04/12/2024 13:33 GMT+7

TP.HCM: Đề xuất trao quyền cho quận, huyện xử lý đất công dôi dư để chống lãng phí

Một số địa phương có quỹ đất công tồn tại nhiều khu đất diện tích nhỏ lẻ, nhiều khu chỉ khoảng hơn 10m², đại biểu đề nghị 'trao quyền' cho các quận, huyện trong việc quản lý, khai thác, sử dụng chống lãng phí.

Đại biểu TP.HCM đề xuất các giải pháp chống lãng phí đất công  - Ảnh 1.

Tổ thảo luận trao đổi về chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công - Ảnh: HỮU HẠNH

Tại phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 34 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) sáng 4-12, các đại biểu tập trung thảo luận về những bất cập trong quản lý tài sản công, đất công gây lãng phí.

Nhiều công trình trên đất công đình trệ, bỏ hoang lãng phí

Đại biểu Cao Thanh Bình, trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết tình trạng chậm trễ tại các dự án lớn của TP đã gây bức xúc kéo dài trong cử tri. Cụ thể, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng vẫn chưa được đưa vào vận hành, gây thiệt hại lớn khi TP phải chịu thêm lãi vay ngân hàng. Nếu dự án này sớm hoàn thành, TP có thể tiết kiệm đáng kể bằng cách giảm đầu tư vào các dự án nhánh nhỏ chống ngập khác.

Ông Bình cũng chỉ ra nhiều công trình bị bỏ hoang, như 12.500 căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm, 154 căn nhà ở phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức), Trường Trần Văn Kiểu (quận 6), và Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng.

"Người dân rất nóng lòng. Trung ương cũng đã có chỉ đạo mạnh mẽ. TP cần hành động quyết liệt để giải quyết những tồn đọng này, đảm bảo hiệu quả đầu tư và đáp ứng nguyện vọng của cử tri", ông Bình khẳng định.

Liên quan vấn đề lãng phí, đại biểu Nguyễn Văn Đức, chủ tịch UBND quận 12, cho biết hiện nay trên địa bàn TP.HCM, bao gồm cả quận 12, vẫn còn nhiều vị trí đất công chưa được khai thác hiệu quả. Đáng chú ý, một số đơn vị cấp trung ương tại quận 12 được giao đất nhưng không sử dụng. Thậm chí có đơn vị cho thuê nhà xưởng hoặc vi phạm quy định về xây dựng, trong khi địa phương lại thiếu quỹ đất để phát triển các công trình công cộng như trường học, công viên.

Những đề xuất của quận nhằm sử dụng các khu đất này thường phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp và không được chấp thuận, dẫn đến lãng phí nghiêm trọng. Ông Đức dẫn chứng, tại quận 12 có một hồ bơi được xây dựng từ khoảng năm 1990, nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì phải chờ phê duyệt theo nghị định 151. Dù quận đã gửi đề án lên các sở liên quan từ nhiều năm nhưng vẫn chưa được thông qua.

Đại biểu kiến nghị TP cần sớm có giải pháp cụ thể, như phê duyệt các đề án theo nghị định 151 hoặc ban hành hướng dẫn rõ ràng, phân cấp phân quyền để địa phương khai thác hiệu quả tài sản công, phục vụ thiết thực cho nhu cầu của người dân.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để chống lãng phí

Đại biểu Trần Thanh Tùng, bí thư Quận ủy quận 8, đồng tình với ý kiến của chủ tịch UBND quận 12 về việc cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý, đặc biệt là để chống lãng phí. Ông đề xuất nghiên cứu trao quyền cho các quận trong việc phê duyệt các đề án sử dụng tài sản công với giá trị cụ thể.

Hiện nay, quận 8 có rất nhiều mặt bằng nhà đất bỏ trống, gây lãng phí, dù địa phương đã nhiều lần đề xuất phương án nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Ngoài ra, quỹ đất công tại các quận, huyện còn tồn tại nhiều diện tích nhỏ lẻ, dôi dư.

Ông Tùng kiến nghị cần sớm ban hành hướng dẫn, cơ chế cho phép quận, huyện được xem xét bán lại những mảnh đất này cho người dân lân cận, thay vì để địa phương quản lý hàng trăm khu đất chỉ hơn 10m2. Việc quản lý số lượng lớn đất nhỏ lẻ này không chỉ khó khăn mà còn dễ dẫn đến tình trạng lấn chiếm, gây thêm thách thức cho địa phương.

Đẩy mạnh quy hoạch đô thị, phát triển mạnh khu vực tây bắc TP.HCM

Đại biểu Nguyễn Văn Đức, chủ tịch UBND quận 12, cho rằng quy hoạch đô thị gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là yếu tố then chốt để TP.HCM bước vào kỷ nguyên mới. Theo ông, việc quy hoạch tốt, đi đôi với quản lý hiệu quả, là nền tảng giúp các địa phương phát triển bền vững.

Ông Đức đặc biệt nhấn mạnh về tiềm năng phát triển khu vực tây bắc TP.HCM, trong đó quận 12 đóng vai trò trung tâm. Hiện nay, TP chủ yếu tập trung đầu tư vào hướng đông và hướng nam, trong khi tây bắc lại có lợi thế lớn về hạ tầng giao thông, bao gồm đường bộ, đường thủy và đường không, cùng quỹ đất rộng.

Đại biểu TP.HCM đề xuất các giải pháp chống lãng phí đất công - Ảnh 3.Bí thư Thành ủy TP.HCM: Đề xuất sửa đổi quy định sử dụng tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản về sắp xếp, sử dụng tài sản công.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên