28/03/2015 21:00 GMT+7

Liên Hiệp Quốc: tắt đèn là hành động thiết thực

HUỲNH PHƯƠNG
HUỲNH PHƯƠNG

TTO - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon có bài phát biểu nhận định tắt đèn là hành động thiết thực và là một trong những giải pháp để chống biến đổi khí hậu toàn cầu trong ngày 28-3.

Cầu cảng Sydney (Úc) trước và sau khi tắt điện hưởng ứng Giờ Trái đất. Ảnh: AFP.

Theo báo Anh Guardian, ông Ban Ki-Moon nói chiến dịch thế giới tắt đèn tối nay 28-3 có ý nghĩa thiết thực được xem là “bước đệm” trước hội nghị quan trọng bàn về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu được LHQ tổ chức tại thủ đô Paris (Pháp) vào cuối năm nay.

“Con người gây ra biến đổi khí hậu, chịu ảnh hưởng đau khổ bởi biến đổi khí hậu và cần tìm biện pháp chống biến đổi khí hậu. Tháng 12 này tại Paris, LHQ sẽ lắng nghe các giải pháp của các quốc gia để đi đến thống nhất ký kết một thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu. Đây được xem là sự kiện quan trọng về hành động chống biến đổi khí hậu trong năm nay” - ông Ban Ki-Moon cho hay.

Chiến dịch tắt đèn Giờ Trái đất được Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức lần đầu tiên năm 2007 tại thành phố Sydney (Úc). Đây là năm thứ 9 sự kiện này được tổ chức, đến nay đã nhân rộng hơn 7.000 thành phố thuộc 162 quốc gia trên toàn thế giới.

Đúng thời khắc theo giờ địa phương 20g30 đến 21g30 ngày 28-3, Antarctica và Samoa là hai lãnh thổ đầu tiên trên toàn cầu tắt điện. Sau đó là các quốc gia khác từ Úc đến Campuchia, từ Cameroon đến Colombia... Chiến dịch kéo dài qua 24 múi giờ khác nhau vòng quanh địa cầu.

Các công trình nổi tiếng thế giới như nhà hát Opera, cầu cảng Sydney (Úc), tháp đôi Petronas (Kuala Lumpur, Malaysia), sân vận động Tổ chim (Bắc Kinh, Trung Quốc), tháp Eiffel (Paris, Pháp), cổng Brandenburg (Berlin, Đức) hay quảng trường Đỏ (Matxcơva, Nga) chìm trong bóng tối trong đêm 28-3.

Sân vận động Tổ chim, Bắc Kinh, Trung Quốc trước và sau khi tắt điện - Ảnh: Reuters

Trong một giờ tắt điện, người dân các nước cũng được khuyến khích không nên thắp nến vì đây một trong số những nguồn trực tiếp phát thải khí CO­­­­­2 vào môi trường.

Ý nghĩa thực sự của sự kiện "tắt đèn một giờ" không những tiết kiệm điện trực tiếp mà còn nâng cao ý thức, tạo thói quen sử dụng điện một cách hợp lý, theo WWF.

Nhân sự kiện Giờ Trái đất 2015, ông Ban Ki-Moon mong muốn các tổ chức phi chính phủ cần tài trợ những ứng dụng năng lượng sạch (như bếp tiết kiệm năng lượng, đèn năng lượng mặt trời...) cho các cộng đồng dân cư hẻo lánh, có đời sống khó khăn trên thế giới.

Clip chiến dịch thực hiện Giờ Trái đất 2015 - Nguồn: You Tube/Earth Hour

 

HUỲNH PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên