13/07/2019 09:31 GMT+7

TP.HCM nghiên cứu cách cấp giấy cho chung cư bị thế chấp ngân hàng

MAI HƯƠNG - TIẾN LONG
MAI HƯƠNG - TIẾN LONG

TTO - Sáng 13-7, ngày làm việc thứ ba kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình.

TP.HCM nghiên cứu cách cấp giấy cho chung cư bị thế chấp ngân hàng - Ảnh 1.

Ông Lê Hòa Bình - giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM tại phiên họp HĐND ngày 13-7 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đây là lần đầu tiên ông Lê Hòa Bình trả lời chất vấn trên cương vị người đứng đầu Sở Xây dựng.

Đại biểu Trần Thanh Trí chất vấn về thủ tục hoàn công. Cụ thể theo ông Trí, thủ tục hoàn công cho nhà ở riêng lẻ cho người dân còn nhiều bất cập. 

Chẳng hạn khi xin phép xây dựng thì cửa nằm bên phải, còn khi xây dựng người dân xin đưa qua bên trái. Chiều cao xin cấp phép 10,5m nhưng đang xây thì dân hết tiền chỉ xây một tầng thì không đủ chiều cao. Đến khi hoàn công dù xây đúng diện tích nhưng khác một số thiết kế khi xin phép thì lại không hoàn công được. 

"Thực tế diễn ra là xin phép như thế nào thì phải xây đúng vậy - đến từng chi tiết. Sở Xây dựng có hướng nào để gỡ vướng mắc này không?", ông Trí chất vấn.

TP.HCM nghiên cứu cách cấp giấy cho chung cư bị thế chấp ngân hàng - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thanh Trí nêu ý kiến tại phiên họp - Ảnh: TỰ TRUNG

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung hỏi tại sao xây dựng không phép, sai phép lại chủ yếu tập trung và kéo dài ở một số quận huyện như quận 2,7,9,12, Thủ Đức, Bình Tân. "Nguyên nhân là do đâu? Phải chăng có vấn đề bất cập về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch hoặc vướng mắc trong cấp phép xây dựng ở địa phương?" - bà Nhung đặt vấn đề.

Đại biểu Nhung cũng đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cung cấp thêm thông tin về 110 căn biệt thự xây dựng của tập đoàn Hưng Lộc Phát bị cáo buộc xây dựng sai phép.

Đại biểu Trương Lâm Danh thắc mắc về tình hình Về quản lý nhà chung cư. Theo luật nhà ở trước đây thì việc quyết định phần diện tích dành cho để xe do chủ đầu tư quyết định đó là phần diện tích chung hoặc diện tích riêng. Thế nhưng đến Luật nhà ở năm 2015 thì lại quy định nhà để xe là phần diện tích chung. 

"Như vậy Sở Xây dựng có giải pháp gì để giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tế về việc này hay không?", ông Danh nêu câu hỏi.

Ngoài ra, ông Danh cũng chất vấn giám đốc Sở Xây dựng về giải pháp chấn chỉnh tình trạng chung cư chưa hoàn thành nghiệm thu công trình, nghiệm thu PCCC đã đưa cư dân vào ở.

TP.HCM nghiên cứu cách cấp giấy cho chung cư bị thế chấp ngân hàng - Ảnh 3.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung - Ảnh: TỰ TRUNG

Nói về việc cấp giấy tại các chung cư bị chủ đầu tư đem giấy chứng nhận đi thế chấp ngân hàng, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình thừa nhận để giải quyết vấn đề này rất khó. 

Sở Xây dựng đã làm việc rất nhiều với các ngân hàng cho chủ đầu tư thế chấp để bàn giải pháp phù hợp. Hiện có hai cách giải quyết phù hợp. Thứ nhất là hướng dẫn người dân lập hết phần diện tích từng căn hộ, sau đó yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với ngân hàng đưa giấy chứng nhận để cấp giấy cho dân. 

Thứ hai, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ với ngân hàng để giải chấp giấy chứng nhận ra và cấp giấy cho cư dân. "Chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể khi lãnh đạo TP họp với sở Xây dựng, sở Tài nguyên - môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai TP và quận huyện", ông Bình nói.

Thông tin về việc dự án 110 biệt thự "xây chui" tại quận 7 của Công ty Hưng Lộc Phát, ông Bình cho biết dự án này đã được chấp thuận đầu tư, phê duyệt quy hoạch và thẩm định thiết kế kỹ thuật. 

Tuy nhiên giai đoạn thực hiện dự án có thiếu sót. Hiện sở Xây dựng đã có báo cáo đầy đủ với lãnh đạo UBND TP và Chủ tịch UBND TP đã kết luận yêu cầu kiểm tra dự án này. "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và kiểm tra lại toàn bộ việc thực hiện dự án này", ông Bình nói.

Ông Lê Hòa Bình trả lời về dự án Hưng Lộc Phát - Video: TỰ TRUNG

Trả lời thêm về vấn đề xây dựng không phép, sai phép, phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định có hai nhóm vi phạm là nhóm không có giấy chứng nhận nên xây "chui" và nhóm không có dự án nhưng tự vẽ dự án. Thực chất đứng sau "thao túng" là những nhóm "cò đất", môi giới nhà đất.

Ông Hoan nêu thực tế, thời gian qua trên địa bàn TP hình thành những nhóm theo hình thức công ty không có chức năng đầu tư bất động sản, hoặc có chức năng nhưng không có năng lực nên đi vẽ dự án "ma" trên đất không phù hợp quy hoạch để bán.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại không phối hợp phát hiện kịp thời. Mặt khác, việc kiểm tra công trình xây dựng sai phép, không phép không có sự liên kết giữa thanh tra sở và quận huyện, phường xã. Sắp tới TP sẽ đẩy mạnh mô hình liên kết thông tin các dự án để các cơ quan, đơn vị phối hợp kiểm tra.

Ông Võ Văn Hoan nói về việc xử lý trùm cò đất - Video: TỰ TRUNG

Mặt khác, theo ông Hoan, việc xử lý công trình sai phép, không phép cũng chưa tới nơi tới chốn. Cơ chế phối hợp xử phạt rất chậm. Các cơ quan thẩm quyền chưa nhận định rõ bản chất của các trường hợp nói trên là cố ý, cố tình vi phạm phát luật, gây mất an ninh trật tự. 

"Không có chuyện tại một địa phương mà có việc tự tiện xây dựng như vậy. Chúng ta phải nhận diện, chỉ đích danh và xử lý nghiêm minh đối với đầu nậu, cò đất. Không để họ tự tung tự tác", ông Hoan nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết sẽ chỉ đạo các quận huyện rà soát lại các dự án chung cư, trong có dự án nào chưa thể cấp giấy cho người dân, xem nguyên nhân gốc rễ là ở đâu, tổng hợp báo cáo TP xem xét hướng giải quyết.

Ngoài ra, TP sẽ xử nghiêm những trường hợp chủ đầu tư cố tình xây không phép, sai phép. Biện pháp xử lý có nhiều cách: từ không cung cấp điện, nước cho công trình, không cho đầu tư dự án khác, cưỡng chế tài chính thông qua các tài khoản, thậm chí nếu vi phạm nghiêm trọng có thể tính toán đến phương án áp dụng biện pháp xử lý hình sự.

"Những trường hợp sai phạm như vậy không thể chấp nhận. Đầu nậu nếu không đủ lực mà làm ăn gian dối nếu cần thiết thì cũng phải xử lý hình sự", ông Hoan nói.

Phát biểu cuối phần chất vấn Giám đốc sở Xây dựng, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ bà quan tâm câu hỏi vì sao tình trạng xây dựng không phép, sai phép "nở rộ" tại các quận, huyện vùng ven và trăn trở trước nhu cầu cần có nhà ở của người dân, nhất là người dân nghèo.

Theo bà Tâm, ý kiến của phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoa về nhận diện xử lý nghiêm đầu nậu, cò đất là đúng. Nhưng với những người dân nghèo, ki cóp cả đời để mua khu đất, giờ xây nhà lên bị tháo dỡ thì họ ở đâu, xử lý như thế nào?

TP.HCM nghiên cứu cách cấp giấy cho chung cư bị thế chấp ngân hàng - Ảnh 6.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: "Những người dân nghèo, ki cóp cả đời để mua khu đất, giờ xây nhà lên bị tháo dỡ thì họ ở đâu, xử lý như thế nào?" - Ảnh: TỰ TRUNG

Bà Tâm chia sẻ, UBND TP và các quận huyện phải xem lại trách nhiệm quản lý của mình. Việc xử lý cán bộ không nghiêm và buông lỏng quản lý xây dựng của cán bộ cơ sở đã dẫn đến tình trạng người dân xây dựng sai phép, không phép. Vì sao cơ quan quản lý biết chuyện xây dựng không phép, sai phép nhưng không xử lý triệt để, tận gốc?

Ngoài ra, bà Tâm cũng đề nghị lãnh đạo TP phải suy nghĩ đến nhu cầu của người dân, nhất là dân nghèo. Đây là nhu cầu thực, được hiến pháp quy định. Do vậy, TP phải đánh giá lại việc xây nhà ở xã hội, các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đã hấp dẫn doanh nghiệp làm nhà ở xã hội hay chưa. 

"Mong giám đốc sở Xây dựng suy nghĩ để đề xuất với HĐND những chính sách ưu đãi chủ đầu tư làm nhà ở xã hội cho người dân. Đây mới là những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng xây dựng không phép, sai phép", bà Tâm đề nghị.

TP.HCM mạnh tay xử lý xây dựng không phép TP.HCM mạnh tay xử lý xây dựng không phép

TTO - Ngày 11-7, tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu đã dành thời gian phân tích, mổ xẻ nguyên nhân gốc rễ của tình hình vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp, kéo dài trên địa bàn TP và đưa ra các giải pháp.

MAI HƯƠNG - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: xây dựng hoàn công