19/06/2023 19:17 GMT+7

Tổng lãnh sự Trung Quốc: Ngày không tiền mặt có thể dẫn dắt phát triển xã hội không tiền mặt

Thanh toán trực tuyến tạo ra nhiều ngành nghề mới. Ngày không tiền mặt được tổ chức đã thể hiện sự quan tâm cao độ của Nhà nước Việt Nam với việc thúc đẩy sự phát triển của thanh toán trực tuyến và xã hội không tiền mặt.

Tổng lãnh sự Trung Quốc: Ngày không tiền mặt có thể dẫn dắt phát triển xã hội không tiền mặt - Ảnh 1.

Tổng lãnh sự Trung Quốc Ngụy Hoa Tường tại hội thảo ngày 16-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là khẳng định của Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online bên thềm hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội".

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt 2023, do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với báo Tuổi Trẻ và các đơn vị liên quan tổ chức.

Nhiều thuận lợi cho xã hội và nhân dân

* Tại Trung Quốc, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được liên thông với ngành ngân hàng như thế nào, thưa ông?

- Chính phủ Trung Quốc coi trọng và chủ trương xây dựng một quốc gia số với mục đích tạo thuận lợi cho xã hội và nhân dân. Từ năm 2001, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống thông tin nhận dạng cá nhân, đẩy mạnh xác minh trực tuyến, tích hợp thông tin tài chính trong các thủ tục ngân hàng.

Tnăm 2003, Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy việc xây dựng hệ thống tín dụng quốc gia, đề xuất cơ chế chia sẻ thông tin tài chính và tín dụng công khai, an toàn và hiệu quả. Chúng tôi cũng thành lập Trung tâm dịch vụ dữ liệu lớn và các cơ quan hành chính có liên quan nhằm tăng cường chia sẻ, tích hợp thông tin tín dụng và mở các kênh chia sẻ dữ liệu giữa Chính phủ, cơ quan nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Giờ đây, một công dân của chúng tôi khi đi vay vốn có thể trực tiếp nhờ ngân hàng tra cứu các báo cáo tín dụng cá nhân.

* Hiện tại, những ngành nghề, đơn vị nào ở Trung Quốc được phép liên thông và sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư? Điều này đã đem lại thuận lợi gì cho người dân?

- Ngoài một số trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia thì các tầng lớp xã hội, ban ngành, doanh nghiệp đều được liên thông và sử dụng dữ liệu về dân cư với tôn chỉ bảo vệ thông tin cá nhân.

Từ góc độ chính phủ, dữ liệu được sử dụng mức độ cao trong các lĩnh vực công thương, thuế, tài chính, an ninh công cộng, cải cách công nghiệp, phát triển nông nghiệp. Trước đây, các cán bộ cần đi đến từng nhà dân, nhưng giờ đây họ có thể dễ dàng triển khai công tác xây dựng đảng, đảm bảo an ninh nơi cư trú, phòng chống dịch bệnh, thống kê thu nhập hay tìm việc làm cho người dân. Như vậy có thể tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí.

Thông qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến được kết nối với tài khoản ngân hàng, người dân Trung Quốc có thể dễ dàng nộp tiền điện, nước, Internet, phí môi trường, bảo hiểm xã hội, cước di động, mua vé máy bay, khách sạn... Việc nộp tiền vi phạm luật giao thông cũng được thực hiện trực tuyến.

Thông tin từ quá trình sản xuất và logistics là những tài nguyên quý báu để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn. Điều này phòng chống rủi ro tín dụng, đảm bảo giao dịch được an toàn, đồng thời tạo ra nhiều động lực sống mới cho xã hội.

Tôi có thể tổng kết bằng một câu: "Làm người dân đi lại càng ít và làm dữ liệu đi càng nhiều".

* Khi triển khai dữ liệu về dân cư trên đa ngành nghề như vậy, có điều gì cần lưu ý, thưa ông?

- Luật pháp Trung Quốc nghiêm cấm sử dụng trái phép dữ liệu dân cư. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt ra các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thu thập và sử dụng dữ liệu.

Tổng lãnh sự Trung Quốc: Ngày không tiền mặt có thể dẫn dắt phát triển xã hội không tiền mặt - Ảnh 2.

Tổng lãnh sự Ngụy Hoa Tường hào hứng minh họa một giao dịch trực tuyến trên một ứng dụng của Trung Quốc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Theo ông, lợi ích của một xã hội không tiền mặt là gì?

- Xã hội không tiền mặt tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân. Giao dịch trực tuyến rất an toàn vì tiền mặt có thể bị làm giả hoặc rất dễ bị mất. Ngay cả khi người dân bị mất điện thoại thì người khác cũng không thể truy cập vào ví (điện tử) của mình được.

Hiện nay sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ở Trung Quốc cũng được rút ngắn nhờ sự phổ cập của kỹ thuật số và việc thanh toán không tiền mặt.  

Thanh toán trực tuyến tạo ra nhiều ngành nghề mới như thương mại điện tử, tạo ra dữ liệu để phục vụ dữ liệu hệ thống về tín dụng cá nhân. Dữ liệu này tích lũy càng nhiều thì càng thuận lợi cho việc sản xuất. 

Trong suốt hai năm COVID-19, khi làm việc tại tỉnh Sơn Đông, tôi đã giúp nông dân của tỉnh vay được 100 tỉ nhân dân tệ (khoảng 331.000 tỉ đồng). Việc này rất dễ dàng vì người nông dân có thể vay vốn qua ứng dụng trực tuyến và sử dụng xác thực khuôn mặt.

* Một nghiên cứu năm 2022 đã chỉ ra rằng việc giao dịch qua điện thoại thông minh khiến người dân Trung Quốc hạnh phúc hơn, ông có bình luận gì?

- Thực sự là như vậy! Tôi có một nhóm Wechat giữa những thành viên trong gia đình. Vì ở xa gia đình nên mỗi khi đến dịp sinh nhật của một người nào đó hay trong các ngày lễ đặc biệt, tôi đều có thể gửi một phong bao lì xì trực tuyến cho họ. Vấn đề ở đây không phải là số tiền được tặng, mà thông qua giao dịch trực tuyến, tôi có thể trao đi tình cảm của mình và giúp người thân yêu cảm nhận niềm hạnh phúc.

Dấu mốc cho xã hội không tiền mặt ở Việt Nam

* Ông đánh giá như thế nào về sự kiện Ngày không tiền mặt và hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội"?

- Sự kiện Ngày không tiền mặt được tổ chức đã thể hiện sự quan tâm cao độ của Đảng và Nhà nước Việt Nam với việc thúc đẩy sự phát triển của thanh toán trực tuyến xã hội không tiền mặt.

Sự kiện cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của báo Tuổi Trẻ và các ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam. Tôi cho rằng Ngày không tiền mặt có ý nghĩa rất quan trọng, có thể dẫn dắt sự phát triển của hệ thống thanh toán trực tuyến xã hội không tiền mặt ở Việt Nam.

Xây dựng xã hội không tiền mặt là một "công trình" mang tính hệ thống và lâu dài, hoạt động hôm nay sẽ đặt dấu mốc quan trọng cho tiến trình đó. Tôi xin được bày tỏ niềm tin vào tương lai tươi sáng của xã hội không tiền mặt ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu trên trang Statista, vào năm 2021, hơn 87% người dùng Internet của Trung Quốc đã sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến qua di động. Các nền tảng như Alipay (Tập đoàn Alibaba) và Wechat pay (Tập đoàn Tencent) có tới hơn 1 tỉ người dùng.

Hội thảo Ngày không tiền mặt 2023: Thúc đẩy giao dịch trên kênh sốHội thảo Ngày không tiền mặt 2023: Thúc đẩy giao dịch trên kênh số

Chiều nay 16-6, hội thảo “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội” nằm trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2023”, chính thức tổ chức tại khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên