Tony Hsieh là doanh nhân thành đạt phi thường - Ảnh: AFP
Tiền chỉ là công cụ để Tony đạt được mục đích, nó không bao giờ trở thành vấn đề với anh ấy. Nếu chỉ có 1 triệu USD, anh ấy cũng sẽ dành 999.999 USD để vực dậy Las Vegas. Anh ấy vẫn sẽ hạnh phúc với 1 USD còn lại trong ngân hàng và ở bên cạnh những người mà anh ấy yêu thương.
Erik Moore (nhà đầu tư của Zappos)
Trong những ngày người Mỹ hưởng không khí lễ Tạ ơn, dù không vui vẻ như trước khi có dịch COVID-19 nhưng cũng là dịp gặp gỡ người thân, thông tin Tony Hsieh qua đời vào tối thứ sáu (27-11, giờ Mỹ) khiến nhiều người bất ngờ.
Con người của tầm nhìn
Càng đau lòng hơn khi nguyên nhân cái chết của ông, được thông tin rất ít ỏi, được cho là do vụ cháy nhà vào ngày 18-11. Tờ TechCrunch khẳng định một người phát ngôn của Tony nói khi đó Tony đang ở cùng em trai ở Connecticut và vụ cháy khiến ông bị thương, dẫn đến qua đời tại bệnh viện gần mười ngày sau đó.
Ở tuổi 46, Tony còn nhiều dự án đầy tham vọng, đặc biệt là dự án làm sống lại khu trung tâm thành phố đã xuống cấp của Las Vegas, nên thông tin về Tony khiến nhiều người đau lòng. Tối 28-11 (tức sáng 29-11, giờ VN), người dân ở Fremont Street - phố chính của trung tâm Las Vegas - đã tổ chức lễ tưởng niệm Tony Hsieh, người đang làm sống lại cả khu vực này.
Cách đây hơn mười năm, vào năm 2009, sau khi nắm bắt được thị trường Las Vegas dựa trên việc kinh doanh Zappos, Tony đã tổ chức một dự án tái phát triển và tái thiết lớn cho trung tâm thành phố này mang tên Dự án Downtown, biến nơi đây thành trụ sở của Zappos.com và sau đó là một trung tâm công nghệ lớn của cả nước.
Ông đã đầu tư đến 350 triệu USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư công nghệ, các công ty khởi nghiệp nhằm biến nơi đây thành một "thung lũng Silicon của Nevada". Người ta nể phục Tony bởi những ý tưởng mang tính tầm nhìn cho tương lai và rất nhiều người tin rằng ông sẽ làm nên chuyện ở Las Vegas, như từng làm được với những dự án khởi nghiệp ghi vào sử sách của giới công nghệ trước đó là LinkExchange và Zappos.
Hai thương vụ lừng danh
Cha mẹ Tony là người Đài Loan nhập cư vào Mỹ. Như bao gia đình gốc Á khác, họ muốn con mình phải học cao. Tony được cha mẹ kỳ vọng trở thành bác sĩ. Chàng trai trẻ vào học ở Harvard nhưng nhanh chóng rẽ sang đam mê đích thực của mình là kinh doanh, kết hợp với công nghệ đang ở thời kỳ nhen nhóm cho các giấc mơ táo bạo.
Năm 1996, Hsieh cùng một bạn học bắt đầu phát triển các ý tưởng cho một mạng lưới quảng cáo trực tuyến, nơi mà các thành viên tham gia được phép quảng cáo trang web của họ trên mạng lưới này thông qua việc hiển thị các banner quảng cáo. Hsieh và cộng sự đã gọi sản phẩm này là LinkExchange và cho ra mắt vào tháng 3-1996. Hsieh giữ vai trò giám đốc điều hành.
Hơn hai năm sau, tháng 9-1998, LinkExchange đã có hơn 400.000 thành viên và 22 triệu người xem. Trước một tiềm năng như thế, Microsoft buộc phải bỏ ra 265 triệu USD để qua mặt các ông lớn công nghệ khác giành quyền mua lại LinkExchange. Khi ấy, chàng trai gốc Á đầy ý tưởng chỉ mới 24 tuổi.
Số tiền lớn trong tay giúp Tony thỏa chí thực hiện tiếp những giấc mơ không ít phần điên rồ của mình. Đáng kể nhất là thương vụ đầu tư vào trang web bán giày trực tuyến của Nick Swinmurn vào năm 1999. Chiến lược của Swinmurn là cung cấp một danh mục sản phẩm đa dạng, không giới hạn và được mua bán trực tuyến bởi đa số khách hàng đều có những trải nghiệm chẳng vui vẻ gì khi tìm cho được đôi giày vừa ý về màu sắc, kiểu dáng và kích cỡ.
Tony đồng ý xuống tiền, gia nhập Zappos và trở thành giám đốc điều hành. Việc đưa ý tưởng kinh doanh "làm cho khách hàng hài lòng hoàn toàn" đã trải qua không ít khó khăn trong một thời gian, nhưng đã làm nên thành công vang dội cho Zappos trong vòng mười năm. Điều này cũng tạo nên một triết lý kinh doanh cho cộng đồng khởi nghiệp. Để thâu tóm được Zappos (có doanh thu 1 tỉ USD) vào năm 2009, Tập đoàn Amazon khổng lồ phải chi ra đến 1,2 tỉ USD.
Hai thương vụ từ công ty khởi nghiệp bán cho hai gã khổng lồ công nghệ đã ghi dấu ấn tài năng của Tony Hsieh. Nó cũng đã tạo ra niềm mơ ước và tham vọng cho những người trẻ tin vào "giấc mơ Mỹ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận