Sáng 26-7, giới âm nhạc và khán giả Việt Nam buồn bã khi nghe tin nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua đời. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên ngậm ngùi nói dù biết Tôn Thất Lập bệnh nặng nhiều tháng nay, các anh em nhạc sĩ vẫn hụt hẫng và lưu luyến trước hung tin này.
Nhạc sĩ của giai điệu, ca từ đẹp
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung bày tỏ lòng kính trọng với đàn anh: "Nhạc của anh Tôn Thất Lập có giai điệu rất đẹp, ca từ rất văn học nên đọng lại thật nhiều cảm xúc trong lòng người nghe. Nhất là thời kỳ chiến tranh, anh hoạt động trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe".
Theo nhiều người đánh giá, những ca khúc Tôn Thất Lập sáng tác trong phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên miền Nam có những dấu ấn cực kỳ đặc biệt và vẫn vẹn nguyên giá trị đến hôm nay.
Đó là những ca khúc khơi gợi tinh thần của lớp trẻ, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, thúc giục người ta đứng lên vì những lý tưởng cao đẹp. Có thể kể ra như Hát cho dân tôi nghe, Dậy mà đi, Xuống đường, Hát trong tù, Lúa reo trên khắp đồng bằng...
Những ca khúc ấy có tính lịch sử, sáng tác phục vụ giai đoạn cụ thể đó nhưng vẫn đi vào lòng người và đến hôm nay người trẻ vẫn còn hát, cụ thể là bài Hát cho dân tôi nghe.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên lý giải: "Bài của anh không phải kiểu chính trị thẳng thừng, không phải hô hào tiến lên, tiến lên. Nhạc phẩm dễ đi vào lòng người qua câu từ chắt lọc, gợi trong lòng người ta những cảm xúc tinh tế chứ không ồn ào, lên gân.
Bài Hát cho dân tôi nghe có hình ảnh Trưng Vương, Lam Sơn, những người chiến đấu xa xưa khơi gợi lòng tự hào dân tộc".
Nhóm nhạc sĩ Những người bạn
Năm 1991, nhạc sĩ Tôn Thất Lập và các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh Tùng thành lập nhóm nhạc sĩ mang tên Những người bạn.
Họ liên kết lại cùng nhau với mong muốn định hướng âm nhạc, không để khán giả quay lưng với nhạc Việt. Họ được xem là những người đi đầu trong phong trào nhạc trẻ sau năm 1975.
Trong giai đoạn gắn kết cùng nhau, các nhạc sĩ trong nhóm đã cho ra đời nhiều tác phẩm tạo dấu ấn trong làng nhạc trẻ Việt như Trịnh Công Sơn với Hai mươi mùa nắng lạ, Sóng về đâu; Trần Long Ẩn với Mừng tuổi mẹ, Xin làm người hát rong; Thanh Tùng với Hát với chú ve con, Giọt nắng bên thềm; Từ Huy với Ngày em đến, Quê hương tuổi thơ tôi; Nguyễn Ngọc Thiện với Ngọn lửa trái tim, Thôi em hãy về; Nguyễn Văn Hiên với Một thời để nhớ, Ngày xưa còn bé. Còn Tôn Thất Lập có Mưa rơi, Tình yêu mãi mãi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên nhìn nhận nhạc sĩ Tôn Thất Lập có khả năng viết rất đa dạng. Ông có nhiều bài tình ca mạnh mẽ, hừng hực sức sống trong Trị An âm vang mùa xuân, rồi lại da diết trong Mưa thì thầm, thoắt cái hết sức trẻ trung, sinh động trong nhạc phẩm dành cho tuổi thiếu niên như Oẳn tù tì.
Tôn Thất Lập luôn dành tình cảm đặc biệt cho các nhạc sĩ trẻ. Ông hỗ trợ, truyền lửa, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với họ. Cách ông làm việc luôn là những bài học quý để người trẻ nhìn và học theo. Ông thận trọng trong từng sáng tác, lựa chọn câu từ sao để chuyển tải được ý tứ sâu xa, cân nhắc từng giai điệu.
Khi tác phẩm được dàn dựng đến với công chúng, ông theo kỹ từng bước xem ca sĩ đã thể hiện đúng ý của ca khúc chưa. Tất cả sự tỉ mẩn đó giúp ca khúc của ông luôn có giá trị và giữ được sức sống bền lâu.
Ca sĩ Thanh Thúy nói về nhạc sĩ Tôn Thất Lập với sự trân trọng: "Sự nghiệp của chú Ba Lập gắn liền với những thời kỳ cách mạng của đất nước và vì thế âm nhạc của chú mang đặc trưng của mỗi giai đoạn, từ phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe đến thời kỳ ngay sau khi đất nước thống nhất.
Thời đó, sức sống mới của nền âm nhạc Việt Nam được phát triển tổng hòa qua một giai đoạn kháng chiến chống xâm lược. Đó là sự phát huy truyền thống dân tộc yêu chuộng hòa bình, là sự thấu hiểu và biến hóa tài tình của một dân tộc yêu âm nhạc, luôn luôn tiếp thu những trào lưu mới của thế giới rồi chắt lọc lại.
Đến khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập, phát triển mạnh mẽ, những sáng tác của chú cũng vẫn mang phong cách lạc quan, tươi trẻ, trữ tình và luôn đồng hành cùng dân tộc".
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập những năm cuối đời không vướng bận việc quản lý. Mỗi khi khỏe, ông lại ngồi lai rai với anh em. Ông uống ít, chừng ly nhỏ nhưng ngồi cả buổi với những câu chuyện đời không dứt.
Và bây giờ, không ít nhạc sĩ sẽ mãi nhớ đến ông - người anh lớn hiền lành, gần gũi và luôn hỗ trợ đàn em.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh năm 1942 tại Huế. Thời chiến, ông hoạt động trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Sau đó, ông theo học Nhạc viện Hà Nội rồi sang Pháp học.
Ông từng là phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tổng biên tập tạp chí Âm Nhạc Việt Nam. Ông đã xuất bản các tuyển tập Phố ca, Hát cho dân tôi nghe, Hát lời chiêm bao, Tình ca mùa xuân... Ông nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Tang lễ nhạc sĩ Tôn Thất Lập tổ chức tại nhà tang lễ quốc gia phía Nam (TP.HCM) từ ngày 28 đến 29-7. Lễ truy điệu nhạc sĩ diễn ra lúc 6h ngày 30-7, an táng tại nghĩa trang TP.HCM.
Vang mãi những bài ca
Bà Thanh Thúy cho biết ngày 5-8 tại Nhà hát TP, Sở VH&TT phối hợp với Hội Âm nhạc TP, Thành Đoàn và Đài truyền hình TP.HCM thực hiện đêm nhạc "Vang mãi những bài ca" để tôn vinh nhạc sĩ Tôn Thất Lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận