28/06/2018 12:43 GMT+7

Tôn Đông Á: Nâng tổng công suất lên trên 1 triệu tấn/năm

BÔNG MAI - MINH TÚ
BÔNG MAI - MINH TÚ

Dự kiến, tháng 7-2018 dây chuyền mạ màu số 4 của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á sẽ đi vào hoạt động. Đây được xem là dấu mốc đặc biệt ghi dấu chặng đường 20 năm phát triển của Công ty khi nâng tổng công suất lên 1 triệu tấn/năm.

Tôn Đông Á: Nâng tổng công suất lên trên 1 triệu tấn/năm - Ảnh 1.

Nhà máy Tôn Đông Á Thủ Dầu Một (Lô A3, đường D4, Khu Công nghiệp Đồng An 2, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) - Ảnh: K.H

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành tôn thép, dấu mốc cho thấy Tôn Đông Á đang khẳng định vị thế cạnh tranh ngày càng vượt trội bởi sản lượng đáp ứng sự tăng trưởng thị trường và nâng tầm chất lượng sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu.

20 năm, công suất tăng 200 lần

Năm 1998, khi mới chập chững tham gia thị trường, Tôn Đông Á với công suất vỏn vẹn 5.000 tấn/năm

với dòng sản phẩm chính là thép mạ kẽm phục vụ phân khúc phổ thông. Sau 20 năm, Công ty đã đi bước tiến dài khi nâng công suất lên gấp 200 lần (mức 1 triệu tấn/năm), trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu của ngành sản xuất tôn thép Việt Nam.

Đằng sau con số ấn tượng ấy là những bước chuyển mình gắn với sự phát triển của ngành tôn thép VN nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung. Đặc biệt, khi tham gia vào "sân chơi" toàn cầu, sản phẩm của Công ty đủ tự tin cạnh tranh với đối thủ ngoại, tạo nên niềm tự hào "made in Vietnam".

Theo lãnh đạo Tôn Đông Á, bước ngoặt cho sự phát triển hiện nay là quyết sách trong định hướng đầu tư mở rộng nhà máy, dây chuyền công nghệ và nắm bắt xu hướng thị trường. Cụ thể, cách đây 5 năm, nhà máy số 2 được xây dựng tại KCN Đồng An 2, tại

TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Tại đây, dây chuyền tẩy rỉ Tenova (Ý) và dây chuyền cán nguội Danieli (Ý) được đưa vào hoạt động, đã đưa Công ty lên một tầm cao mới, sản xuất sản phẩm từ khâu nguyên liệu cán nóng.

Trong năm 2015, ngay sau khi giai đoạn 1 nhà máy thứ 2 đi vào hoạt động, lãnh đạo Công ty bắt tay thực hiện mở rộng đầu tư giai đoạn 2. Các dây chuyền hiện đại bậc nhất trên thế giới được tuyển lựa lắp đặt. Cụ thể, dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm thứ 3 công suất 180 nghìn tấn/ năm, dây chuyền cán nguội thứ 2 công suất 400 nghìn tấn/năm được lắp đặt vào tháng 8-2017.

 Công ty tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm dây chuyền mạ kẽm thứ 4 công suất 350 nghìn tấn/ năm vào tháng 4-2018, dự kiến hoàn thành dây chuyền mạ màu số 4 công suất 120 nghìn tấn/ năm và đi vào hoạt động trong tháng 7-2018. Các dây chuyền có nguồn gốc từ tập đoàn sản xuất thiết bị thép hàng đầu Danieli (Ý) và Fata Hunter (Mỹ) giúp Công ty gia tăng sản lượng lên trên 1 triệu tấn trong năm 2018

Theo ghi nhận thị trường, hiện nay, các doanh nghiệp ngành thép trong nước đang tham gia cuộc chạy đua quyết liệt giành thị phần qua việc đẩy mạnh xây nhà máy, tăng công suất. Điều này, khiến nguy cơ đẩy các doanh nghiệp rơi vào bẫy sản lượng, buộc hạ giá thành, chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. 

"Thị trường luôn có những biến động trong từng giai đoạn. Chúng tôi xác định cạnh tranh là yếu tố tất yếu để doanh nghiệp phát triển. Chúng tôi xác lập và kiên trì chiến lược không chạy đua cạnh tranh về sản lượng mà tập trung nâng tầm chất lượng sản phẩm bằng việc đầu tư công nghệ, đáp ứng thay đổi của thị trường" - ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á chia sẻ.

Chọn công nghệ hiện đại, chọn đối tác lâu bền

Tôn Đông Á: Nâng tổng công suất lên trên 1 triệu tấn/năm - Ảnh 2.

Xác định rõ lợi thế cạnh tranh của Công ty là cung ứng các sản phẩm thép lá mạ chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, dịch vụ tốt nhất, Tôn Đông Á ưu tiên đầu tư các trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường từ Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ...

Thời gian qua, Công ty liên tục đầu tư rót vốn hơn 200 triệu USD nhằm sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Cụ thể, trong kế hoạch, Tôn Đông Á sẽ cung ứng sản phẩm vào phân khúc thị trường tôn mạ cho ngành chế tạo thiết bị gia dụng - đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe cho đối tác LG và Samsung... Công ty đặt mục tiêu sẽ thay thế được toàn bộ hàng tôn mạ nhập khẩu cho ngành thiết bị gia dụng nội địa và xuất khẩu.

Để thực hiện mục tiêu, mạnh tay đầu tư công nghệ là chưa đủ, đòi hỏi Công ty xây dựng hệ thống quản lý nhà máy, quản trị toàn diện, khép kín theo chuẩn quốc tế. "Sau 2 năm nỗ lực, chúng tôi hoàn tất tạo dựng nhà máy đạt chuẩn quốc tế, chúng tôi cũng ghi nhận vai trò đóng góp một phần không nhỏ của các nhà đầu tư, hợp tác chiến lược, trong đó phải kể đến Tập đoàn JFE Shoji - Nhật Bản" - Ông Nguyễn Thanh Trung chia sẻ.

Được biết Tập đoàn JFE Shoji là liên hợp sản xuất thép lớn thứ 2 của Nhật và đứng thứ 8 trong Top 50 doanh nghiệp sản xuất thép trên toàn thế giới (Bảng xếp hạng năm 2015 của WSO - Hiệp hội Thép Thế giới) với quy mô 34 triệu tấn/năm. 

Cũng theo ông Trung, việc lựa chọn đối tác, nhà đầu tư chiến có tiềm lực, tầm vóc không chỉ cùng tạo dựng vị thế của Công ty trên thị trường. Đặc biệt, sự gắn kết lâu dài giữa Tôn Đông Á với đối tác Nhật Bản cũng được tạo dựng trên nền tảng cùng nhau phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chia sẻ giá trị nhân văn với xã hội đúng theo tôn chỉ "cùng xây cuộc sống xanh" của Công ty chọn lựa.


BÔNG MAI - MINH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên