Thông tin trên được nêu từ tọa đàm “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP”, tổ chức ngày 7-11.
Phát biểu tại đây, bà Ngô Thị Phương Lan, hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), nói rằng tọa đàm là hoạt động thiết thực đánh giá lại kết quả thực hiện chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan.
Xác định công tác chính trị tư tưởng trong cơ sở giáo dục đặc biệt quan trọng, trong thời gian qua, Thành ủy TP.HCM đã dành nhiều sự quan tâm chỉ đạo để nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị đối với công tác này.
Cấp ủy các trường học chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị trong học sinh, sinh viên thông qua công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng.
“Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao bản lĩnh chính trị, truyền thống cách mạng, ý thức đạo đức, trách nhiệm công dân”, bà Lan nói.
Ông Nguyễn Minh Hải - trưởng phòng báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - cho rằng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua gần 20 năm thực hiện đã có sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, có tác động rất tích cực đến học sinh, sinh viên.
Nhưng thực tế, sự tác động không nhỏ của các biểu hiện đạo đức xã hội khiến nhận thức và thực hành về đạo đức cũng như lý tưởng sống của thanh niên vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Nhiều bài tham luận của tọa đàm đưa ra giải pháp đồng bộ trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về sinh hoạt chính trị, tư tưởng của các đảng bộ, chi bộ và các đoàn thể trong nhà trường.
Cải tiến nội dung giáo trình và phương pháp giảng dạy để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục các môn lý luận chính trị. Đặc biệt là công tác cung cấp thông tin thời sự, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước cho giáo viên, học sinh, sinh viên…
TP.HCM có hơn 36.000 đảng viên trong cơ sở giáo dục
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP có 58 cơ sở giáo dục đại học, 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 2.341 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông chuyên biệt.
Số lượng đảng viên trong nhà trường là 36.837 đảng viên, trong đó cán bộ nhân viên là 7.059 đảng viên, giảng viên - giáo viên là 26.536 đảng viên, sinh viên là 3.188 đảng viên và học sinh là 54 đảng viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận