07/12/2012 11:31 GMT+7

Top 10 loài mới phát hiện năm 2012

THIÊN NHIÊN
THIÊN NHIÊN

TTO - Khỉ chuyên sống về đêm ở Peru, nhện nhảy có răng nanh ở Borneo, khủng long "ma cà rồng" và "cá sấu bọc sắt" đều nằm trong top 10 loài mới phát hiện trong năm 2012 của tạp chí Time (Mỹ).

TTO giới thiệu đến bạn đọc top 10 loài này (xếp theo thứ tự từ dưới lên):

10. "Cá sấu bọc sắt"

hOb3ZNul.jpgPhóng to

Hóa thạch hộp sọ của cá sấu cổ đại Aegisuchus witmeri - tổ tiên của cá sấu châu Phi ngày nay, có niên đại 95 triệu năm được các nhà khoa học ĐH Missouri (Mỹ) phát hiện tại Morocco. Loài cá sấu cổ đại này có chiều dài cơ thể khoảng 9,5m. Nó có một lớp da dày phủ kín đầu nên còn được gọi là “cá sấu bọc sắt”.

9. Cá mập mèo

Onz1f2x3.jpgPhóng to

Các nhà nghiên cứu ở Học viện khoa học California (Mỹ) đã phát hiện loài cá mập mèo (tên khoa học Bythaelurus giddingsi) sống dưới đáy biển thuộc quần đảo Galapagos, Ecuador. Loài cá mập này có chiều dài khoảng 0,6m, trên cơ thể có màu sôcôla và có nhiều đốm màu trắng với hình dạng khác nhau nằm xen kẽ.

8. Nhện Myrmekiaphila tigris

LuuyTqyy.jpgPhóng to

Trong tháng 5-2012, Viện Côn trùng học và bệnh học thực vật tại ĐH Auburn (Mỹ) công bố phát hiện loài nhện nâu vàng có tên khoa học Myrmekiaphila tigris sống tại thành phố Auburn, bang Alabama.

Nhện cái dành phần lớn thời gian sống trong hang ngầm dưới lòng đất, phần trên cửa hang được che chắn bằng một cửa có bản lề làm từ hỗn hợp tơ và đất - đây là cái bẫy để bắt con mồi. Trong mùa sinh sản giữa tháng 11 và 12, con đực sau khi tìm bạn đời giao phối xong thường bò lên với số lượng tương đối lớn trên vỉa hè ở các khu phố, trong hồ bơi và ngay cả trong nhà để xe ở Auburn.

7. Chuột cổ đại chinchilla

lFu9KRKn.jpgPhóng to

Các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ đã phát hiện hóa thạch của loài chuột cổ đại chinchilla (tên khoa học Andemys Termasi) từng sống cách đây 32,5 triệu năm gần một dãy núi lửa ở Nam Mỹ - nay là thung lũng sông gần dãy Andes, địa phận Chile.

Phân tích hóa thạch răng của loài này là bằng chứng cho thấy chúng sống trong môi trường khô hạn trước khi đồng cỏ xuất hiện trên thế giới cách nay 15 triệu năm. Các nhà khoa học nói khá bất ngờ khi tìm được hóa thạch chuột chinchilla trong đá núi lửa, bởi nó thường quá nóng để bảo quản tốt.

6. Nhím bí ẩn

nEM9Lg6c.jpgPhóng to

Loài nhím bí ẩn được các nhà khoa học phát hiện ở vùng rừng rậm Peru. Họ gọi là nhím bí ẩn vì lông của nó rất dài, không giống bất kỳ loài nhím nào khác.

5. Chuột chù tai nhỏ

jxB7tBpx.jpgPhóng to

Chuột chù tai nhỏ cũng được tìm thấy tại vùng rừng rậm Peru. Loài chuột chù này có kích thước nhỏ hơn nhiều so với họ hàng. Mắt của loài này cũng “tí hon”. Hiện chưa có nhiều thông tin về chúng, được phân loại ở mục “thiếu dữ liệu” trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

4. Khỉ nhiều màu ở Congo

UyyUDrzn.jpgPhóng to

Loài khỉ nhút nhát Cercopithecus lomamiensis có bộ lông màu vàng, xám và đỏ được tìm thấy trong khu rừng nhiệt đới ở miền trung CHDC Congo. Đây là lần đầu tiên trong 28 năm qua, một loài khỉ mới được phát hiện ở châu Phi.

3. Khủng long “ma cà rồng”

NGWCT6Ld.jpgPhóng to

Sau khi phân tích hóa thạch, các nhà khoa học ĐH Chicago (Mỹ) đã công bố phát hiện loài khủng long mới, tên khoa học Pegomastax africanus sống cách nay 150 triệu năm. Nó có kích thước tương đương một con mèo, gọi là khủng long “ma cà rồng” vì có răng nanh để nghiền thực phẩm và lông chúng cứng như nhím.

2. Nhện nhảy có răng nanh

5cmfnKio.jpgPhóng to

Được phát hiện vào tháng 9-2012 tại công viên Kinabalu ở đảo Borneo, loài nhện nhảy có răng nanh sử dụng răng nanh dài bất thường để chiến đấu với kẻ thù, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó sử dụng răng nanh trong những nghi thức tán tỉnh và giao phối. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm mục đích chính xác của răng nanh”, trưởng nhóm thám hiểm Menno Schilthuizen, làm việc tại Trung tâm Đa dạng sinh học Naturalis, Hà Lan, cho biết.

1. Loài khỉ chuyên sống về đêm

dqKj3AC0.jpgPhóng to

Loài khỉ chuyên sống về đêm có trọng lượng cơ thể 0,9kg và chiều cao 0,3m. Nó là loài ăn đêm, khó tìm và khó thống kê số lượng ngay cả khi chúng ở trước mắt. Hộp sọ loài khỉ này nhỏ hơn so với họ hàng của chúng. Đây là một trong tám loài động vật có vú mới phát hiện tại khu bảo tồn quốc gia Tabaconas Namballe (Peru) rất hiếm thấy và ít được nghiên cứu. Loài “khỉ đêm” mới chưa được đặt tên khoa học này được phân loại “dễ bị tổn thương” trong Sách đỏ của IUCN.

THIÊN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên