05/05/2018 15:06 GMT+7

Tôi từng hoài nghi khả năng của con khi đi họp phụ huynh

ÁI LINH
ÁI LINH

TTO - Tôi thường bị bẽ mặt bởi những lời nhận xét của cô giáo chủ nhiệm trong những cuộc họp phụ huynh. Trước ánh mắt của bao người, có lúc tôi hoài nghi khả năng của con.

Tôi từng hoài nghi khả năng của con khi đi họp phụ huynh - Ảnh 1.

Đã bao năm rồi nhưng con tôi vẫn giật mình, hoang mang mỗi khi nghe nhắc tới họp phụ huynh.

Ám ảnh những buổi họp phụ huynh

Thú thật, những lần đi họp phụ huynh cho con về, gia đình tôi luôn phải trải qua cảm giác căng thẳng. Bởi con xếp gần như cuối lớp. Ngoài thế mạnh là môn ngoại ngữ thì các môn còn lại là điểm yếu của con.

Tôi thường bị bẽ mặt bởi những lời nhận xét của cô giáo chủ nhiệm trong những cuộc họp phụ huynh. Trước ánh mắt của bao người, có lúc tôi hoài nghi khả năng của con.

Thường thì những ngày ấy sau mỗi buổi đi họp phụ huynh về, tôi cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi nghĩ về kết quả học tập của con. Nhưng tôi vẫn cố gắng động viên con cố gắng ở những năm sau. 

Câu cửa miệng của tôi thường là: "Điểm số không phải là kết quả cuối cùng". Nhưng nhìn thái độ của con, nhìn đôi mắt của con ươn ướt nước, tôi hiểu con luôn thất vọng vì kết quả học tập luôn xếp cuối cùng của mình.

Tôi nhớ có lần con hỏi: "Có bao giờ mẹ thất vọng về con không?", "Có bao giờ mẹ so sánh con với những bạn khác không?"... 

Cố giấu sự thất vọng trong lòng, tôi lắc đầu để động viên con. Nhưng tôi luôn dằn vặt, trăn trở làm sao để giúp con tiến bộ hơn trong học tập. Thực lòng, chuyện học của con luôn là nỗi ám ảnh của con và của cả gia đình tôi như thế.

Cô giáo nói rằng, với khả năng của con thì rất khó có thể đậu được một trường cấp ba công lập ở Hà Nội, thậm chí trường dân lập cũng là điều khó khăn. 

Biết con mình là ai, tôi đã xác định trước rằng, không nên "trèo cao ngã đau". Vì vậy, năm ấy, vợ chồng tôi quyết định để cháu dự thi vào một trường THPT thường thường bậc trung. Thật may mắn là con đã đỗ sát nút. Khi đó, chúng tôi tạm hài lòng và tiếp tục đồng hành cùng con.

Không biết có phải phù hợp với ngôi trường dân lập hay không hay vì nhận được tình yêu, sự tôn trọng và niềm tin nơi bố mẹ đặt vào mình (kể cả khi con từng bị xếp cuối lớp ở cấp 2), con đã có những bước tiến rõ rệt. Để rồi tôi không còn bị ám ảnh mỗi buổi họp phụ huynh nữa.

Giờ đây, con đã tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, đi làm và có công việc tốt. Thật may mắn, con đã được ghi nhận và được cử đi học các khóa đào tạo ở nước ngoài.

Sao lại xem điểm số là thước đo năng lực con?

Lật lại chuyện ngày xưa, tôi nhận thấy mình đã sáng suốt khi không dùng điểm số để đánh giá năng lực, trình độ của con. Nhưng có thể nói, hiện nay không ít bậc phụ huynh vẫn còn quá coi trọng chuyện điểm số. Họ xem đó là nấc thang duy nhất đánh giá năng lực của con em mình.

Tôi cảm thấy bất bình mỗi khi đọc được những dòng tâm sự của người mẹ nào đó về kết quả học tập bết bát, xấu xí của con. Tôi cũng nhận thấy nhiều người đang ảo tưởng thái quá năng lực của con chỉ qua điểm số, qua những tấm giấy khen và qua những lời khen của giáo viên. 

Một người họ hàng của tôi khá khắt khe trong chuyện học của con. Mặc dù thu nhập của hai vợ chồng không cao, thậm chí còn phải chạy từng bữa nhưng vẫn đầu tư cho con không thiếu thứ gì. 

Cho đến khi đứa con không được trong top 5 của lớp thì chị phạt con. Chị đe nẹt con suốt ngày khiến đứa bé sợ mẹ như sợ… cọp. Chị vẫn khăng khăng cho rằng phải "mạnh tay" thì con mới sáng mắt ra, mới cố gắng, mới tiến bộ. 

Tôi nghĩ, ở xã hội này, người mẹ ấy không phải là số ít.

Một đồng nghiệp của tôi cũng lo nơm nớp vì con không đạt học sinh giỏi. Chị bảo rằng kết quả đó là cửa hẹp trong cuộc đua vào trường chuyên. 

Cứ như vậy, không ít phụ huynh đang lấy điểm số là bức bình phong để dạy con, để đo lường năng lực và sự thành công của con trong tương lai.

Tôi nghĩ muốn giảm áp lực cho học sinh, trước hết phải bắt đầu từ phụ huynh. Khi mà phụ huynh vẫn còn đặt nặng mục tiêu đứng đầu, về nhất cho con thì đứa trẻ chỉ còn biết "sống chung với lũ" mà thôi.

Đành rằng kỳ vọng vào con là điều chính đáng của bất kỳ ông bố, bà mẹ nào. Tuy nhiên, năng lực cá nhân của mỗi đứa trẻ cũng có hạn. 

Giáo dục con cũng giống như trượt tuyết. Nếu cứ muốn con làm theo ý cha mẹ, đứa trẻ sẽ chỉ là bản sao. Nếu để con được là chính mình, đứa trẻ sẽ biết tự đứng lên và đi, tự khẳng định bản thân mà không phải chịu bất cứ áp lực nào.

Giáo dục chỉ có thể cho các em tấm bằng, kiến thức, tuy nhiên ai sẽ dạy các em ý thức trách nhiệm? Ai cho các em niềm tin vào bản thân mình? 

Trong khi đó, niềm tin, tự lập, tự chịu trách nhiệm lại là những yếu tố quyết định sự thành công của một con người. 

Mục đích của học tập là hướng tới tri thức, hướng tới đạo đức, thẩm mỹ. Tuy nhiên, ngày nay, người lớn chúng ta đang pha trộn giữa mục đích của mình, vô tình đánh lạc hướng con em...

Học sinh đang chịu áp lực chưa từng có Học sinh đang chịu áp lực chưa từng có

TTO - Chương trình học quá nặng, lớp quá đông, thi cử nặng nề, áp đặt... cùng hàng loạt vấn đề khác đã tạo áp lực chưa từng có lên học sinh.

ÁI LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên