Sáng 29-8 tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ vinh dự và nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các lãnh đạo đã đến làm việc vào dịp kỷ niệm 79 năm thành lập ngành, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và nguồn động viên lớn lao đối với toàn ngành ngoại giao.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Cùng tham dự cuộc làm việc có Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, các thứ trưởng Bộ Ngoại giao và lãnh đạo một số ban, vụ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao.
Trước khi bắt đầu cuộc làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các đại biểu đã dành phút mặc niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo Bộ Ngoại giao, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh trong suốt chiều dài 79 năm lịch sử cách mạng và gần 40 năm đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã đạt được những thành tựu vĩ đại, chưa bao giờ đất nước ta hội nhập sâu rộng và có đóng góp tích cực với cộng đồng quốc tế như hiện nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích, kết quả quan trọng mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ ngoại giao đạt được, góp phần vào những thành tựu vĩ đại của đất nước.
Trong đó ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo thuận lợi cao nhất cho xây dựng và phát triển đất nước.
Đối ngoại đã không ngừng củng cố "thế và lực", mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, khu vực, các nước bạn bè truyền thống, mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia.
Ngoại giao cũng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với quốc phòng, an ninh và các lực lượng đối ngoại khác, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Đồng thời đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới,...
Đồng thời ngoại giao không ngừng củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc, quan tâm, chăm lo và huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, lan tỏa sức mạnh mềm Việt Nam ra thế giới thông qua ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại.
Việc phối hợp trên 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, công tác xây dựng ngành ngoại giao, nhất là xây dựng Đảng đã góp phần quan trọng vào những thành quả đối ngoại của đất nước.
Nhấn mạnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước đề nghị trong thời gian tới công tác đối ngoại cần chủ động, kịp thời phát hiện cơ hội, thách thức, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước.
Ông cũng yêu cầu nâng tầm, mở rộng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ của nhân loại, lan tỏa mạnh mẽ "phiên bản Việt Nam độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển, phồn vinh, hạnh phúc"; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên.
Đặc biệt cần xây dựng, củng cố ngoại giao thời đại mới, trong đó mục tiêu cao nhất là "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, vì Đảng vững mạnh, vì nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, có vị trí, vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Ngoại giao, theo ông, cũng phải đáp ứng được yêu cầu gắn kết đất nước với thế giới, dân tộc với thời đại, chủ động tham gia giải quyết các vấn đề chung của thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ việc thực hiện phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc là kiên định sự lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội.
Đó còn là nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, ngoại giao thời đại mới bám sát các phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến", "hòa hiếu", "lấy chí nhân thay cường bạo", "thêm bạn, bớt thù".
Với phương thức kết hợp chặt chẽ ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, gắn kết ngoại giao với lòng dân, ngoại giao song phương và đa phương, các công cụ chính trị, kinh tế, luật pháp quốc tế, thông tin đối ngoại, ngoại giao thời đại mới cũng sẽ tập trung vào các trọng tâm ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao môi trường, ngoại giao nhân quyền, thông tin, kết hợp chặt chẽ ba trụ cột đối ngoại với quốc phòng, an ninh.
Ngoại giao phải xứng đáng là "đội quân tiên phong"
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong kỷ nguyên mới, ngoại giao Việt Nam phải vươn lên những tầm cao mới để hoàn thành những trọng trách vinh quang mới, xứng đáng là "đội quân tiên phong", đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tới đây Đại hội lần thứXIV sẽ thảo luận các nội dung về đối ngoại, theo đó cùng với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận