24/08/2019 10:23 GMT+7

TP.HCM: Cổ phần hóa DNNN chậm do 'nhiều đơn vị chưa tròn trách nhiệm'

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Theo phê duyệt của Thủ tướng (tháng 10-2012), UBND TP.HCM thực hiện cổ phần hóa 77 DN do Nhà nước nắm giữ trên và dưới 50% vốn điều lệ. Trong đó, giai đoạn 2012 - 2015 phải thực hiện CPH 29 DN, giai đoạn sau 2015 là 48 DN.

TP.HCM: Cổ phần hóa DNNN chậm do nhiều đơn vị chưa tròn trách nhiệm - Ảnh 1.

Công ty SJC (TP.HCM) sẽ được cổ phần hóa - Ảnh: Q.ĐỊNH

Không đạt kế hoạch

Tuy nhiên, kết luận thanh tra của Thanh tra TP cuối năm 2018 "về thanh tra trách nhiệm của Ban đổi mới quản lý DN trong việc tham mưu, đề xuất đối với công tác sắp xếp, đổi mới và CPH DN nhà nước trực thuộc UBND TP" đã cho thấy kết quả thực hiện không đạt kế hoạch.

Điển hình như Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu hoạt động kém hiệu quả trong thời gian dài. Theo phương án sắp xếp DN giai đoạn 2009 - 2010, hãng phim này phải CPH nhưng không thực hiện xong phải chuyển sang cổ phần ở giai đoạn 2012 - 2015. 

Tuy nhiên, sau đó UBND TP thay đổi chủ trương để củng cố toàn diện hãng phim, sẽ CPH vào cuối năm 2015. Thế nhưng đến thời điểm thanh tra, hãng phim này vẫn chưa được CPH. Theo báo cáo của Ban đổi mới quản lý DN, hãng phim đợi để được CPH cùng lúc với công ty mẹ (Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn - TNHH MTV).

Cùng thời điểm sắp xếp đã 10 năm như Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu có Công ty chế biến thực phẩm Hùng Vương, Công ty Vật phẩm văn hóa, Công ty Dệt Sài Gòn đến thời điểm thanh tra cũng chưa thực hiện xong. 

Trong 29 DN phải thực hiện CPH giai đoạn 2012 - 2015, Ban đổi mới quản lý DN mới tham mưu cho TP thực hiện cổ phần 24 trường hợp. Tuy vậy có đến 20/24 DN chưa thực hiện xong thủ tục quyết toán chuyển thể.

Ngoài Saigontourist với nhiều sai phạm làm chậm quá trình CPH, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghệ cao cũng được TP thay đổi phải chờ để tiến hành cùng lúc với DN có ngành nghề liên quan. 

Còn Công ty TNHH MTV xây dựng Bình Minh cũng trễ hạn CPH khi phát sinh việc khởi kiện từ công ty liên doanh với công ty này phải giải quyết. Việc trễ hạn CPH của Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh là do vướng một số nội dung kết luận thanh tra chưa thực hiện xong...

Không chỉ "tại - bởi - vì - do..." nghị định 126

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra tình trạng CPH đối với 39 DN TP phải CPH năm 2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên thời điểm kết thúc thanh tra của Thanh tra TP, "39 DN trên vẫn chưa thực hiện xong các trình tự thủ tục pháp lý theo quy định để thực hiện CPH. Khả năng năm 2018 khó thực hiện CPH theo chỉ đạo...".

Giải trình về nguyên nhân trễ hạn, Ban đổi mới quản lý DN cho rằng vướng mắc, khó chung, nhất là do từ đầu năm 2018 phải thực hiện theo quy định nghị định số 126. Trong khi phương án sử dụng đất chưa được TP phê duyệt, chưa giao tài sản cho DN để CPH... 

Tuy nhiên kết luận thanh tra chỉ ra các thiếu sót, khuyết điểm, tồn tại thuộc về lãnh đạo Ban đổi mới quản lý DN và các tổ chức, cá nhân thuộc ban có liên quan các thời kỳ.

Qua thanh tra cho thấy quá trình CPH 39 DN giai đoạn 2016 - 2020 Ban đổi mới quản lý DN chỉ có 21 tờ trình tham mưu cho UBND TP, Ban cán sự Đảng UBND TP để trình thường trực Thành ủy phê duyệt phương án CPH. Trong đó có đến 18 tờ trình không tổ chức cuộc họp tập thể các thành viên của ban gồm lãnh đạo các sở, ngành có liên quan để thống nhất ý kiến trước khi trình.

Đồng thời, 19/21 tờ trình cũng chưa đúng với tiêu chí xác định tỉ lệ Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ của DN khi thực hiện CPH, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm và thực hiện không nghiêm việc tham mưu, đề xuất tỉ lệ Nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ DN sau CPH.

Bên cạnh đó, khi 39/39 DN phải thực hiện CPH trong năm 2018 bị quá hạn hoặc hết hạn công bố giá trị DN tính từ thời điểm UBND TP có văn bản chấp thuận thời điểm xác định giá trị DN, Ban đổi mới quản lý DN chưa tham mưu, đề xuất phương án xử lý trình UBND TP chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục.

Ngoài ra, Ban đổi mới quản lý DN cũng chưa thẩm tra, trình phê duyệt danh sách lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nào; chưa thẩm định và trình duyệt phương án CPH đối với DN nào...

Trách nhiệm đối với các thiếu sót, khuyết điểm, tồn tại trong việc tham mưu thực hiện CPH 29 DN giai đoạn 2012 - 2015 thuộc về Ban chỉ đạo, tổ giúp việc CPH của 20 DN chưa quyết toán chuyển thể, chi cục trưởng Chi cục Tài chính DN, cục trưởng Cục Thuế TP và tổ chức, cá nhân có liên quan thời kỳ phát sinh vụ việc.

Hậu cổ phần hóa, 'ông lớn' ngành xây lắp ra sao? Hậu cổ phần hóa, "ông lớn" ngành xây lắp ra sao?

TTO - Cuối năm 2018, Công ty An Quý Hưng bỏ 7.400 tỉ đồng mua 57% vốn Vinaconex từ Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Vinaconex đang giảm dần mảng kinh doanh thế mạnh là xây lắp để tập trung vào mảng bất động sản?

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên