơn trong thực hiện các biện pháp phòng dịch trên động vật.

Để chặt chẽ hơn cần kiểm soát từ những điểm kinh doanh chó, mèo và đưa lĩnh vực này vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, lập giấy tờ điện tử cho chó, mèo và cung cấp cho người mua. Các cơ quan chức năng sẽ quản lý dựa trên giấy tờ điện tử để kiểm tra được xuất xứ, dịch tễ của thú cưng…

TP.HCM đề xuất nuôi chó, mèo phải đăng ký, khuyến khích gắn chipTP.HCM đề xuất nuôi chó, mèo phải đăng ký, khuyến khích gắn chip

Chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã và khuyến khích các hộ nuôi gắn chip điện tử trên chó, mèo để quản lý thông tin.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên