Ông Kyle Nunas lần đầu được ngồi trên xe xích lô tại TP.HCM năm 1997 và có duyên với Việt Nam từ đó - Ảnh: NVCC
Cuộc trò chuyện của Tuổi Trẻ với ông Kyle Nunas bắt đầu từ cái duyên của ông với Việt Nam và những cảm nhận tinh tế của ông về vùng đất này.
Tôi nghĩ đa số giới trẻ Việt có óc sáng tạo, luôn tò mò trước những điều mới mẻ và những bạn trẻ Việt thế hệ mới không bị gò bó bởi những giới hạn mà luôn tạo cơ hội cho bản thân
Ông KYLE NUNAS
Thú vị một cách kỳ lạ
* Đến Việt Nam lần đầu vào năm 1997 và ông đã quay trở lại ngay trong năm đó.
- Khi tôi còn là sinh viên, cha mẹ tôi chuyển sang sống ở Singapore, mỗi năm tôi đều sang Singapore thăm họ vào dịp Noel. Lúc đầu tôi chỉ định đến Singapore, nhưng tôi rất hứng thú với những gì mới mẻ.
Việt Nam những năm 1990 mới mở cửa, với người dân ở Canada thời điểm đó thì đây là vùng đất đầy mới mẻ. Tôi cũng biết Việt Nam là một quốc gia thon dài, với nét văn hóa đa dạng nên quyết định quẩy balô lên và đi thôi.
Lần đầu đến Việt Nam tôi đi tham quan đồng bằng sông Cửu Long, địa đạo Củ Chi… và nhận ra Việt Nam vẫn còn quá nhiều điều thú vị mà một chuyến đi không thể khắc họa hết.
Tôi quyết định quay lại Việt Nam cùng năm để đi thăm miền Trung và miền Bắc. Dẫu vậy tôi vẫn còn một danh sách khá dài những điểm cần đến và trải nghiệm ở vùng đất thon dài khó quên Việt Nam.
* Trải nghiệm ấn tượng nhất sau hai chuyến đi trên?
- Việt Nam thời điểm đó mọi thứ đều rất khác biệt so với bây giờ. Tôi đã chụp rất nhiều hình, thậm chí là 10 cuộn phim nếu nhớ không lầm vì mọi thứ đều thú vị một cách kỳ lạ với tôi.
Còn câu chuyện ấn tượng nhất? Tôi nhớ lần đến địa đạo Củ Chi và dừng chân tại một tu viện, một thiếu niên đã tiến đến trò chuyện cùng tôi. Khi cậu ấy biết tôi đến từ Canada, cậu ấy đã nêu mong muốn được thực tập tiếng Pháp.
Tôi nhớ cậu ấy có hỏi tôi: "Tuyết giống như thế nào?", tôi giải thích tuyết lạnh và giống như cái chúng ta có thể tìm thấy ở ngăn đá tủ lạnh. Cậu ấy nói nhà mình không có tủ lạnh - một điều khiến tôi rất bất ngờ.
Phút giây đó tôi nhận ra cả hai đang đứng gần nhau nhưng thế giới của người kia thật kỳ lạ với mình.
Tôi cũng có một trải nghiệm khá thú vị là được đạp xe xích lô ở TP.HCM.
* Bây giờ thì tôi đoan chắc việc giải thích về tuyết đã dễ hơn rất nhiều với ông, vì cuộc sống của người dân nơi đây đã cải thiện rõ rệt…
- Tôi tin chắc là như vậy. Còn nhớ lần đến Việt Nam năm 1997, tôi có mua quyển sách hướng dẫn mini về Việt Nam. Quyển sách cho biết thu nhập bình quân của Việt Nam thời điểm đó chưa đến 400 USD/năm, bây giờ con số đã cải thiện.
Tôi thậm chí không nhớ lúc đó mình từng thấy các căn nhà cao tầng hay sự xuất hiện các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các công nghệ tiên tiến… tại TP.HCM nhiều như bây giờ.
Nỗ lực "lột xác" không thể phủ nhận
* Ottawa là một thành phố nhỏ với dân số khoảng 1 triệu người, trong khi TP.HCM có thể xem là siêu đô thị (megacity) với số dân gần 10 triệu. Sự khác biệt lớn đó có là thử thách cho ông và gia đình khi đến sinh sống, làm việc?
- Cũng khá may mắn là trước khi đến làm việc lâu dài tại Việt Nam, tôi có cơ hội làm việc tại một thành phố lớn của Ấn Độ nên chúng tôi cũng đã quen với nhịp sống của một thành phố đông dân.
Có sự khác nhau chăng là ở Ottawa chúng tôi đi đâu thì đầu tiên cũng nghĩ về khoảng cách.
Còn ở Việt Nam hay thành phố Bangalore (Ấn Độ) chúng tôi suy nghĩ nhiều về thời gian di chuyển bởi vì ở đây có những khoảng cách ngắn nhưng vẫn khiến mọi người tốn nhiều thời gian di chuyển, phải lên kế hoạch di chuyển rõ ràng, chi tiết.
Nhưng TP.HCM theo tôi là thành phố đáng sống, thu hút nhiều người nước ngoài đến sinh sống.
* Khi nói về đáng sống, tôi nhớ không lầm Ottawa là thành phố xếp hạng hai tại Canada và luôn nằm trong tốp đầu về chất lượng sống (theo tờ Independent, Anh, năm 2017).
- Dĩ nhiên chúng tôi may mắn khi có cơ sở vật chất, đường sá… tốt hơn tại đây. Nhưng theo tôi biết TP.HCM đang theo đuổi nhiều mục tiêu, chiến lược cụ thể nhằm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Chẳng hạn số lượng trường quốc tế, bệnh viện chất lượng cao xuất hiện ngày càng nhiều tại đây.
Chất lượng sống ở hai nơi có thể hơi chênh lệch nhưng những tiến triển, nỗ lực "lột xác" của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là điều không thể phủ nhận.
* Ông nói "điều tốt đẹp xuất hiện ở khắp mọi nơi", theo tôi hiểu là không cần đi đâu xa để có thể thấy cảnh đẹp, cảm nhận khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Dẫu vậy, vẫn có những người luôn thấy "cỏ bên kia đồi xanh hơn"…
- Chuyện đó xảy ra ở khắp mọi nơi, ngay cả người dân phương Tây hay Canada cũng không là ngoại lệ. Thông thường chúng ta có khuynh hướng coi những cái mình đang có là điều hiển nhiên, từ đó không nhận ra đúng giá trị của chúng.
Điều này không hẳn tiêu cực nhưng khiến chúng ta mất đi những cơ hội, sự an nhiên trong cuộc sống. Ở đâu mà chẳng có điều hay ho tồn tại song song với điểm chưa tốt đẹp? Và chắc gì chúng ta đã cảm nhận hết điều tốt đẹp của nơi mình sống?
Chẳng hạn gần đây tôi đọc một bài báo có tựa đề "Những địa danh đẹp nghẹt thở ở Canada", và khi tôi xem qua thì thấy mình chỉ mới đặt chân đến 40% trong số này dù đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Tương tự, Việt Nam có nét văn hóa đa dạng, sự hấp dẫn về mặt ẩm thực, bề dày lịch sử và cảnh đẹp rất nhiều… là những điểm nhấn độc đáo, không phải nơi nào cũng có.
Bằng chứng là số lượng du khách đến đây rất đông, chẳng hạn lượng du khách Canada đến Việt Nam những năm gần đây tăng vọt.
* Dẫu vậy, nhiều người vẫn có khuynh hướng di chuyển từ các quốc gia đang phát triển sang các nước đã phát triển.
- Khó thể nói quyết định của họ là đúng hay sai vì họ có lý do riêng để đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân và gia đình. Nhưng tôi thấy hiện có nhiều Việt kiều quay trở về Việt Nam để sinh sống, làm việc.
Lắng nghe thế hệ trẻ nhiều hơn
* Văn hóa Á Đông rất sợ hai chữ "thất bại". Ông có trải nghiệm nào về sự thất bại đã giúp ông học được nhiều điều?
- Tôi nghĩ nếu chúng ta làm điều gì cũng đạt kết quả tốt ngay từ lần đầu thì sẽ khó học được điều gì đáng quý.
Đôi khi chính những thất bại sẽ giúp chúng ta soi rọi lại, từ đó hoàn thiện hơn, có góc nhìn và giải pháp khác hiệu quả hơn. Chúng ta sẽ trưởng thành hơn từ những sai lầm đó.
Trong quá khứ, tôi từng rất hối tiếc về việc đã không đủ can đảm để làm theo một lựa chọn mà mình tin là đúng. Tôi đã quá lo lắng về việc số đông nghĩ gì về mình rồi làm khác đi điều lẽ ra nên làm. Và lựa chọn ban đầu của tôi hóa ra lại chính xác.
Từ đó, tôi học được một điều là khi mình đã có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ càng thì phải tin vào trực giác của chính mình, số đông không phải luôn đúng. Bài học đó theo tôi đến tận bây giờ.
* Từng đi chia sẻ với nhiều bạn trẻ Việt, ông có góp ý gì về họ?
- Tôi nghĩ đa số giới trẻ Việt có óc sáng tạo, luôn tò mò trước những điều mới mẻ và những bạn trẻ Việt thế hệ mới không bị gò bó bởi những giới hạn mà luôn tạo cơ hội cho bản thân.
Tôi không nghĩ có khuyết điểm lớn gì ở họ cần phải thay đổi. Có chăng là họ cần sớm nhận ra đam mê, bản lĩnh và vững tin vào bản thân.
Dĩ nhiên lời khuyên, góp ý của những người đi trước là có giá trị nhất định, rất đáng quý vì tôi tin họ cũng chỉ muốn điều tốt nhất cho con cháu mình.
Tuy nhiên xã hội thay đổi rất nhanh và thế giới quan của các thế hệ cũng khác, chẳng hạn như thời điểm hiện tại công nghệ đang thống trị, người lớn cần lắng nghe thế hệ trẻ nhiều hơn.
Nhưng cũng cần nhớ một điều công nghệ cũng chỉ là công nghệ, nó không thể thay thế hoàn toàn những trải nghiệm phong phú của con người được tích lũy trong thời gian dài.
Ông Kyle Nunas và gia đình chụp hình tại một sự kiện ủng hộ cộng đồng LGBT ở TP.HCM - Ảnh: Tổng lãnh sự quán Canada
Đảm nhận nhiều vị trí
Ông Kyle Nunas tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành báo chí Trường đại học Carleton (Canada) vào năm 1994, sau đó làm việc ở Tổ chức Di sản Canada.
Năm 2006 ông tham gia Bộ Ngoại giao và thương mại quốc tế Canada, từng giữ chức vụ giám đốc chi nhánh dịch vụ truyền thông, dẫn dắt đề án phát triển thị trường cho Thương vụ Canada từ năm 2007-2012.
Từ năm 2014-2017, ông đảm nhiệm chức giám đốc phụ trách lĩnh vực hàng không, ôtô, quốc phòng, thông tin và công nghệ thông tin liên lạc trong Thương vụ Canada.
Ông là lãnh sự đầu tiên của Canada tại thành phố Bengaluru (Bangalore), Ấn Độ năm 2012-2014.
Ông chính thức đảm nhận vị trí tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM từ tháng 8-2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận