18/03/2016 08:03 GMT+7

Tổng Bí thư nói Bến Tre cần giảm tỉ trọng nông nghiệp

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TT - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả đạt được của Bến Tre thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao trong năm năm gần đây.

Ngày 17-3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre. Tổng bí thư đánh giá cao những kết quả đạt được của Bến Tre thời gian qua, có sự phát triển khá đồng bộ, mạnh mẽ, tạo khí thế phát triển đi lên, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao trong năm năm gần đây.

Đối với vấn đề xâm nhập mặn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những phản ứng kịp thời của địa phương. Nhờ đó bước đầu hạn chế thiệt hại cho dân.

Tổng bí thư cho rằng khả năng sắp tới khô hạn và mặn xâm nhập vẫn diễn biến kéo dài, vì vậy cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời để đối phó với hạn mặn, giúp dân giảm thiểu rủi ro.

Tổng bí thư cũng gợi ý tỉnh Bến Tre chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sang những giống cây, vật nuôi chịu mặn để thích ứng với điều kiện tự nhiên. Tỉnh Bến Tre có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 42% là quá lớn, cần phải tận dụng một số điểm mạnh như cây dừa để phát triển công nghiệp.

Trong chuyến công tác, Tổng bí thư và đoàn cũng đã khảo sát một số cánh đồng lúa bị ảnh hưởng do hạn, mặn trên địa bàn tỉnh, chia sẻ và động viên bà con nông dân về những thiệt hại đã xảy ra.

Theo ông Võ Thành Hạo - bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, hiện có trên 19.000ha lúa đông xuân trong tỉnh bị thiệt hại 100%; trên 510ha hoa màu, 103.000 cây giống, 5.800ha cây ăn quả, 475ha diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại do xâm nhập mặn.

Tỉnh Bến Tre kiến nghị Tổng bí thư và lãnh đạo các bộ ngành trung ương sớm có chỉ đạo đánh giá toàn diện xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL, từ đó điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp.

Ông Nguyễn Chí Dũng, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho rằng định hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng những cây khác nhằm thích ứng với mặn là hợp lý.

Ông Nguyễn Hữu Chí - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết bộ sẽ xem xét, duyệt chi ngân sách cho các công trình để đối phó với hạn, mặn. Đồng thời, ông Chí cũng đề nghị chính quyền địa phương thống kê thiệt hại đầy đủ để có hướng hỗ trợ cho người dân.

Nêu vấn đề hạn, mặn tại cuộc họp Ủy hội sông Mekong quốc tế

Từ ngày 15 đến 17-3, phiên họp lần thứ 43 của ủy ban liên hợp Ủy hội sông Mekong quốc tế đã diễn ra tại Cần Thơ với sự tham dự của đại diện các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Tại phiên họp, đoàn Việt Nam nhấn mạnh tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đã tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; hoan nghênh việc Trung Quốc xả nước đập Cảnh Hồng; kêu gọi các nước thành viên ủy hội hợp tác và điều phối trong việc xả nước các đập thủy điện dòng nhánh và có biện pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả dòng nước xả trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng hiện nay.

Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại và đề nghị Thái Lan cung cấp thông tin cụ thể về dự án chuyển nước từ Huay Luang, một dòng nhánh của sông Mekong, để sử dụng cho nông nghiệp. Phía Thái Lan cho biết dự án mới đang trong quá trình nghiên cứu và cam kết sẽ sớm cung cấp thông tin.

TTXVN

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên