Cụ thể, đối tượng áp dụng là nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng; phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn TP và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.
Sở Xây dựng TP.HCM đã triển khai 3 bước hướng dẫn cách thức lập mẫu bản vẽ dạng sơ đồ để người dân tham khảo.
Bước 1: Xác định chỉ tiêu xây dựng nhà ở riêng lẻ
Các lô đất dự kiến xây dựng loại hình công trình nhà liên kế phải đảm bảo quy mô diện tích phù hợp quy hoạch tối thiểu 36m2, có chiều rộng mặt tiền tại vị trí tiếp giáp lộ giới và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng không nhỏ hơn 3m. Đối với lô đất không đảm bảo yêu cầu sẽ áp dụng theo quy định tại điểm 2 phụ lục 18 của quyết định 56 về quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM.
Mật độ xây dựng (thấp hơn 50m2: 100%; 100m2: 90%; 200m2: 70%; 300m2: 60%; 500m2: 50%). Tầng cao nhà liên kế không quá 3 tầng.
Hệ số sử dụng đất nhà liên kế bằng tổng diện tích sàn xây dựng chia cho diện tích lô đất phù hợp quy hoạch. Hệ số sử dụng đất đối với nhà liên kế có thể khác hệ số sử dụng đất trung bình của ô chức năng.
Khoảng lùi xây dựng công trình và độ vươn ban công, ô văng được Sở Xây dựng quy định tại điểm 6 và điểm 10, phụ lục 18 của quyết định 56.
Bước 2: Thể hiện nội dung thông tin về đất ở
Hộ gia đình, cá nhân lập bản vẽ hiện trạng vị trí có thể hiện thông tin về đất đai có thể hiện các nội dung, bao gồm: thửa đất, tờ bản đồ, diện tích theo hiện trạng, diện tích không phù hợp quy hoạch (diện tích thuộc phạm vi lộ giới và diện tích thuộc hành lang cống thoát nước (nếu có), diện tích được công nhận và diện tích không được công nhận.
Đồng thời, cần có bảng liệt kê tọa độ góc ranh (theo hệ tọa độ VN 2.000); sơ đồ vị trí có thể hiện vị trí khu đất và các lô đất liền kề; bản vẽ vị trí có tỉ lệ 1/500 có thể hiện điểm góc ranh, kích thước lộ giới hoặc hẻm và ranh đất, ranh lộ giới, chỉ giới xây dựng.
Bước 3: Thể hiện nội dung quy mô xây dựng nhà ở riêng lẻ
Hộ gia đình, cá nhân tiến hành lập bản vẽ thiết kế thể hiện các nội dung: địa chỉ, cấp (hạng) nhà ở, kết cấu nhà, chiều cao công trình, tổng diện tích sàn xây dựng, diện tích sàn xây dựng của từng tầng; mặt bằng tầng 1; mặt bằng các tầng lầu (tầng lửng - nếu có); mặt đứng và mặt cắt.
Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng kèm bản vẽ thiết kế theo mẫu, người dân được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng công trình hoặc thuê tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu xây dựng lập. Trong đó việc bố cục các hạng mục nội thất bên trong căn nhà sẽ do chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng tự quyết định và phải chịu trách nhiệm về an toàn cho bản thân công trình và các công trình kế cận.
Đề xuất một bản vẽ cho hai thủ tục nhà ở
Theo Sở Xây dựng, năm 2017 UBND TP ban hành quyết định về quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP. Quy trình này là cơ sở pháp lý để các quận, huyện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ qua mạng Internet. Tuy nhiên, thành phần bản vẽ thiết kế đề nghị cấp giấy phép xây dựng cũng chính là hạn chế của quy trình này.
Trước đó, Sở Xây dựng cho biết đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường có tờ trình UBND TP.HCM thông qua mẫu bản vẽ để sử dụng chung cho hai thủ tục hành chính, gồm: cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận. Khi được thông qua, nhất là công trình riêng lẻ, người dân chỉ cần sử dụng một bản vẽ cấp phép cho hai thủ tục hành chính. Mẫu bản vẽ mới này sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP.
Sở Xây dựng cho rằng theo quy định về giấy chứng nhận, bản vẽ sơ đồ nhà, đất có thể hiện diện tích xây dựng các tầng, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ. Sau khi xây dựng xong công trình và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cũng chỉ thể hiện dạng sơ đồ mặt bằng các tầng. Từ đó việc đề xuất bản vẽ thiết kế cấp giấy phép xây dựng sử dụng dạng sơ đồ để dùng chung cho cả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là có cơ sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận