14/09/2020 14:10 GMT+7

TP.HCM - Đồng Nai: Nhiều cây cầu chờ nối nhịp

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Nhiều năm qua hai địa phương TP.HCM và Đồng Nai cũng như các bộ, ban ngành tính toán cần xây dựng thêm nhiều cầu kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ giữa địa phương mà cho cả khu vực Đông Nam Bộ.

TP.HCM - Đồng Nai: Nhiều cây cầu chờ nối nhịp - Ảnh 1.

Nhiều năm nay, phà Cát Lái thường quá tải, người dân mong chờ cầu Cát Lái để không còn cảnh lụy phà - Ảnh: Quang Định

Cụ thể khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM, Đồng Nai) trở nên quá tải, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý và giao Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long nghiên cứu mở rộng cao tốc này lên 6-8 làn xe. Đồng thời phải xây dựng thêm cầu Long Thành mới nằm song song với cầu hiện hữu trên tuyến cao tốc này. 

Việc mở rộng tuyến cao tốc này và xây thêm cầu Long Thành mới ngoài chia sẻ áp lực với tuyến cao tốc hiện tại còn tính tới việc kết nối đến sân bay Long Thành trong tương lai.

Còn ở dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An, TP.HCM và Đồng Nai) cũng đang triển khai thi công xây dựng cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu kết nối huyện Cần Giờ, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. 

Đến nay, dự án xây cầu Phước Khánh đã thi công đạt hơn 80% khối lượng. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên cấp thẩm quyền đang xem xét gia hạn thời gian thực hiện dự án cao tốc này đến năm 2024.

Với tuyến cao tốc và cầu Phước Khánh, người dân từ các tỉnh miền Tây đến TP.HCM đi các tỉnh miền Đông, đặc biệt là Vũng Tàu thuận lợi vì rút ngắn thời gian so với các tuyến đường khác, lưu thông hàng hóa cũng thuận tiện hơn.

Mới đây, lãnh đạo Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết trong năm 2021 sẽ khởi công dự án xây dựng cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai. 

Cầu này sẽ rút ngắn hành trình từ Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa, tăng cường trao đổi thương mại, phân luồng từ xa và giảm ách tắc giao thông cho các tuyến đường nội thị ở TP.HCM. Đây cũng là cầu nằm trong tuyến đường Vành đai 3, giúp kết nối liên thông khu vực Đông - Tây Nam Bộ. Dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2024, vốn đầu tư khoảng 2.200 tỉ đồng.

Đặc biệt, từ nhiều năm qua, người dân hai địa phương TP.HCM, Đồng Nai đều muốn sớm có một cây cầu thay thế phà Cát Lái. Bởi bến phà Cát Lái thường xuyên bị ùn ứ trong những ngày lễ, tết, kể cả những ngày cuối tuần do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. 

Có cầu Cát Lái, tuyến đường đi từ quận 2 (TP.HCM) qua Nhơn Trạch (Đồng Nai) được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu - Đồng Nai.

Tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái. Dự án có vốn đầu tư khoảng 7.200 tỉ đồng này được chia làm 3 thành phần. Trong đó phần đường dẫn phía quận 2 dài 623m sẽ do TP.HCM thực hiện, đường dẫn phía Nhơn Trạch và phần cầu chính sẽ do Đồng Nai phụ trách.

Cầu Cát Lái gần 20 năm chờ đợi! Cầu Cát Lái gần 20 năm chờ đợi!

TTO - Suốt 2 thập niên, cầu Cát Lái nối đôi bờ TP.HCM và Đồng Nai vẫn là mơ ước của người dân ở hai địa phương này.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên