Xe taxi Tập đoàn Mai Linh được chuyển đổi công năng thành xe taxi cấp cứu - Ảnh: CHÂU TUẤN
Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 11-8. Theo đó, mỗi trạm vệ tinh được trang bị 20 xe cấp cứu với 280 nhân viên y tế và nhân viên chuyên môn khác.
Các trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến hoạt động trên cơ sở trưng dụng, chuyển đổi công năng một số xe vận chuyển hành khách thuộc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang (Futa Bus Lines) và Tập đoàn Mai Linh.
Các trạm này chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM và Trung tâm Cấp cứu 115, cũng như hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế.
Nhiệm vụ của các trạm là cấp cứu người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19, và vận chuyển đến cơ sở điều trị phù hợp.
Nhân sự, tổ chức quản lý sắp xếp của các vệ tinh phải đảm bảo nguyên tắc 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
Các cơ sở y tế đóng trên địa bàn có trách nhiệm phân công, biệt phái nhân viên y tế của bệnh viện, bố trí thành lực lượng y tế theo xe cấp cứu của các trạm.
UBND TP Thủ Đức và các quận huyện nơi có đặt trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 phải bàn giao cơ sở hạ tầng, hỗ trợ công tác hậu cần tạo điều kiện cho các trạm cấp cứu thực hiện công tác tại địa phương.
Sở Lao động - thương binh và xã hội tham mưu UBND TP.HCM quyết định mức chi trả cho người lao động tại Công ty Phương Trang và Tập đoàn Mai Linh trong thời gian tham gia trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115. Sở Tài chính và Sở Y tế được giao tham mưu bố trí kinh phí hoạt động cho các trạm này.
Các trạm cấp cứu vệ tinh tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận