05/04/2018 15:53 GMT+7

TP.HCM đẩy mạnh việc phân loại rác thải rắn tại nguồn

Nguồn: Tin Tức/ Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Tin Tức/ Thông tấn xã Việt Nam

Việc thực hiện phân loại rác thải rắn tại nguồn chưa đạt hiệu quả cao do triển khai còn nửa vời, chưa sâu sát với thực tế.

TP.HCM đẩy mạnh việc phân loại rác thải rắn tại nguồn - Ảnh 1.

Người dân cần nghiêm túc thực hiện phân loại rác thải rắn tại nguồn để bảo vệ môi trường sống của chính mình. Ảnh minh họa

Sắp tới, TP.HCM sẽ nhân rộng việc phân loại này bằng cách huy động nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia, nhằm tăng hiệu quả.

Hiệu quả chưa cao

Bà Lê Minh Huệ (quận Phú Nhuận) cho biết, công tác phân loại rác thải rắn tại nguồn hiện nay không thuyết phục người dân làm theo. "Tôi thực hiện phân loại rác tại nhà như rác sinh hoạt để riêng, rác chai nhựa để riêng, nhưng người thu gom lại không để riêng mà... quẳng chung hết vào xe. Vậy thì nói người dân phân loại rác làm gì. Đó là chưa kể kêu gọi người dân phân loại rác nhưng có nơi làm, nơi không làm. Vô hình chung, những địa phương thí điểm phân loại rác thải rắn tại nguồn bị "lọt thỏm" xung quanh các địa phương khác không thực hiện phân loại".

Theo ghi nhận của phóng viên, khi hỏi về việc phân loại rác tại nguồn, nhiều người dân kiến nghị: "Sao không nhân rộng toàn thành phố, mà làm thí điểm?". Tuy nhiên, được biết muốn nhân rộng toàn Thành phố cũng không hề đơn giản, bởi hiện nay có quá nhiều đơn vị thu gom rác dân lập, thành phố có điều kiện để cung cấp xe phân loại thải tại nguồn cho các đơn vị thu gom rác dân lập hay không cũng phải tính đến, cung với đó, kinh phí phân loại rác thải rắn tại nguồn cũng không nhỏ...

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, cho biết việc phân loại rác tại nguồn được Hội thực hiện theo Nghị quyết 03 của Thành phố. Để tăng hiệu quả phân loại rác, đơn vị vừa tuyên truyền bề nổi vừa tuyên truyền bề sâu ở khắp khu dân cư, chợ, nhà trọ, nơi có đông người dân sinh sống, làm việc. Theo đó, đơn vị cũng đã thực hiện chương trình biến rác thải thành tiền, trong đó có kế hoạch tự thu gom rác thải tặng cho học sinh để làm công tác xã hội. Hiện đơn vị đã xây dựng được khoảng 200 tổ chuyên thu gom rác tại nguồn trên địa bàn.

"Tuy nhiên, nhận thức và hành động phân loại rác tại nguồn của người dân không đồng nhất, ví dụ tỷ lệ tuyên truyền đạt 80% nhưng hiệu quả thực hiện chỉ đạt 30%. Trong các địa phương thực hiện thí điểm có nơi đạt 30%, có nơi đạt 70 – 80%", bà Hoa cho biết thêm.

Tương tự, ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho hay năm 2015, quận 12 được thực hiện chọn thí điểm với hơn 190 điểm dân cư tham gia. Năm 2016 tiếp tục có 4.500 em học sinh tham gia. Năm 2017, quận quyết định không thí điểm mà thực hiện trên toàn quận, tuy nhiên chỉ đạt 30% hiệu quả. Như vậy, kết quả không đạt như mong muốn do người dân chưa chủ động, vì dân nhập cư lớn.

Tạo thói quen mới

Theo ông Cao Triệu Yên, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 6, chương trình phân loại rác thải rắn tại nguồn được thực hiện đã dần dần tạo thói quen cho người dân. Thời gian đầu thực hiện, hộ gia đình tham gia ít, khi được tuyên truyền thì hiệu quả có tăng lên. Kết quả có một số địa bàn có khoảng 50% hộ gia đình tham gia, trong đó có 30% thực hiện phân loại đúng. Vì vậy, muốn công tác này đạt hiệu quả cần phải tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Việc tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên để xây dựng thói quen mới cho người dân từ trong ý thức, khi bỏ rác là phải phân loại rác thải ngay tại nguồn.

TP.HCM đẩy mạnh việc phân loại rác thải rắn tại nguồn - Ảnh 2.

Việc phân loại rác thải rắn tại nguồn cần thực hiện đồng bộ từ nhà dân đến những đơn vị thu gom rác

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết: "Sau 9 tháng thực hiện thu gom, phân loại rác thải rắn tại nguồn, hiệu quả chưa cao, công tác này còn nhiều lúng túng. Người dân ủng hộ tỷ lệ cao, nhưng đội ngũ thu gom rác thải có vấn đề, không quản lý được. Vì vậy sắp tới, thành phố cần phải quản lý để chuyển đổi mô hình từ rác dân lập thành hợp tác xã. Không thể đội ngũ thu gom rác lộn xộn như thời gian qua, đồng thời cũng thống nhất đầu mối quản lý thu gom rác để có hướng giải quyết kịp thời", bà Tâm cho biết.

Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành môi trường cho rằng, muốn công tác phân loại rác thải rắn tại nguồn đạt hiệu quả phải tạo động lực cho người dân thực hiện và có cách làm hợp tình, hợp lý. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cách làm chưa hiệu quả, cần triển khai đồng loạt chứ không cần thí điểm, nghĩa là tất cả mọi người phải cùng tham gia. Nếu không làm thì phạt hoặc không lấy rác nhà họ nữa, bởi chỉ khi có chế tài đủ mạnh mới hy vọng người dân nghiêm túc thực hiện.

Nguồn: Tin Tức/ Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên