Nhiều chuyên gia cho rằng công trình nhà ở riêng lẻ nằm trên mặt đường Trần Phú (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) có đến 4 tầng hầm sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao - Ảnh: Q.THẾ
Ngày 30-12-2021, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 32 quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP, theo đó đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày 10-1 phải có lối thoát nạn.
Trước quy định này, nhiều người dân - nhất là đang ở trong các khu ngõ, hẻm - phàn nàn, cho rằng quy định mới sẽ khó thực hiện do những căn nhà trong ngõ, hẻm không thể mở được lối thoát nạn.
Tuy nhiên, ngày 14-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (ủy viên thường trực ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho biết quyết định này "rất cần thiết để ngăn chặn cháy nổ".
"Các quốc gia phát triển quy định rất chi tiết nội dung này khi xây dựng công trình. Theo tôi, cơ quan chuyên môn cần phải có hướng dẫn chi tiết hơn để người dân thực hiện".
Theo ông Ánh, nhiều vụ cháy ở các đô thị, trong đó có Hà Nội và TP.HCM cho thấy thiệt hại rất lớn về tài sản cũng như con người. Để giảm các vụ cháy thương tâm, cần thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy cũng như bắt buộc phải có lối thoát nạn. Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nếu không đảm bảo an toàn phòng cháy thì nhất quyết không cho hoạt động.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết: "Việc Hà Nội đưa ra quy định nhà riêng lẻ phải có lối thoát nạn là cần thiết, tuy nhiên không nên áp dụng máy móc vì nhà ở mỗi khu vực khác nhau".
Theo ông Tùng, quy định phòng cháy, chữa cháy phải có lối thoát nạn khi xây dựng nhà ở riêng lẻ cần phải được ban hành từ nhiều năm trước.
"Bộ Xây dựng cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy nhà ở, trong đó có nhà ở đô thị, khu đô thị mới, để áp dụng trên cả nước. Người dân cũng cần phải nâng cao ý thức để bảo vệ mình, không nên bịt kín cửa sổ, bancông vì khi xảy ra cháy không có đường thoát", ông Tùng nói.
Theo điều 6, quyết định số 32 của UBND TP Hà Nội về "an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ" thì gian phòng để ở phải bố trí gần cầu thang, lối ra thoát nạn và ngăn cách với khu vực, gian phòng có bảo quản vật dụng, thiết bị dễ cháy.
Ngoài ra nhà có tầng hầm, tầng bán hầm phải có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói lan lên tầng trên qua cầu thang bộ, giếng thang máy, trục kỹ thuật của nhà…
Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, điều 7 quyết định 32 quy định: "Bố trí mặt bằng công năng sử dụng trong nhà không được bố trí các gian phòng có hàng nguy hiểm, dễ cháy. Gian phòng sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cháy, ngăn khói với khu vực để ở của hộ gia đình, cầu thang bộ chung của các tầng và lối ra thoát nạn tại tầng 1 của nhà".
Các công trình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh đã đưa vào hoạt động, sử dụng trước thời điểm quyết định 32 có hiệu lực thì phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Các nhà không có chức năng ở cho hộ gia đình, các căn hộ trong nhà chung cư, nhà tập thể không bắt buộc áp dụng quy định này.
Theo quyết định số 32 của UBND TP Hà Nội, nhà ở riêng lẻ (hay nhà ở hộ gia đình) là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm: nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.
Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là nhà ở riêng lẻ, ngoài phần diện tích để ở còn sử dụng một phần diện tích để làm nơi sản xuất, kinh doanh hoặc công trình phụ trợ phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận