21/04/2022 13:50 GMT+7

Tôn vinh công lao sử gia Lê Văn Hưu

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TTO - Sáng 21-4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1322-2022), khánh thành đền thờ ông tại Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

Tôn vinh công lao sử gia Lê Văn Hưu - Ảnh 1.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch cắt băng khánh thành dự án trùng tu đền thờ Lê Văn Hưu sáng 21-4 - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Nhà sử học Lê Văn Hưu sinh năm 1230 ở làng Phủ Lý, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, ông mất năm Nhâm Tuất 1322, hưởng thọ 93 tuổi. Từ thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Với tài học lừng danh, lại chăm dùi mài kinh sử, Lê Văn Hưu đã đỗ bảng nhãn khoa thi năm Đinh Mùi (năm 1247) đời vua Trần Thái Tông.

Lê Văn Hưu được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần như: kiểm pháp quan, hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc sử viện tu giám. Không chỉ là bảng nhãn đầu tiên, nhà giáo, nhà chính trị, quân sự, nhà văn hóa lớn ở thế kỷ XIII, XIV, Lê Văn Hưu là người đặt nền móng cho quốc sử dân tộc.

Tuân lệnh vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các sách sử ghi chép ít ỏi, sơ sài của thời nhà Lý và cùng thời để biên soạn lại, hoàn thiện bộ quốc sử có tên "Đại Việt sử ký" từ Triệu Vũ Đế (năm 207 trước Công nguyên) đến đời Lý Chiêu Hoàng (năm 1244) gồm 30 quyển. Tác phẩm "Đại Việt sử ký" của Lê Văn Hưu là bộ quốc sử ghi dấu mốc quan trọng đầu tiên cho nền sử học nước nhà.

"Bằng tài năng, đức độ hơn người, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào danh sách danh nhân văn hóa Việt Nam, trở thành niềm tự hào của mảnh đất Thanh Hóa giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà sử học Lê Văn Hưu đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn. Tấm gương của nhà sử học Lê Văn Hưu trong học tập, làm việc khoa học và trách nhiệm cần được tuyên truyền rộng rãi. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, góp phần làm cho đất nước ngày càng có nhiều bậc hiền tài - nguyên khí của quốc gia" - ông Đầu Thanh Tùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại lễ khánh thành đền thờ nhà sử học sáng 21-4.

Tôn vinh công lao sử gia Lê Văn Hưu - Ảnh 2.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch dâng hương tưởng niệm tại đền thờ Lê Văn Hưu sáng 21-4 - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Thanh Hóa đã khánh thành dự án tu bổ Khu di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung, với tổng vốn đầu tư hơn 29 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 tỉ đồng, còn lại là nguồn huy động hợp pháp khác.

Đền thờ Lê Văn Hưu được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Sau khi khánh thành trùng tu và đưa vào sử dụng, đền thờ Lê Văn Hưu sẽ là điểm đến tâm linh, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương và du khách. 

HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên